Dân chưa đồng thuận thì việc thu phí có đảm bảo hiệu quả? Phí thu được có đủ để trả lương cho bộ máy quản lý, nhân viên trực tiếp đi thu? Việc quản lý thu chi ra sao để tránh tình trạng thất thoát, gây khó dễ cho dân... là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Thu phí xe máy được không? đăng trên Thanh Niên ngày 31.12.
Buộc thì phải thực hiện
Vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, nhưng cuối cùng HĐND TP.HCM cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thu phí đường bộ xe máy theo tờ trình của UBND TP. Vì sao còn ý kiến băn khoăn? Là bởi nó bất hợp lý, phí chồng phí, đổ gánh nặng lên người dân, lên phương tiện cà tàng kiếm cơm của nhiều người, trong khi đường sá đầy ổ voi, ổ gà, ngập lụt lầy lội, gây ra tai nạn thường xuyên. Nhưng chính quyền đã quyết rồi thì người dân buộc phải thực hiện, còn hiệu quả tới đâu thì chỉ nhìn vào hoạt động thu phí này của Hà Nội và một số địa phương khác đã triển khai trước đó, sẽ hiểu.
Công Lương (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Sẽ rất khó khăn
Với thực tế hiện nay, tôi nghĩ sẽ rất khó khăn cho lực lượng đi thu phí. Hãy hình dung các nhân viên ở phường, xã hoặc thông qua tổ trưởng tổ dân phố (hoặc thôn, ấp) đến từng hộ dân yêu cầu đóng phí xe máy, người dân sẽ đón tiếp và chấp hành việc này thế nào khi mà lòng họ chưa thuận? Đành rằng sẽ có biện pháp chế tài những ai không đóng phí, nhưng khi một việc được coi ích nước lợi nhà mà người dân thoái thác tham gia thì phải xem nó có tiến bộ, hợp lý hay không?
Phạm Văn Thành (thanhpham@yahoo.com)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
|
Dù có đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nộp phí đường bộ xe máy, nhưng khi người dân từ đầu đã không đồng thuận, không hưởng ứng thì chính quyền tại TP.HCM sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện...
Lương Hoàng Giang (Q.1, TP.HCM)
|
Theo tôi, không nên làm hoặc cố làm một việc chỉ dựa trên sự quyết tâm của chính quyền trong khi đa số người dân chưa đồng thuận.
Phan Thanh Nguyên (Cai Lậy, Tiền Giang)
Bình luận (0)