Nên quy định cụ thể
Bộ GD-ĐT nên quy định các khoản thu của trường (chính thức hay xã hội hóa giáo dục...) đều phải có bảng kê, có thông báo, có dấu xác nhận của nhà trường. Không nên để như lâu nay, nhà trường giao giáo viên chủ nhiệm thu các khoản và thông báo bằng… miệng qua các buổi họp phụ huynh hoặc thông qua học sinh. Thu tiền phải có hóa đơn chứng từ. Nguyễn Thị Mỹ Tiên (mytien_nguyencbc@yahoo.com)
Không chỉ là chuyện tiền
Tôi đồng tình với việc xử lý nghiêm hiệu trưởng nếu để xảy ra lạm thu. Đây không chỉ là chuyện tiền. Nhà trường là môi trường giáo dục, nơi dạy con em từ kiến thức đến nhân cách. Do đó, chuyện tiền bạc cũng phải rạch ròi, hợp lý, không có chuyện lách bằng cách này hay cách kia để thu được tiền. Huỳnh Văn Nhân (huynhnhancaobang@yahoo.com)
Tăng cường thanh tra, kiểm tra
Việc trường nào đó có lạm thu hay không thì chỉ có các đoàn thanh tra, kiểm tra biết, mới làm đến nơi đến chốn. Phụ huynh đa phần không dám đấu tranh, không dám tố cáo vì: sợ con bị trù dập, không có thời gian, hơn nữa lạm thu hay không phụ huynh cũng không thể biết được, chỉ kêu đóng tiền là đóng cho xong. Vì vậy, nếu cơ quan kiểm tra làm tốt công việc của mình, cứ nghiêm khắc thì chẳng trường nào dám lạm thu. Cao Thị Thanh Hương (nguoivetungayxua@yahoo.com)
Xử lý nghiêm là thế nào? Là buộc thôi việc, cách chức hay chỉ “kiểm điểm rút kinh nghiệm”? Theo tôi, cần quy định cụ thể, rõ ràng, ví dụ để xảy ra lạm thu dù ít dù nhiều cũng sẽ bị cách chức. Vậy mới gọi là nghiêm. Đinh Trúc Ly (Q.8, TP.HCM) Thế nào gọi là lạm thu cũng cần phải chỉ rõ để phụ huynh, học sinh hiểu. Nên chăng cần quy định danh mục cụ thể cho từng khối, từng trường và công bố rộng rãi cho phụ huynh vào đầu năm học. Nguyễn Đức Dũng (Q.2, TP.HCM) Thanh Đông |
Ban CTBĐ (tổng hợp)
>> Kỷ luật nghiêm hiệu trưởng nếu lạm thu
>> Xã hội hóa hay lạm thu ?
Bình luận (0)