ĐB Nguyễn Danh (Gia Lai) đề nghị, dự luật sửa đổi cần phải quy định việc định giá tài nguyên khoáng sản để làm cơ sở cho tổ chức đấu giá.
Cùng quan điểm, ĐB Nghiêm Vũ Khải (Điện Biên) cũng thắc mắc trước việc dự thảo Luật sửa đổi lần này lại bỏ hết quy định định giá trước khi đấu giá quyền khai thác khoáng sản như ban đầu dự kiến. “Đấu giá mà không định giá thì tôi không hiểu như thế nào, tất nhiên có quy định giao cho Chính phủ nhưng đây là tài sản quốc gia, tài sản của toàn dân, cho nên vấn đề đấu giá, định giá trong luật này phải quy định những điều cần thiết tối thiểu, trên cơ sở đó mới để Chính phủ quy định cụ thể”, ông Khải nói.
Liên quan tới quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ĐB Trần Đình Nhã (Bà Rịa - Vũng Tàu) không giấu được thất vọng khi cho rằng, những quy định trong dự luật (sửa đổi) về việc cấp phép hay đấu giá khai thác khoáng sản chưa giải quyết được vấn nạn cấp phép rất tràn lan thời gian qua, gây thất thoát nghiêm trọng tài nguyên khoáng sản của đất nước. “Luật phải quy định làm thế nào đó chủ yếu là đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nếu không ai tham gia đấu giá thì mới nghĩ đến chuyện cấp phép”.
Thế nào là khoáng sản quan trọng?
ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) nhận xét, quy định thế nào là khoáng sản quan trọng trong dự luật chưa rõ ràng, minh bạch. “Cần làm rõ khái niệm thế nào là khoáng sản quan trọng trong dự luật, đồng thời quy định rõ một số khoáng sản không được xuất khẩu thô, trước hết có thể là than đá hoặc sắt, titan”, ĐB này đề nghị.
Chia sẻ mối lo về an ninh năng lượng quốc gia, ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng, phải có một chiến lược về khoáng sản, đặc biệt là những khoáng sản chiến lược. ĐB này dẫn câu chuyện những việc xảy ra với Trung Quốc, Nhật và châu u trong vấn đề khai thác đất hiếm vừa qua, rồi cách tiết kiệm tài nguyên dầu mỏ của họ; và đưa ra khuyến nghị: “Những cái gì mà tài nguyên thế giới cạn kiệt hoặc là hạn chế thì chúng ta phải có chiến lược ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước, phục vụ trong nước trước. Phải xem xét lại việc xây dựng chiến lược khoáng sản và có một chiến lược xuất khẩu cho rõ ràng để sau này chúng ta còn có tài nguyên mà sử dụng”.
Đáng chú ý, trong quá trình thảo luận, một số ĐBQH đề nghị phải quy định rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm xử lý hậu quả khi xảy ra sự cố rủi ro môi trường do khai thác khoáng sản.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho biết, tại điều 24 có quy định tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải thực hiện các giải pháp và chịu mọi chi phí để bảo vệ, cải tạo phù hợp môi trường nhưng lại đóng khung trong 3 tài liệu: Một là dự án đầu tư; Hai là báo cáo đánh giá tác động môi trường; Ba là bản cam kết bảo vệ môi trường. “Nếu nói như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa nói, ví dụ đối với dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên thì đó mới chỉ là lý thuyết thôi bởi vì nó chỉ là dự án, báo cáo đánh giá tác động môi trường hay bản cam kết. Nhưng ai dám đảm bảo thực tế khi bắt đầu khai thác thì nó còn phát sinh những gì về vấn đề môi trường nữa. Cho nên tôi nghĩ nếu chỉ quy định những giải pháp, chi phí này chỉ đóng khung trong 3 tài liệu đó thì có lẽ tay ta lại buộc ta”, ông Hùng bày tỏ.
Sáng cùng ngày, QH thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người. Ý kiến của các ĐBQH thống nhất cho rằng cần ban hành luật này, nhưng dự luật lại soạn thảo quá sơ sài, khó có thể đưa ra biểu quyết nếu không được viết lại, bổ sung và chỉnh lý chi tiết hơn. ĐB Nguyễn Bá Thiều, Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhận xét dự án luật này thiếu những chế tài cụ thể, xét xử hay xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo luật nào (Bộ luật Hình sự, Pháp lệnh Khiếu nại tố cáo, Luật Tố tụng hành chính...), chưa có quy định rõ ràng. (Thành Lương - Tuyết Mai) |
Nguyệt Minh
Bình luận (0)