Phải xử lý nghiêm nạn “đạo chích” trang trại

05/03/2010 23:16 GMT+7

Không chỉ người dân, lãnh đạo nhiều địa phương khi trao đổi với PV Thanh Niên cũng bày tỏ bức xúc về nạn “đạo chích” trang trại, đồng thời cho biết đã chỉ đạo các lực lượng chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm những người phạm pháp.

Ông Y Dhăm Ênuôl, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk: Các nhà vườn cần liên kết để bảo vệ nông sản

Tiếp xúc với Thanh Niên, ông Y Dhăm Ênuôl cho biết, những năm qua tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề này. Cứ mỗi đầu vụ thu hoạch cà phê, UBND tỉnh đều ban hành chỉ thị yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã và các ngành liên quan trong tỉnh triển khai các biện pháp tăng cường công tác bảo vệ nghiêm ngặt vườn cây; tuyệt đối không để người dân thu hái cà phê xanh, bảo đảm tỷ lệ cà phê chín khi thu hái đạt trên 95%. Các chỉ thị này cũng yêu cầu: Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp huyện và các đơn vị có liên quan xử lý nghiêm các đối tượng trộm cắp cà phê...

Hái quả xanh vốn là vấn đề nhức nhối trong sản xuất cà phê, làm ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín sản phẩm của cà phê Đắk Lắk. Để khắc phục tình trạng này, theo ông Y Dhăm Ênuôl, giải pháp đầu tiên là phải bảo vệ vườn cây một cách chặt chẽ, tránh nạn hái trộm làm người sản xuất lo sợ. Ở một số huyện trong tỉnh đã xuất hiện hình thức tổ tuần tra canh giữ vườn cây do nông dân tự liên kết thành lập tỏ ra khá hiệu quả. Tuy nhiên, ở một số địa bàn tình trạng mất cắp trên vườn vẫn còn xảy ra.

“Có thể nói, ở những nơi nào còn xảy ra nạn trộm cắp sản phẩm là nơi đó công tác bảo vệ an ninh trật tự trong sản xuất chưa được tăng cường, người dân chưa cùng hợp tác bảo vệ vườn cây, địa phương cũng chưa làm hết trách nhiệm của mình”, ông Y Dhăm Ênuôl nói. Mặt khác, ông cũng cho rằng với điều kiện đặc thù về sản xuất cao su, cà phê là có diện tích vườn cây rộng, từ vài héc-ta đến vài chục héc-ta, nên các chủ trang trại khó bảo vệ tuyệt đối toàn bộ vườn cây nếu như không có lực lượng lao động đông và tổ chức tốt việc tuần tra, canh gác, ngăn chặn trộm cắp. Ông kêu gọi: “Trước hết, người nông dân, các chủ trang trại cần phát huy sức mình là chính; chủ động hơn nữa trong việc canh giữ, bảo vệ sản phẩm. Chính quyền địa phương chỉ làm công tác hỗ trợ, giúp sức người dân, chứ không thể có điều kiện làm thay tất cả”.

Ông Y Dhăm Ênuôl cũng cho biết, trong định hướng sản xuất và tiêu thụ cà phê theo Đề án phát triển cà phê bền vững của tỉnh Đắk Lắk, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT triển khai việc vận động thành lập các câu lạc bộ, nhóm hộ sản xuất cà phê và tiến đến hình thức cao hơn là hợp tác xã sản xuất cà phê. “Đây là những hình thức tổ chức sản xuất không chỉ phát huy sức mạnh tập thể trong việc bảo vệ sản phẩm của người nông dân một cách hiệu quả, mà còn nhằm đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất cà phê và hạn chế các rủi ro trong khâu tiêu thụ sản phẩm”, ông Y Dhăm Ênuôl nhấn mạnh.

              Trung Chuyên (lược ghi)

Ông Phạm Hoàng Bê, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu: Tăng cường tuần tra, xử lý

Bạc Liêu là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn trong cả nước, thủy sản được xác định là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình trạng trộm cắp tôm luôn diễn biến khá phức tạp làm cho người nuôi tôm hoang mang, lo lắng. Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán tình trạng trộm cắp tôm thường xuyên xảy ra. Do hiện  nay giá tôm khá cao (loại 50 con/kg có giá hơn 100 ngàn đồng/kg) nên các đối tượng nghèo khó, không việc làm thường bắt trộm tôm vì chỉ cần trộm được một vài ký tôm là có thể sống được nhiều ngày.

 
Nhiều bãi nghêu, sò giống ở Bạc Liêu có trữ lượng lớn được giao khoán cho các HTX ven biển quản lý, khai thác, nhưng mỗi khi có bãi nghêu giống xuất hiện thì hàng ngàn lượt người ở khắp nơi kéo đến, ngang nhiên khai thác, bất chấp sự ngăn cản của chính quyền địa phương... - Ảnh: Trần Thanh Phong 

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống trộm tôm, tỉnh chỉ đạo các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân ý thức cảnh giác, đồng thời có kế hoạch chủ động bảo vệ các vuông tôm. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để các đối tượng trực tiếp tham gia trộm cắp ý thức được việc làm của mình là sai trái, vi phạm pháp luật mà tích cực lao động, sản xuất, từ bỏ nạn trộm cắp. Đặc biệt, cộng đồng người nuôi tôm xung quanh xóm, ấp phải cùng nhau đoàn kết, cùng tham gia tố giác, phòng, chống trộm tôm.

“Tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương, lực lượng dân phòng, nhất là ở các xã ven biển cần tăng cường tuần tra, khoanh vùng, quản lý chặt chẽ các đối tượng nghi vấn có tham gia trộm cắp tôm. Nếu phát hiện các vụ trộm tôm với số lượng lớn, trộm cắp tôm có tổ chức với nhiều đối tượng tham gia, dùng hóa chất thuốc tôm... thì phải đưa ra xử lý nghiêm theo pháp luật”, ông Bê nhấn mạnh.

Ngay sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài Nạn "đạo chích" trang trại, trong đó có bài phản ánh tình trạng trộm cá đồng gia tăng ở H.Trần Văn Thời, ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã ký công văn chỉ đạo xử lý vụ việc. Theo đó, UBND tỉnh Cà Mau giao Công an tỉnh rà soát thông tin báo nêu, điều tra, xử lý tình trạng trộm có tổ chức, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trước ngày 15.3. Công văn trên cũng yêu cầu UBND huyện Trần Văn Thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn trộm cắp cá đồng và sử dụng xung điện (xiệc điện, kích điện) để bắt cá đồng trên địa bàn quản lý…

Trần Thanh Phong (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.