Xe

Phạm Công Danh tiếp tục bị đề nghị truy tố

11/07/2017 07:30 GMT+7

Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) ngày 10.7 đề nghị truy tố Phạm Công Danh và đồng phạm vì đã gây hậu quả nghiêm trọng tại 4 ngân hàng.

Hôm qua 10.7, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB), nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) và VNCB. Trước đó, trong quá trình điều tra vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm phạm tội cố ý làm trái và vi phạm quy định cho vay, ngày 11.3.2016, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định tách vụ án hình sự nội dung liên quan đến sai phạm xảy ra tại 3 ngân hàng trên để tiến hành điều tra riêng.
Liên quan vụ án này, các bị can gồm: Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB), Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB - chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB - chi nhánh Lam Giang), Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB - chi nhánh Sài Gòn), Nguyễn Quốc Viễn (nguyên Trưởng ban Kiểm soát VNCB), Phan Minh Tùng (nguyên phụ trách kế toán hành chính Tập đoàn Thiên Thanh) và 18 bị can nguyên lãnh đạo của 18 công ty sân sau của ông Danh bị đề nghị truy tố về cùng tội cố ý làm trái.
Theo kết luận điều tra, tháng 9.2012, sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank - tháng 5.2013 được đổi tên thành VNCB), ông Danh đã lợi dụng nắm quyền chi phối, lúc này với vị trí là Chủ tịch HĐQT VNCB đã tuyển chọn và đưa người của mình vào tiếp quản và điều hành mọi hoạt động của ngân hàng. Kể từ lúc này, ông Danh đã chỉ đạo HĐQT, ban điều hành và ban kiểm soát của VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện lập các hồ sơ khống vay vốn để rút tiền sử dụng mà không bận tâm đến việc VNCB đang bị NHNN đưa vào diện kiểm soát, mọi giao dịch trị giá 5 tỉ đồng trở lên đều phải có ý kiến của tổ giám sát NHNN.
Cho vay vì… quen thân
Theo kết luận điều tra, ông Danh và đồng phạm đã thông đồng lấy tiền của VNCB gửi qua Sacombank làm tài sản bảo lãnh, nhằm mục đích trả nợ thay cho 6 công ty do ông Danh thành lập và điều hành đứng tên trên hồ sơ vay vốn Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỉ đồng.
Cụ thể, tháng 4.2013, ông Danh và Mai, Khương, Viễn đến chi nhánh Sacombank ở Q.3 liên hệ vay tiền. Ông Danh gặp ông Trầm Bê (Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) đề nghị ông Bê cho ông Danh vay tiền. Ông Bê đồng ý cho ông Danh vay 1.800 tỉ đồng, tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.
Sau đó, ông Bê dẫn ông Danh gặp lãnh đạo Ban Tổng giám đốc Sacombank, triển khai làm thủ tục cho ông Danh vay tiền. Từ đó, Giám đốc Sacombank chi nhánh Q.8 và chi nhánh Trần Hưng Đạo tiếp nhận hồ sơ của 6 công ty sân sau của ông Danh vay số tiền trên.
Để vay được khoản tiền này, ông Danh chỉ đạo Khương và cấp dưới lập báo cáo tài chính năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 khống để nộp cho Sacombank. Ngày 26.4.2013, 1.800 tỉ đồng được chuyển vào tài khoản của ông Danh. Có được tiền, ngày 27.4.2013 ông Danh chuyển 1.700 tỉ đồng trả khoản nợ trước đó cho BIDV. Số tiền còn lại, ông Danh giữ trong tài khoản cá nhân của mình.
Thuê nhân viên rửa xe làm… giám đốc
Bằng thủ đoạn tương tự, ông Danh và đồng phạm còn sai phạm trong việc dùng tiền gửi của VNCB tại TPBank bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty đứng tên trên hồ sơ vay vốn TPBank để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh, Công ty TNHH MTV Trung Dung (gọi tắt là Công ty Trung Dung) do ông Danh thành lập, điều hành, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.700 tỉ đồng.
Do các công ty của ông Danh thành lập đã đứng tên vay vốn tại Sacombank nên không thể vay tại TPBank, Mai đã nhờ người mượn pháp nhân của các công ty khác để vay tiền của TPBank. Ông Danh dùng tiền này mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung. VNCB cũng đứng ra bảo lãnh cho khoản vay này. Điều đáng nói, 11 doanh nghiệp vay tại TPBank đều biết rõ ký hồ sơ vay chỉ là thủ tục, tiền vay vốn không được tự quyết định mà phải chuyển hết cho Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung nhưng vẫn ký, dẫn đến hậu quả ông Danh rút toàn bộ tiền vay vốn của TPBank sử dụng hết, không có khả năng thu hồi.
Đối với hành vi cố ý làm trái của ông Danh xảy ra tại BIDV, ông Danh cũng đã dùng tiền gửi của VNCB tại BIDV bảo lãnh và trả nợ thay cho 12 công ty do ông thành lập và điều hành đứng tên trên hồ sơ vay vốn, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.500 tỉ đồng. Để lập các công ty đứng tên trên hồ sơ vay vốn, ông Danh nhờ nhân viên hành chính, nhân viên bảo vệ, nhân viên rửa xe, bảo dưỡng xe của Tập đoàn Thiên Thanh hoặc người nhà đứng tên làm giám đốc công ty và trả lương cho họ 5 triệu đồng/tháng, sau đó tăng lên 10 triệu đồng/tháng.
Kết luận điều tra xác định, mặc dù một số cá nhân liên quan tại 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV có các sai phạm nhưng kết quả giám định về thiệt hại của đoàn giám định NHNN xác định thiệt hại không xảy ra tại ngân hàng, vì vậy các cá nhân liên quan của 3 ngân hàng này không phạm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng.
Theo kết luận điều tra, hành vi trên của ông Danh và đồng phạm gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.000 tỉ đồng, phạm tội cố ý làm trái.
Ở giai đoạn 1 của vụ án, ngày 24.1.2017, TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án Phạm Công Danh 30 năm tù về hai tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” vì đã gây thiệt hại cho VNCB trên 9.000 tỉ đồng. Cũng với tội danh trên, 35 đồng phạm khác bị tuyên án từ 3 năm đến 22 năm tù.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.