Phạm tội dâm ô trẻ em, có nên cho tại ngoại ?

18/09/2022 06:18 GMT+7

Luật Trẻ em quy định xâm hại tình dục trẻ em là hành vi nghiêm cấm. Vậy trong quá trình điều tra, xét xử, có nên cho tại ngoại người có hành vi 'dâm ô người dưới 16 tuổi' nói riêng hoặc các hành vi khác xâm hại trẻ em?

Tùy thuộc tính chất nghiêm trọng của tội phạm

Năm 2019, TAND Q.Bình Tân tuyên phạt bị cáo Ngô Ngọc An (70 tuổi) 2 năm tù về tội “dâm ô với người dưới 16 tuổi” theo khoản 1, điều 146 bộ luật Hình sự năm 2015. Bị cáo An bị tạm giam trong quá trình điều tra, truy tố. Khi hồ sơ chuyển qua tòa, Viện KSND Q.Bình Tân ký quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang tại ngoại, với lý do bị can thành khẩn khai báo, nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, có nơi cư trú, gia đình có đơn xin bảo lãnh. Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã kiến nghị tạm giam bị can An để đảm bảo việc xét xử. Sau đó, tòa đã thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tại ngoại sang tạm giam.

Trường hợp khác, mới đây TAND Q.Bình Tân (TP.HCM) xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Tuấn (44 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) 4 năm 6 tháng tù về tội “dâm ô với người dưới 16 tuổi” theo khoản 2, điều 146 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuấn bị bắt tạm giam tại tòa để đảm bảo thi hành án. Trước đó, Tuấn được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giữ thành cấm đi khỏi nơi cư trú, với lý do có nơi ở ổn định và gia đình nộp đơn bảo lãnh.

TS Lê Nguyên Thanh, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, dẫn điều 109 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cho biết mục đích của biện pháp tạm giam để kịp thời ngăn chặn tội phạm, hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử, sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án. Cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú...

Với điều 119 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trường hợp áp dụng biện pháp tạm giam không dựa trên một tội danh cụ thể nào mà căn cứ vào tính chất nghiêm trọng của tội phạm được thực hiện và một số điều kiện khác.

Theo TS Thanh, đối với tội “dâm ô người dưới 16 tuổi” tại khoản 3, điều 146 bộ luật Hình sự năm 2015 là tội rất nghiêm trọng (có khung hình phạt từ 7 - 12 năm tù) nên cơ quan cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp tạm giam. Khoản 2 là tội nghiêm trọng (có khung hình phạt từ 3 - 7 năm tù) và khoản 1 của điều này là tội ít nghiêm trọng (có mức cao nhất 3 năm tù), cơ quan tiến hành tố tụng vẫn có thể áp dụng biện pháp tạm giam nếu có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp như: đã áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; tiếp tục phạm tội; có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này.

Cần đảm bảo an toàn cho trẻ em

Là người trực tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nạn nhân trong những vụ xâm hại trẻ em, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) cho rằng luật Trẻ em đã quy định xâm hại tình dục trẻ em là hành vi nghiêm cấm. Tạm giam người có hành vi “dâm ô người dưới 16 tuổi” nói riêng hoặc các hành vi khác xâm hại trẻ em nói chung là cần thiết. Trường hợp bị can tại ngoại, luật sư Nữ đều có xin ý kiến Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM để kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét.

“Đa số những nghi can, bị can thực hiện hành vi này là hàng xóm, người quen, họ hàng... nếu cho họ tại ngoại sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của nạn nhân, là mối đe dọa với trẻ em khác. Người tố giác tội phạm hoặc người thân của nạn nhân khi thấy nghi can, bị can tại ngoại sẽ sợ bị trả thù dẫn đến nhiều sự việc “chìm xuồng” vì không dám lên tiếng tố cáo”, luật sư Nữ nhìn nhận.

Bắt 3 nghi phạm mua bán bé gái 14 tuổi, ép phục vụ massage kích dục

Chiều 17.9, Cơ quan CSĐT Công an TP.Thuận An (Bình Dương) tạm giữ hình sự Lê Đình Quân (37 tuổi, ngụ Bình Dương; chủ cơ sở massage Thiên Đường); Lê Văn Kháng (55 tuổi, chủ cơ sở massage Trà My) và Lê Văn Nghiêm (31 tuổi, cùng ngụ Đắk Lắk; quản lý cơ sở massage Trà My) để điều tra về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi.

Trước đó, ngày 13.9, một phụ nữ ở Cà Mau đến công an trình báo về việc con gái mới 14 tuổi đi xin việc làm rồi bị lừa bán vào cơ sở massage Thiên Đường (KP.Bình Đáng, P.Bình Hòa, TP.Thuận An) để phục vụ massage kích dục. Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an và Công an TP.Thuận An đã vào cuộc điều tra, phát hiện bé gái 14 tuổi đang làm việc tại cơ sở massage Trà My (cùng ở KP.Bình Đáng). Kết quả điều tra ban đầu xác định khoảng tháng 7.2022, bé gái được một thanh niên (chưa xác định lai lịch) làm quen qua mạng xã hội rồi giới thiệu đi tìm việc làm, lương cao. Sau đó, đối tượng này chở bé gái 14 tuổi đến massage Thiên Đường giới thiệu cho Quân và lấy 30 triệu đồng môi giới. Quân ép bé gái ký giấy chịu khoản nợ 40 triệu đồng gọi là chi phí tuyển dụng và ép phải massage kích dục cho khách để trừ nợ nhưng bé gái không chấp nhận. Do đó, Quân đã liên hệ với Kháng và Nghiêm, bán lại bé gái với giá 30 triệu đồng để về massage Trà My làm việc. Tại đây, Kháng và Nghiêm tiếp tục ép bé gái phục vụ massage kích dục cho khách, nhưng em không chấp nhận và cầu cứu gia đình.

Đỗ Trường

Ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho rằng trong vụ việc xâm hại trẻ em, việc kiến nghị tùy thuộc vào đánh giá tính chất và mức độ nghiêm trọng dưới góc nhìn về bảo vệ quyền trẻ em và nằm trong phạm vi cho phép của pháp luật, quyền giám sát của các tổ chức xã hội theo quy định hiến pháp. Việc áp dụng biện pháp tại ngoại hay tạm giam, sẽ được các cơ quan thực thi pháp luật quyết định dựa trên tính chất, mức độ nghiêm trọng của từng vụ việc và các quy định cụ thể của pháp luật. Quan điểm của Hội, trong các vụ việc xâm hại trẻ em là phải xử lý thật nhanh, đúng người đúng tội, không bao che dưới bất cứ hình thức nào.

Thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), phân tích: theo bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, căn cứ nhân thân, tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo mà cơ quan tiến hành tố tụng có thể quyết định cho tại ngoại trong tất cả các vụ án. Tuy nhiên, trẻ em thuộc nhóm yếu thế cần phải đặc biệt bảo vệ. Những vụ xâm hại trẻ em đều ảnh hưởng nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của nạn nhân và gia đình nên cần cẩn trọng. “Hội đồng thẩm phán TAND tối cao nên có hướng dẫn thống nhất về việc tạm giam bắt buộc đối với các bị can, bị cáo trong các vụ án dâm ô người dưới 16 tuổi”, ông Quang nêu ý kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.