Phản biện giáo dục

08/07/2011 00:06 GMT+7

Việc Bộ GD-ĐT ban hành thông tư quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Hiệu trưởng (HĐHT) các trường ĐH-CĐ làm dư luận chú ý. HĐ sẽ có chức năng tư vấn, phản biện các vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách phát triển của giáo dục ĐH...

Từ năm 2004, đã có Hiệp hội Hiệu trưởng các trường ĐH-CĐ. Đây là tiền thân của HĐHT các trường ĐH-CĐ. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, hiệp hội này chưa được phản biện một chủ trương, chính sách, văn bản… nào của Bộ GD-ĐT.

Năm 2009, Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục VN lần thứ 14” để lấy ý kiến. Thời điểm ấy, lo ngại trước việc chiến lược sẽ phải đưa ra dự thảo quá nhiều lần (lúc ấy đã là lần thứ 14), Hội Tư vấn khoa học công nghệ quản lý TP.HCM, một tổ chức quy tụ hơn 200 cá nhân phần lớn là các nhà khoa học và giáo dục, đã kiến nghị Bộ GD-ĐT cho phép phản biện dự thảo này nhưng không nhận được hồi âm. Cho đến nay “Chiến lược phát triển giáo dục VN” vẫn còn là dự thảo.

Cũng như vậy, đề án “Đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015” đến 70.000 tỉ đồng làm xôn xao dư luận vừa qua cũng chỉ có những phản biện cá nhân trên báo chí. Nếu không có báo chí nêu vấn đề, để các chuyên gia lên tiếng, không hiểu đề án này sẽ đi đến đâu? Nếu những ý kiến quý giá ấy không chỉ xuất hiện lẻ tẻ mà được tập hợp lại để phản biện một cách khoa học hơn thì sẽ giúp ích rất nhiều cho một đường hướng phát triển của nền giáo dục.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Úc), trên website của mình, có chia sẻ về chuyện phản biện giáo dục ở các nước tiên tiến. Ông cho rằng “Để thay đổi chính sách hay đề ra chiến lược mới, Bộ Giáo dục sẽ giao cho một chuyên gia từ một trường ĐH hay viện nghiên cứu chủ trì. Chuyên gia này có nhiệm vụ tập hợp các đồng nghiệp trong ngành thành lập ủy ban. Ủy ban lên kế hoạch làm việc, và khi có kết quả, ủy ban có nhiệm vụ báo cáo cho bộ trưởng biết. Cách làm việc của ủy ban rất đơn giản: họ ra thông cáo kêu gọi tất cả  những ai quan tâm đến giáo dục đệ trình quan điểm của mình, góp ý về đường lối, chủ trương, và các ý kiến này phải được trình bày trong một văn bản nghiêm chỉnh, và gửi cho ủy ban. Trong kỳ chấn chỉnh giáo dục vừa qua ở Úc, ủy ban cải cách nhận được góp ý của nhiều ĐH, công ty, doanh nghiệp nhỏ, cơ quan chính phủ, cá nhân... mà tổng số trang giấy lên đến 51.000 trang!”...

Còn ở VN đa phần các chủ trương, chính sách... được Bộ GD-ĐT họp quyết định, sau đó đưa ra cho mọi người phản biện. Mà phản biện như vậy thì ý kiến đôi khi trái chiều lẫn nhau, tranh cãi ì xèo. Các ý kiến phản biện, đôi khi cũng không được lắng nghe và cũng không gây ảnh hưởng đến quyết định đã được chuẩn bị sẵn.

Dư luận đang hy vọng HĐHT các trường ĐH-CĐ khi được phân rõ quyền phản biện sẽ có ảnh hưởng nhất định đến những quyết sách từ đây về sau của Bộ GD-ĐT. Có như vậy, cách phản biện giáo dục tiên tiến, dân chủ mới được áp dụng tốt hơn ở VN.  

Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.