Xử lý không xuể
Dẫn chúng tôi ra sau vườn cà phê, chỉ vào đống phân bón lẫn bao bì đang vương vãi, ông Trương Văn Ba (H.Cư Jút, Đắk Nông) kể: “Khoảng 2 tháng trước, tôi mua 2 bao phân NPK về bón cà phê, trên bao bì in ấn nhãn mác cũng khá đầy đủ. Nhưng khi xé bao ra thì thấy rất lạ, không giống như những loại phân bón trước đây tôi hay dùng. Vì thế tôi chỉ bón trước 1 bao. Sau đó thấy cây èo uột và không tươi tốt nên tôi đành bỏ dở, chuyển sang dùng phân chuồng và đạm cá. Đến nay tôi mới biết sản phẩm tôi mua là phân bón giả, vừa mới bị UBND tỉnh Đắk Nông xử phạt”.
Cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý một vụ sản xuất kinh doanh phân bón giả |
Đinh Đang |
Ông Lê Văn Tâm, quản lý một trang trại tại H.Krông Năng (Đắk Lắk), cũng cho biết: “Khu vực trang trại của tôi cách khá xa trung tâm nên khoảng 2 tháng tôi mới xuống mua vật dụng, phân bón một lần. Cách đây 2 tháng tôi mua khoảng 200 kg phân NPK từ một đại lý. Sau khi mang về đổ ra dùng một thời gian thì tôi thấy cây cằn cỗi, vàng lá, không tươi tốt. Biết là mua nhầm phân bón giả nhưng tôi không biết phải làm sao”.
Tình hình phân bón kém chất lượng, phân bón giả tràn lan đã được nhiều người dự báo từ đầu năm, khi giá phân bón tăng cao gần gấp đôi. Lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cũng có kế hoạch tăng cường kiểm soát và xử phạt một loạt vụ phân bón giả nhưng không xuể.
Đơn cử, UBND tỉnh Đắk Nông vừa ra quyết định xử phạt Công ty TNHH sản xuất thương mại phân bón Lực Thiên (trụ sở tại xã Phú Quới, H.Long Hồ, Vĩnh Long) tổng số tiền 240 triệu đồng vì buôn bán hàng giả là phân bón, tổng khối lượng hàng hóa vi phạm là 7,5 tấn.
Mới đây, Đoàn kiểm tra, Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh Kiên Giang tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh C.P, tại địa chỉ ấp Trần Thệ, xã Phú Mỹ, H.Giang Thành, do ông N.V.C làm chủ. Kết quả thử nghiệm mẫu phân bón DAP 18-46-0 do Công ty CP hóa chất và phân bón T.Đ (tại H.Bến Lức, Long An) sản xuất cho thấy, tất cả chỉ tiêu đăng ký đều không đạt chất lượng. Đội QLTT số 3 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh C.P có hành vi: “Buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng”, trị giá hàng hóa vi phạm tại thời điểm kiểm tra tương đương với hàng thật là 38.020.000 đồng, theo giá niêm yết tại cơ sở. Hiện vụ việc đã được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự cho cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định pháp luật.
Theo dự báo của Hiệp hội Phân bón VN, thời gian tới, giá phân bón có xu hướng tiếp tục giữ ở mức cao, do đó các ban ngành hữu quan cần có chính sách điều tiết giá phân bón, hỗ trợ người nông dân. Hiệp hội sẽ tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện phân bón giả. Người dân cũng nên tìm mua các sản phẩm vật tư nông nghiệp có hóa đơn, chứng từ rõ ràng, không sử dụng hàng hóa trôi nổi để tránh mua phải hàng kém chất lượng.
Tây Ninh cũng là điểm nóng về phân bón giả. Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, qua các đợt kiểm tra vừa qua cho thấy có khoảng 30% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) kém chất lượng đang lưu hành trên thị trường địa phương.
Mới đây, Công an TP.Thanh Hóa (Thanh Hóa) đã thi hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Hoàng Văn Cường, Giám đốc Công ty CP sản xuất và thương mại tổng hợp Cường Phát, về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”. Trước đó, Công an TP.Thanh Hóa đã phát hiện và tạm giữ hơn 100 tấn phân bón hỗn hợp do công ty này sản xuất có nhiều dấu hiệu sai phạm trong kinh doanh, sản xuất phân bón. Qua giám định phân tích, đã phát hiện hơn 100 tấn phân bón này không đủ tiêu chuẩn, trong đó có hơn 13 tấn là hàng giả, không có giá trị sử dụng.
Vì sao khó dẹp được nạn phân bón giả, kém chất lượng ?
Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón VN, chỉ tính riêng ngành nông nghiệp mỗi năm thiệt hại 2,5 tỉ USD vì nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Đứng trước lợi nhuận lớn, các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ xuất hiện tràn lan, cùng với hàng trăm đại lý phân phối tiếp tay cho phân bón giả đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người nông dân. Mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón và hơn 100.000 tấn thuốc BVTV các loại, với gần 21.000 sản phẩm phân bón; 400 hoạt chất đơn, hàng nghìn hoạt chất hỗn hợp và khoảng 4.000 tên thương phẩm thuốc BVTV có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng. Điều này khiến người tiêu dùng rất khó lựa chọn, không hiểu tác dụng cũng như phân biệt hàng thật và hàng giả, kém chất lượng.
Các chuyên gia nông nghiệp nhận xét, chỉ khi sử dụng phân bón sau vài tháng, đánh giá hiệu quả sử dụng, người nông dân mới có thể biết hàng giả, hàng thật. Nếu dùng phải phân bón giả, hàm lượng dinh dưỡng không đạt tiêu chuẩn thì năng suất rất thấp, vừa gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, người nông dân vừa thua lỗ nặng. Với những hộ trồng cây ăn trái, thì thiệt hại về đất, cây trồng có thể sau vài năm mới phát hiện và phục hồi được.
Ông Nguyễn Khắc Phú, một người kinh doanh nông sản tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), thừa nhận: “Nông dân ở vùng sâu, vùng xa là người chịu thiệt thòi nhất vì khoảng cách địa lý khá xa, giá phân lúc nào cũng cao hơn các vùng khác. Tập quán sản xuất lâu nay là mua thiếu phân bón của đại lý, chịu thêm lãi suất, đến cuối vụ thu hoạch thì trả nợ. Chính vì phụ thuộc như vậy nên họ bán loại phân gì thì nông dân lấy phân đó. Khi giá phân tăng cao thì dĩ nhiên nông dân phải chọn loại nào rẻ tiền cho tiết kiệm”. Anh Trần Anh Nam, nông dân cùng ngụ TP.Buôn Ma Thuột, lý giải: “Nhiều công ty phân bón không dám bắt tay với nông dân mà chỉ giao cho đại lý với chiết khấu cao. Đại lý có sẵn khách hàng và bán nợ cuối năm trả nên cứ vậy mà phân giả tuồn ra đến vườn, ruộng. Để hạn chế tình trạng phân bón kém chất lượng, các công ty phân bón mới thành lập phải đáp ứng các điều kiện như phải có chi nhánh tại địa phương, thông tin quảng cáo phải do cơ quan chức năng địa phương xác nhận, tránh tình trạng tiếp thị, tổ chức hội thảo tràn lan như hiện nay”.
Bình luận (0)