Mở đầu, GS Đinh Xuân Lâm đề cập những nguyên nhân dẫn đến sự lựa chọn con đường cải cách, phát huy dân chủ, dân quyền ở nước ta của Phan Châu Trinh - một nhân vật lịch sử tiêu biểu trong phong trào cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX. Phan Châu Trinh sinh năm 1872 tại làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước (nay là xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam); thân sinh là cụ Phan Văn Bình, một võ quan triều đình tham gia phong trào Cần Vương ở Quảng Nam nhưng phong trào ở đây sớm lâm vào giai đoạn thoái trào, cuộc khởi nghĩa Nguyễn Duy Hiệu chỉ sau hai năm hoạt động đã tan rã (1885-1887): "Hoàn cảnh đó làm cho Phan Châu Trinh - tuy lúc đó mới 15 tuổi - không khỏi suy nghĩ về hiệu quả của con đường vũ trang bạo động". Tiếp đó, phong trào Cần Vương trong nước cũng lần lượt thất bại "càng thêm củng cố nhận thức của Phan Châu Trinh về sự bất lực của con đường bạo động ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX với một tương quan lực lượng hoàn toàn bất lợi cho ta". Sau năm 1897, khi tư bản Pháp khai thác Việt Nam trên quy mô lớn làm cho "những mầm mống kinh tế và cơ sở xã hội mới của Quảng Nam - do những điều kiện riêng, so với một số địa phương khác trong nước lại có phần xuất hiện sớm và đạt trình độ phát triển khá hơn. Hoàn cảnh đó giúp cho Phan Châu Trinh, trên cơ sở một tinh thần yêu nước thực tế, với khả năng tư duy của một trí thức cấp tiến, đã suy nghĩ và chọn lựa con đường cứu nước thích hợp". Nhìn ra nước ngoài, sự phát triển của Nhật Bản sau cuộc Minh Trị duy tân, cũng như sự hình thành nền kinh tế tư bản dân tộc Trung Quốc cuối thế kỷ XIX, đã tác động sâu sắc đến Phan Châu Trinh, vì thế: "Phan Châu Trinh đứng về phía cải cách. Chỉ gia nhập quan trường với một chức vụ nhỏ bé Thừa biện bộ Lễ trong một thời kỳ ngắn ngủi (...). Cụ đã dứt khoát từ quan về quê cùng các bạn đồng tâm, đồng chí (như Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng) đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền vận động cải cách trong giới thân sĩ và nhân dân". Ông bị thực dân Pháp bắt giam, xử tù, đày ra Côn Đảo...
Bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó chủ tịch nước tại hội thảo - ảnh: Diệp Đức Minh |
Có 7 tham luận chính thức được chọn trình bày trước hội thảo: 1. Phan Châu Trinh cuộc đời - sự nghiệp của GS Đinh Xuân Lâm, 2. Giới thiệu bộ sách Phan Châu Trinh toàn tập của PGS Chương Thâu. 3. Từ vụ Big Bang 80 năm trước của Nguyên Ngọc. 4. Con người và hành động của Phan Châu Trinh của Lê Thị Kinh (tức bà Phan Thị Minh). 5. Xướng minh nhân quyền, đả phá chuyên chế của Nguyễn Đình An. 6. Đám tang người chiến sĩ dân quyền tiên xướng Phan Châu Trinh của Trần Viết Ngạc. 7. Tác động của đám tang Phan Châu Trinh đến phong trào yêu nước Việt Nam thế kỷ 20 của GS Văn Tạo. |
Sau hội thảo, hôm nay 24.3, sẽ làm lễ khánh thành tượng Phan Châu Trinh bằng đá hoa cương nặng 2 tấn, đặt tại Khu lưu niệm Phan Châu Trinh, Q.Tân Bình, TP.HCM.
Tác động của đám tang Phan Châu Trinh Một trong hai chủ đề của hội thảo (và thảo luận) ngày 23.3.2006 nêu trên là: Đám tang Phan Châu Trinh và tác động của đám tang này đến phong trào yêu nước Việt Nam. Dưới đây trích tham luận có nội dung liên quan: Ngay sau khi Phan Châu Trinh từ biệt bạn hữu thân thiết rồi lịm dần đi lúc 9 giờ 30 tối ngày 24.3.1926, một ban tang lễ đã được gấp rút thành lập... Một phong trào yêu nước sôi nổi đã phát triển khắp các thành phố, thị trấn bất chấp sự đe dọa và đàn áp (của thực dân Pháp). Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Phủ Lý, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Hội An, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết, Bến Tre, Ba Tri, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Long Xuyên, Cao Lãnh, Hương Điểm, Rạch Giá, Tây Ninh... đâu đâu cũng tổ chức lễ tang, truy điệu. Phnom Penh, Paris..., Việt kiều cũng hưởng ứng. Tại Sài Gòn, đám tang Phan Châu Trinh đã trở thành một cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng (...). Từ tờ mờ sáng 4.4.1926, đồng bào từ khắp thành phố và vùng phụ cận đổ về trung tâm. Họ nhanh chóng tập hợp theo đoàn thể, xếp thành từng khối, chuẩn bị điều hành. Đám tang đi theo lộ trình: 54 Pallerin (Pasteur), qua Norodom (Lê Duẩn), Paul Blanchy (Hai Bà Trưng) rồi thẳng xuống Phú Nhuận (Phan Đình Phùng) đến nghĩa trang Gò Công tương tế ở Tân Sơn Nhất. Đám tang đã đi đến cuối đường Hai Bà Trưng ngày nay mà các đoàn quần chúng còn đứng lại ở đại lộ Norodom! Chứng kiến đám tang vĩ đại được tổ chức trang nghiêm trật tự, ngoại kiều ở Sài Gòn bảo nhau là "Dân tộc Việt Nam đã tỉnh giấc, thức dậy rồi!" (...) Trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản về phong trào cách mạng ở An Nam bằng tiếng Anh, Nguyễn Ái Quốc đã viết: "Năm 1926 có một sự thức tỉnh toàn quốc tiếp theo cái chết của một nhà quốc gia chủ nghĩa lão thành Phan Châu Trinh. Khắp trong nước đều tổ chức lễ truy điệu (...) Trong lịch sử người An Nam chưa hề được chứng kiến một việc to lớn như vậy bao giờ". (Trần Viết Ngạc) Sáng ngày 4.4.1926, tang lễ được cử hành (...). Tác động lớn nhất và sâu xa nhất là phong trào để tang cụ Phan Châu Trinh đã làm dấy lên hành động bãi khóa của học sinh các trường học, nhất là các trường trung học có tiếng lúc đó như Trường Bưởi - Hà Nội, Trường Bonnan, Trường kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, Trường trung học Nam Định, Trường Quốc học Huế... Học sinh bãi khóa đòi để tang nhà ái quốc (...). Các cuộc bãi khóa ở các trường trung học đã bị chính quyền thực dân lên án, bắt bớ. Một số học sinh đứng đầu bị đuổi học. Trong đó, một số người có nhiệt tình cứu nước đã từng tìm đọc và tiếp xúc được với tư tưởng cách mạng mới là lý luận Mác-Lênin và hoạt động cứu nước của Nguyễn Ái Quốc do Hội Việt Nam cách mạng thanh niên truyền về, nay quyết dấn thân vào con đường cách mạng. Nay nhắc đến đám tang Phan Châu Trinh, chúng ta nhắc đến một trong những con người bất tử. Ông cha ta nói: "Sống là thể phách, còn là tinh anh". Tinh anh của Phan Châu Trinh còn sống mãi với xứ Quảng, với non sông đất nước Việt Nam. Trong xã hội "dân giàu - nước mạnh - xã hội công bằng - dân chủ - văn minh" mà ta đang xây dựng ngày nay, tinh anh của Phan Châu Trinh là bất diệt. (GS Văn Tạo) |
Giao Hưởng
Bình luận (0)