Cùng với thế giới, cộng đồng mạng tại Việt Nam cũng đang thảo luận rôm rả xung quanh hai dự luật đầy tranh cãi là SOPA và PIPA.
Giữa tháng này, Wikipedia tuyên bố “đình công” 24 giờ vào ngày 18.1 đối với phiên bản tiếng Anh để phản đối 2 dự luật chống vi phạm bản quyền SOPA và PIPA mà quốc hội Mỹ đang xem xét. Theo hai dự luật mới, các trang mạng hay dịch vụ trực tuyến nào chứa các nội dung vi phạm bản quyền đều có thể bị chặn theo yêu cầu của chính phủ Mỹ. Trong khi đó, trước nay các trang mạng chỉ bị yêu cầu gỡ bỏ những nội dung cụ thể vi phạm bản quyền chứ không bị xử lý.
Điều này tác động đáng kể đến nhiều trang xã hội, dịch vụ trực tuyến vốn dĩ thu hút người dùng nhờ những tính năng chia sẻ nội dung. Các đại gia trên thế giới ảo như Google, Facebook hay Wikipedia đều kịch liệt phản đối 2 dự luật trên. Sự phản đối bắt đầu gây xôn xao với quyết định “đình công” của Wikipedia. Ủng hộ hành động của Wikipedia, nhiều trang mạng khác như Wordpress cũng “đeo băng tang”.
Từ đó, một phong trào phản đối SOPA và PIPA lan rộng trên thế giới mạng. Những ý kiến phản đối cho rằng 2 dự luật trên có thể bóp chết tự do internet và tự do ngôn luận. Chính quyền có thể tận dụng những sơ hở của các trang mạng để cấm hoạt động, những nội dung chia sẻ bị ảnh hưởng mạnh mẽ, việc trao đổi trên mạng cũng vậy. Theo đó, tài nguyên dữ liệu trên thế giới ảo sẽ đánh mất thế mạnh, bào mòn sự sáng tạo của internet. Hàng chục trang Facebook được lập ra để chống đối SOPA và PIPA trên khắp các nước với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Mỗi trang nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của hàng chục ngàn người sử dụng Facebook.
Căng thẳng hơn, trên nhiều trang mạng, các thành viên còn “ném đá” những nghị sĩ Mỹ ủng hộ 2 dự luật trên. Những công ty đứng sau ủng hộ dự luật SOPA và PIPA cũng bị cộng đồng mạng không ngừng chỉ trích. Tuy nhiên, một số ý kiến ủng hộ SOPA và PIPA tranh luận rằng việc xiết chặt bảo hộ bản quyền là cần thiết. Theo đó, sở hữu trí tuệ cần được bảo vệ một cách hiệu quả hơn.
Nhưng xem ra, số lượng ý kiến như thế không nhiều. Ngay tại Việt Nam, hai dự luật SOPA và PIPA cũng được thảo luận rôm rả mà phần lớn ý kiến là phản đối. Cũng giống như cộng đồng mạng toàn cầu, các thành viên trên thế giới ảo Việt Nam hầu hết cho rằng 2 dự luật trên có thể bóp chết sự tự do và sáng tạo trên internet. Sức ép phản đối trên toàn thế giới khiến quốc hội Mỹ phải tạm “treo” SOPA và PIPA.
Tuy nhiên, những nghị sĩ ủng hộ 2 dự luật trên tuyên bố sẽ không bỏ cuộc, khiến nhiều thành viên cộng đồng mạng vô cùng lo lắng, nhất là khi chủ nhân trang Megaupload rơi vào vòng lao lý. Cư dân mạng cho rằng đó là một trong những động thái trả đũa của các thế lực ủng hộ SOPA và PIPA. Sự kiện này khiến FileSonic, một trang mạng chuyên chia sẻ dữ liệu nổi tiếng khác, cũng tạm ngưng hoạt động vì lo ngại “nối gót” Megaupload. Điều này khiến những cư dân mạng ưa thích tải phim trên các trang chia sẻ dữ liệu bị ảnh hưởng nặng nề.
Bình luận “Nếu 2 dự luật này được thông qua, đây sẽ là 1 cú hit của cường quốc Mỹ”. (Khuctriam/Tinhte) “Vâng, nhờ ơn hai đạo luật trên mà trang web Megaupload đã bị đóng cửa rồi”. (Aoihi_yue/Vnsharing) “Hoan hô việc hủy bỏ hai dự luật SOPA và PIPA”. (Chuot_nhat/Facebook) “Một sự thay đổi căn bản xã hội kinh doanh trực tuyến các sản phẩm, người tiêu dùng sẽ khốn khổ còn những người nắm bản quyền sẽ vui mừng hớn hở vì sự giàu có đang đến gần”. (Tienduong1368/Tinhte) “Nếu dùng SOPA và PIPA thì đúng là Megaupload và tất cả các trang chia sẻ trực tuyến đều dính cả”. (Heroesvn/Tinhte) “Vậy là internet cũng sắp tận thế. Mai mốt hok bik còn chuyện zì nữa đây”. (Namphuong/kenh14) |
Ngô Minh Trí
Bình luận (0)