Phản ứng thị trường từ việc xăng dầu tăng giá

05/07/2005 00:25 GMT+7

Theo các chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu tăng ngay lập tức tạo ra hiện tượng cánh kéo do xăng dầu là yếu tố đầu vào của hầu như tất cả các ngành, từ đó giá đầu ra các loại sản phẩm sẽ tăng lên dẫn đến chỉ số giá cả nói chung gia tăng, ảnh hưởng đến sức mua của xã hội. Hôm qua, phóng viên Thanh Niên đã ghi nhận những phản ứng đầu tiên của thị trường.

Doanh nghiệp lo lắng

Ông Phạm Trung Cang, Giám đốc Công ty Nhựa Tân Đại Hưng (TP.HCM) cho biết giá xăng dầu tăng chắc chắn sẽ làm tăng cước phí vận tải và điều đó sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc điều hành Công ty Chế biến gỗ Scansia Pacific - cũng cho biết đang chờ thông báo giá cước vận tải mới. "Cước vận tải sẽ tăng trong khi giá hàng xuất khẩu không thể tăng nên công ty phải gồng mình gánh chịu. Chúng tôi cũng biết rằng không thể bắt nhà nước phải bù lỗ mãi vì chuẩn bị tham gia vào WTO thì ưu đãi đó cũng sẽ không còn" - ông Thắng nói. Thông tin từ các hãng tàu cũng cho thấy phụ phí xăng dầu trên các tuyến vận tải đường biển đi quốc tế trong tháng 7 đã tăng mạnh so với tháng 6 vừa qua. Cụ thể như tuyến đi châu u tăng thêm 6 USD, lên mức 205 USD/container (loại 20 feet) và 410 USD/container (loại 40 feet). Phụ phí xăng dầu trên các tuyến đường đến châu Mỹ tháng 7 là 310 USD/container loại 20 feet, tăng 105 USD so với tháng 6; phụ phí đối với container 40 feet là 410 USD, tăng 135 USD...

Phụ phí xăng dầu vận tải đường biển đã tăng mạnh. Ảnh: Mai Vọng

Sáng 4.7, nhiều công ty du lịch cho biết họ cũng đang lo lắng chờ đợi các doanh nghiệp vận chuyển thông báo mức tăng giá cước. Theo ông Nguyễn Đức Hy - Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển Công ty Du lịch Fiditourist, hiện phía nhà xe vẫn chưa công bố giá cước mới do chưa kịp đàm phán lại các điều khoản trong hợp đồng vận chuyển dài hạn đang hiệu lực. Đầu tuần sau, các nhà xe sẽ báo giá mới và dự đoán giá thuê xe sẽ tăng từ 10 - 15%. Đại diện Công ty Du lịch Vietravel cũng cho rằng giá thuê xe sẽ tăng 10 - 20% so với trước đây. "Du lịch đang vào mùa cao điểm, các nhà xe sẽ lợi dụng dịp này để tăng giá, có thể hơn 30%" - giám đốc một công ty du lịch lo lắng. Nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng cho biết tình hình này sẽ khiến giá tour du lịch nội địa trong tuần tới có thể tăng khoảng 10%. 

Không tăng cước, không thể có lãi

DN tư nhân Rạng Đông (hoạt động vận chuyển hành khách tuyến cố định TP.HCM - Vũng Tàu và một số tuyến từ TP.HCM đến các tỉnh Tây Nguyên) ngày 4.7 đã có 2 tờ trình gửi các Sở GTCC, Sở GTVT của TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đắk Lắk xin phụ thu thêm 2.000 đồng/vé tuyến TP.HCM - Vũng Tàu và 5.000 đồng/vé tuyến TP.HCM - Buôn Ma Thuột. Cụ thể: Giá vé đi Bà Rịa  28.000 đồng/vé, nay phụ thu thêm 2.000 đồng là 30.000 đồng/vé; tương tự đi Vũng Tàu 33.000 đồng lên 35.000 đồng/vé; đi Buôn Ma Thuột 95.000 đồng lên 100.000 đồng/vé. Giám đốc DN tư nhân Rạng Đông, ông Nguyễn Thanh Tâm nói: "Mức phụ thu này sẽ được áp dụng kể từ ngày 5.7 và chỉ là tạm thời, nhằm để bù lỗ cho chi phí xăng dầu tăng đột xuất. Còn sắp tới,  mức tăng giá chính thức là bao nhiêu thì phải chờ đợi hiệp thương giữa các đơn vị vận tải cùng hoạt động trên tuyến để có sự thống nhất chung". Ông Tâm cũng cho biết thêm rằng, từ đầu năm tới giờ, giá xăng dầu đã tăng 2 lần, với mức trượt giá đến khoảng 35%. Trong khi đó, đợt tăng giá xăng dầu lần trước, Bộ GTVT đã có chỉ thị các DN không được tự ý tăng giá vé, nên các DN vận tải chịu ảnh hưởng rất lớn trong việc kinh doanh vận tải hành khách.

Giá gas có tăng theo?

10 giờ sáng ngày 3.7, tức 2 tiếng đồng hồ trước khi quyết định tăng giá xăng dầu có hiệu lực, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã triển khai lực lượng theo dõi diễn biến tại hơn 1.000 cây xăng trên địa bàn TP.HCM. Đến 15 giờ hôm qua (4.7), thông tin từ các đội cho biết tình hình buôn bán xăng dầu vẫn diễn ra bình thường. Một cán bộ QLTT cho biết, người dân có vẻ đã được chuẩn bị tâm lý trước nhờ các thông tin về tình hình giá xăng dầu thế giới tăng được đưa hằng ngày trên các báo.
Giá gas sẽ tăng theo giá xăng dầu?  Câu trả lời từ các công ty kinh doanh gas là không. Theo giải thích của các công ty kinh doanh gas, do giá gas giao dịch trên thị trường thế giới chỉ tăng nhẹ khoảng 5 USD/tấn so với tháng trước nên các công ty kinh doanh gas quyết định giữ giá bán như cũ. Hơn nữa, việc ký hợp đồng nhập khẩu gas được tiến hành từ đầu tháng và áp dụng cho cả tháng nên dù giữa tháng giá gas thế giới có tăng cao thì giá gas trong nước vẫn bình ổn. Để tránh tình trạng "ăn theo" giá xăng dầu, hiện các công ty kinh doanh gas đang phối hợp với cơ quan chức năng tung lực lượng đi kiểm tra thị trường.

H.Sơn - T.Bình

DN xe khách Thuận Thảo (Phú Yên) thì  chưa có dự tính tăng giá vé xe khách (từ TP.HCM đi một số tỉnh, thành miền Trung và ngược lại) và trước mắt vẫn giữ giá vé  cũ từ nay đến cuối tháng 8.2005. Trong khi DN xe khách Hải Cường, Tô Châu (từ TP.HCM đi một số tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ) thì hết sức bức xúc trước tình hình giá xăng dầu tăng cao. Giám đốc các DN này cho biết từng DN không thể quyết định được giá cước, mà các DN phải đề xuất lên các Sở GTCC, GTVT đề nghị tổ chức hội nghị hiệp thương bất thường, để xem xét điều chỉnh giá vé cho hợp lý. Nếu không điều chỉnh tăng giá cước vận tải, hoạt động của các DN sẽ từ hòa cho tới lỗ chứ không thể có lãi. Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cũng dự định sẽ tổ chức cuộc họp với các DN thành viên để quyết định có tăng giá cước hay không. Trong  khi đó, giá cước taxi có tăng hay không sẽ được trả lời sau cuộc họp do Hiệp hội Taxi TP.HCM tổ chức vào ngày 7.7 tới. 

Theo nhiều DN vận tải phía Bắc, so với hai lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu trước, lần điều chỉnh này gây ảnh hưởng rộng hơn. Hiện nhiều DN vận tải container ở Hải Phòng đang phải chạy đôn chạy đáo để thương thảo lại hợp đồng đã ký với khách hàng. Công ty Hoàn Cầu có trên 20 xe container, mỗi tháng chi phí tiền dầu cho những chiếc xe này lên đến cả trăm triệu đồng. Ông Trần Quốc Hoàn, Giám đốc công ty cho biết: "Giá dầu tăng này chắc chắn chúng tôi phải tính đến việc điều chỉnh giá cước. Trước mắt, chúng tôi phải đàm phán lại, mong khách hàng thông cảm". Theo ông Hoàn, nếu tiếp tục vận chuyển cho khách hàng theo mức giá đã ký, mỗi tháng công ty ông phải bù thêm 30-40 triệu đồng do chi phí nhiên liệu. Các công ty khác ở Hải Phòng như Duyên Hải, Nam Phát... cũng trong tình trạng: các hợp đồng đã ký, nếu tiếp tục thực hiện thì lỗ vốn, nếu điều chỉnh thì sợ mất uy tín. Ông Phạm Văn Thịnh, đại diện cho Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng cho biết: "Ngày 5.7 chúng tôi sẽ tập hợp các DN lại để họp bàn về vấn đề giá cước. Mới đây Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các DN không được tăng giá, trước mắt chúng tôi vẫn phải chấp hành yêu cầu này nhưng để giảm bớt gánh nặng cho các DN, chúng tôi đề nghị nên giảm phí cầu đường cho họ".

Giá hàng hóa chực chờ tăng

Trao đổi với chúng tôi sáng 4.7, một cán bộ Ban Quản lý chợ Bình Tây cho biết: "Hiện giá hàng hóa ở chợ nói chung,  kể cả những mặt hàng bị ảnh hưởng xăng dầu nhiều như nhựa gia dụng vẫn còn bình ổn nhưng chắc chắn sẽ tăng giá vào những ngày kế tiếp". Một tiểu thương kinh doanh nhựa gia dụng lâu năm tại chợ cũng dự đoán chậm nhất là cuối tuần này các cơ sở sản xuất sẽ gửi giấy báo giá hàng mới theo hướng tăng lên. Những loại hàng thiết yếu như thịt heo, thủy sản, gạo, đường cũng được giới kinh doanh dự báo sẽ tăng giá trong vài ngày tới.

ĐBSCL: Ngư dân chịu tác động rất mạnh

* Bến Tre: Giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng đến gần 800 phương tiện đánh bắt xa bờ của tỉnh. Chị Trần Thị Lệ (ở xã Tân Thủy, huyện Ba Tri) có một tàu đánh bắt xa bờ cho biết: "Hằng tháng gia đình phải mua từ 2.000 - 3.000 lít dầu. Mỗi chuyến đánh bắt (từ 10 - 15 ngày) tiền lãi thu được cao nhất cũng chỉ 4-5 triệu đồng, có chuyến hòa vốn hoặc bị lỗ. Giá dầu cứ tăng lên chắc tàu bè không dám ra khơi nữa". Còn anh Lê Văn Út (ở xã Bình Thắng, huyện Bình Đại) khi hay tin giá dầu tăng, anh đã vội gọi điện yêu cầu 2 chiếc tàu của gia đình đang đánh bắt phải vào bờ, sợ không kham nổi phí đánh bắt tăng. Nhiều tàu hàng, tàu khách... cũng chịu ảnh hưởng tương tự.

* Cà Mau: Tỉnh Cà Mau có gần 300.000 phương tiện đánh bắt hải sản và trên 100.000 phương tiện thủy gia dụng, tất cả đều đang bị ảnh hưởng ít nhiều bởi việc tăng giá xăng dầu. Chỉ riêng khu vực cửa biển Sông Đốc đã có 650 phương tiện đánh bắt. Mỗi lần ra khơi, một chiếc ghe cào phải chuẩn bị ít nhất 15.000 lít dầu. Do giá nhiên liệu lên, mỗi ghe cào phải "đội" chi phí thêm bình quân 15 triệu đồng, mỗi ghe lưới dây phải "đội" 9 triệu và ghe câu mực "đội" trên 3 triệu đồng. Điều này, càng gây thêm khó khăn chồng chất cho người khai thác biển. Anh Huỳnh Hữu Liêm, Trưởng phòng Đăng kiểm - Sở Thủy sản Cà Mau cho biết: Hiện có nhiều hộ chần chừ chưa cho tàu ra khơi vì sợ lỗ lã.    
    
* Kiên Giang: Nhiều chủ tàu cao tốc chạy tuyến Rạch Giá - Phú Quốc rất lo lắng do hành khách đang giảm bởi mùa mưa trong khi giá dầu lại tăng. Ông Nguyễn Hữu Khai, Giám đốc Công ty Du lịch Kiên Giang, đơn vị có tàu cao tốc Hải u đi tuyến Rạch Giá - Phú Quốc cho biết:  Bình quân mỗi ngày chạy tàu ra - vào Phú Quốc tốn trên 3.000 lít dầu, với mức tăng giá dầu như hiện nay, phải tốn thêm chi phí 3 triệu đồng. Trong khi đó do lượng khách hiện nay chỉ đạt khoảng 40 - 60% năng lực vận chuyển nên trước mắt công ty vẫn giữ giá cũ, có thể chịu lỗ để giữ khách.

Mai Minh - Tiến Trình -Trương Công Khả

M.Vọng - M.Phương - C.Nhi - Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.