"Phao cứu sinh" di động

28/02/2009 16:49 GMT+7

(TNO) Ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào y học, ông đã sáng tạo ra phần mềm H199 hướng dẫn cách sơ cứu trên 365 căn bệnh và các trạng thái cấp cứu... Ông là thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Phúc Học, Trưởng khoa Cấp cứu hồi sức Bệnh viện 199, Tổng cục Hậu cần, Bộ Công an.

Từ di nguyện của thầy

Ba mươi năm trong nghề, bác sĩ (BS) Nguyễn Phúc Học luôn trăn trở một điều: làm thế nào để có thể truyền đạt hết vốn kiến thức của mình cho học trò. Những người thầy quá cố của BS Học cũng từng di nguyện lại với ông như vậy. Ông xúc động: “Trước lúc lâm chung, thầy tôi luôn đau đáu một điều là ông không thể truyền đạt hết vốn kiến thức cho các học trò của mình. Bởi kiến thức thì vô tận, không thể nói hết bằng lời. Từ đó tôi luôn suy nghĩ, phải làm một việc gì đó để hoàn thành tâm nguyện của thầy, những người đã suốt cuộc đời cống hiến cho nền y học”.

Tháng 2.2008, đề tài nghiên cứu sáng tạo phần mềm khám, chữa bệnh trên ĐTDĐ của BS Nguyễn Phúc Học đoạt giải II Hội thi sáng tạo KHKT TP Đà Nẵng lần thứ 9.

Bằng kinh nghiệm của một người thầy thuốc và vốn hiểu biết về tin học, tháng 2.2007, BS Học đã nảy ra một ý nghĩ táo bạo: sáng tạo phần mềm H199 để hướng dẫn cách sơ cứu các căn bệnh và những trạng thái cấp cứu trên điện thoại di động. H199 được hình dung như một “nhà trưng bày” vốn kiến thức khổng lồ về y học mà theo BS Nguyễn Phúc Học thì đó là tập hợp những gì quý hiếm, những tinh hoa y học mà ông đã chắt lọc được để mọi người theo đó mà sử dụng.

Từ điển y học mini

 

Phần mềm H199 được tải về ĐTDĐ - Ảnh do nhân vật cung cấp

BS Nguyễn Phúc Học cho biết, tính đến nay, H199 đã cập nhật trên 365 bệnh và các trạng thái cấp cứu. Với hình thức tra cứu rất đơn giản, tiện lợi, chỉ cần cài đặt phần mềm H199 vào điện thoại là mọi người đã có thể sở hữu cho mình một “bác sĩ di động”. Các căn bệnh được ông trình bày, sắp xếp một cách logic, khoa học theo kiểu cây thư mục nên rất dễ tra cứu. Chẳng hạn khi bị tai nạn giao thông, chỉ cần truy cập vào thư mục giao thông là bạn có thể biết được các quy trình sơ cứu, băng bó như thế nào.

Phần mềm này không chỉ là cẩm nang cho những người trong ngành y, mà mọi người dân cũng có thể truy cập tham khảo, thực hiện các bước sơ, cấp cứu đơn giản.

Theo BS Pháp - Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện 199, một người thường xuyên sử dụng phần mềm H199: “Phần mềm H199 rất thuận lợi, đặc biệt với dung lượng kiến thức đồ sộ nhưng được lưu giữ một cách ngắn gọn, dễ truy cập, giúp người dân có thể thực hiện được các bước sơ cứu cơ bản”.

Hà Thị Xuân Hiền, sinh viên năm 2, ngành Kế toán - ĐH Duy Tân, TP Đà Nẵng cho rằng, đây là một phần mềm rất đơn giản, tiện ích, lại dễ sử dụng trong tất cả mọi tình huống.

Bác sĩ Nguyễn Phúc Học tham gia hội thảo y học - Ảnh do nhân vật cung cấp

Với niềm say mê khoa học, không dừng lại ở đó, hiện BS Nguyễn Phúc Học đang tập trung cho đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước: “Nghiên cứu và áp dụng hệ thống trợ giúp y tế tổng hợp BCA”. Trong đó ông tổng hợp tất cả những nội dung của H199 và một số phần mềm khác về quy chế tổ chức bệnh viện với hy vọng H199 sẽ được phổ biến rộng rãi khắp toàn quốc.

Theo thống kê tại website www.nguyenphuchoc.com , tính đến nay H199 đã có trên 3 vạn lượt người truy cập; hơn 1 vạn lượt người download phần mềm này về máy tính và ĐTDĐ để sử dụng trong các trường hợp cần thiết. Cứ mỗi tháng, BS Học lại cập nhật những căn bệnh mới, những dịch bệnh nguy hiểm đang phát sinh để cảnh báo cho người sử dụng. Đồng thời, ông cũng loại bỏ những nội dung đã cũ, không còn phù hợp hoặc bổ sung các phương pháp chữa bệnh tiên tiến.

Được đồng nghiệp vinh danh là người “mát tay nhẹ vía”, hơn 30 năm trong nghề, số bệnh nhân được ông cứu sống nhiều không thể kể hết.

Hai năm tồn tại, có thể nói, H199 đối với người bệnh như là một chiếc "phao cứu sinh", một từ điển chữa bệnh, nó sẽ còn sống mãi với thời gian, gắn liền với tên tuổi của người thấy thuốc Nguyễn Phúc Học.

Lê Nhi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.