|
“Khách Tây và ta say xỉn rồi quậy đều có cả. Đáng chú ý chuyện khách say xỉn quậy ở trên chuyến bay quốc tế lại phổ biến hơn các chuyến bay trong nước”, một nhân viên của Trung tâm An ninh hàng không Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, nói.
Say xỉn đòi đuổi việc tiếp viên
Đại diện hãng hàng không Vietjet Air (VJA) kể cách đây không lâu một vị khách đi chuyến bay của hãng từ TP.HCM đi Nha Trang trong cơn say xỉn đã đòi đuổi việc nguyên kíp tiếp viên của chuyến bay đó.
Số là khi lên máy bay, tiếp viên VJA phát hiện một hành khách nam có dấu hiệu say xỉn. Khi máy bay vừa cất cánh, vị khách này móc điện thoại di động ra gọi gây ồn ào và uy hiếp an toàn chuyến bay. Điều đáng nói là khi tiếp viên lại nhắc nhở vị khách thậm chí không chấp hành và còn cự cãi, đòi đuổi việc… tiếp viên.
Trước tình thế căng thẳng này, phi hành đoàn chuẩn bị phương án đối phó nếu trường hợp xấu nhất xảy ra thì may thay do quá xỉn, ông khách ngồi xuống ghế được một lúc đã ngủ, "kéo gỗ" khò khò.
|
“Vụ việc sau đó dừng lại ở việc nhắc nhở khách khi máy bay hạ cánh. Hành khách mới chỉ to tiếng chứ chưa quậy phá, đe dọa an toàn chuyến bay”, đại diện VJA cho biết.
Ông H. - nhân viên của Trung tâm An ninh hàng không Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - cho hay việc khách say xỉn quậy phá, cự cãi là chuyện như “cơm bữa” ở sân bay Tân Sơn Nhất. Phần lớn vụ việc đều được kiểm soát vì nhân viên của hãng hay nhân viên an ninh phát hiện và ngăn chặn từ lúc làm thủ tục.
Theo đó, khi phát hiện khách có hơi men, hãng hàng không sẽ phối hợp với lực lượng an ninh, y tế ở sân bay tiến hành đo độ cồn. Nếu độ cồn trong người vượt quá giới hạn cho phép, khách sẽ được thông báo không được phép bay.
“Phần lớn hành khách khi được thông báo đều chấp hành nhưng cũng có khách cự cãi, gây gổ với nhân viên ở sân bay. Trường hợp như vị giám đốc la mắng, xé vé như vừa rồi là một minh chứng say rượu vào mất kiểm soát hành vi. Nếu để cho lên máy bay sẽ rất nguy hiểm”, ông H. nói.
Ông H. dẫn chứng có trường hợp khi máy bay chuẩn bị cất cánh, một hành khách quốc tế say xỉn đã la hét, tự ý xé áo phao buộc cơ trưởng phải cho máy bay quay trở lại sân bay để xử lý vụ việc.
Nhiều trường hợp bị cấm bay vĩnh viễn
Hay như mới đây Cảng vụ hàng không miền Nam đã phải phạt hành chính đối với một hành khách Trung Quốc có biểu hiện say rượu, quậy phá và không tuân thủ các quy định của chuyến bay. Vị khách này còn tiếp tục có hành vi lăng mạ và tấn công cả phi công chuyến bay.
Một lãnh đạo của Cảng vụ hàng không miền Nam cho hay theo quy định hành khách có nồng độ cồn quá 0,2% sẽ không được lên máy bay. Việc kiểm tra nồng độ cồn của hành khách do an ninh và y tế sân bay thực hiện nhưng việc từ chối vận chuyển là quyền của hãng hãng hàng không.
Theo đó, hãng hàng không sẽ lập “danh sách đen”, gửi lên Cục Hàng không và đề nghị cấm bay. Nếu được Cục Hàng không đồng ý, danh sách cấm bay sẽ được lưu trong bộ nhớ và hãng sẽ từ chối vận chuyển khi khách mua vé hay làm thủ tục.
Vị lãnh đạo Cảng vụ hàng không miền Nam cho hay có hai mức cấm bay: cấm bay có thời hạn và cấm bay vĩnh viễn. Cấm bay có thời hạn là khách sẽ bị từ chối vận chuyển trong thời gian nhất định, thường từ 6 tháng đến 2 năm. Còn cấm bay vĩnh viễn là khách sẽ bị hãng sẽ từ chối vận chuyển suốt đời.
“Riêng về say rượu, cấm bay có thời hạn sẽ được áp dụng cho hành khách say xỉn, cự cãi, gây gổ nhưng chưa gây ra nguy hiểm. Còn cấm bay vĩnh viễn sẽ áp dụng cho trường hợp say xỉn tung tin có bom, đạn, vật liệu nổ uy hiếp an toàn chuyến bay”, vị này nói.
Từ trước tới nay, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã đề nghị cấm bay hơn 10 trường hợp. Ngoài việc bị từ chối vận chuyển, khách say xỉn còn bị cơ quan công an xử phạt hành chính tùy theo mức độ vi phạm.
Đề nghị cấm bay đối với giám đốc say xỉn quậy phá Đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết cơ quan này đang xem xét danh sách cấm bay đối với ông H. - giám đốc một công ty gạch men - vì ông này say xỉn và có hành vi gây rối ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo báo cáo của sân bay Tân Sơn Nhất, vào ngày 3.2, vợ chồng ông H. làm thủ chuyến bay từ TP.HCM đi Cam Ranh. Tuy nhiên do phát hiện ông H. trước đó có uống rượu, nhân viên làm thủ tục đã từ chối xếp vợ chồng ông H. ngồi cạnh nhau gần cửa thoát hiểm nhằm bảo đảm an toàn chuyến bay. Bị từ chối, ông H. cự cãi, gây gổ với nhân viên. Ông H. còn giằng điện thoại di động của một nhân viên an ninh ném xuống đất và xé vụn vé của hai hành khách nước ngoài đi cùng chuyến bay. Sau đó, lực lượng an ninh sân bay đã áp tải, lập biên bản và giao ông H. cho công an phường 2, quận Tân Bình xử lý. Với hành vi say xỉn và quậy phá này, mức đề nghị cấm bay đối với ông H. sẽ từ 6 tháng đến 2 năm. |
Đình Quân
>> Ở sân bay Nhật nghĩ về sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất
>> Bị cấm bay vì đáp nhầm phi trường
>> Vòng tròn cạm bẫy
>> Mỹ rà soát lại danh sách cấm bay
>> Canh rau tàu bay
>> Tòa án cấp tỉnh được bắt giữ tàu bay
>> Liên tiếp phát hiện hai vụ chuyển ma túy qua sân bay Tân Sơn Nhất
>> Sân bay Tân Sơn Nhất đạt mốc 20 triệu khách/năm
>> Tôi đi làm thủ tục hải quan ở sân bay Tân Sơn Nhất
>> “Luộc” tiền khách Tây ở sân bay Tân Sơn Nhất
>> Lỗi chính tả ở sân bay Tân Sơn Nhất: Không có gì oan ức!
Bình luận (0)