|
Điệp khúc “được mùa, mất giá”
Vụ hè thu năm nay, ông Nguyễn Văn Be (ngụ xã Đông Bình, H.Thới Lai, TP.Cần Thơ) canh tác 10 ha lúa OM 3218. Do năm nay ít sâu bệnh nên lúa đạt năng suất khoảng 900 kg/công, tăng gần 200 kg/công so năm ngoái. Ông Be cho biết tuy trúng mùa nhưng ông vẫn lo lắng bởi gần đây, giá lúa đang trên đà sụt giảm. Hiện lúa tươi loại thường chỉ còn 3.600 - 3.800 đồng/kg, lúa tươi hạt dài 4.200 - 4.400 đồng/kg, sụt 200 đồng/kg so với đầu tháng 6.
Trong khi đó, mấy ngày qua ở ĐBSCL liên tục xảy ra mưa dầm, gây khó khăn cho khâu thu hoạch. Theo thống kê của Sở NN-PTNT Hậu Giang, mưa lớn đã làm đổ ngã khoảng 200 ha lúa hè thu ở các huyện Long Mỹ, Vị Thủy, Châu Thành A… Ông Phạm Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Trường Long A (H.Châu Thành A), cho biết lúa bị đổ ngã đã kéo công thu hoạch tăng cao. Nếu ngày thường, công cắt lúa bằng máy gặt đập liên hợp là 270.000 - 280.000 đồng/công thì nay đã tăng lên 320.000 đồng/công, riêng những nơi thuê cắt bằng tay giá lên đến 380.000 đồng/công.
Tại các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang… việc thu hoạch và tiêu thụ lúa cũng gặp nhiều trở ngại do mưa dầm. Ông Đoàn Ngọc Anh (ở xã Tân Thành B, H.Tân Hồng, Đồng Tháp) cho biết: “Thấy giá xuống thấp, một số hộ thu hoạch xong định trữ lúa nhưng đang lo phải tốn thêm tiền sấy lúa. Nếu trữ lại mà giá tiếp tục giảm nông dân sẽ lỗ nặng, còn bán liền thì tiếc”. Theo ông Huỳnh Phú Lộc, thương lái ở xã Vĩnh Thới (H.Lai Vung, Đồng Tháp), hiện nhu cầu tiêu thụ lúa trong dân khá lớn nhưng thương lái chỉ dám mua cầm chừng vì tỷ lệ gạo không đạt yêu cầu do lúa bị đổ ngã và đến thời điểm này, các kho gạo ở ĐBSCL vẫn chưa “ăn hàng” mạnh.
Đề xuất tạm trữ để giữ giá
Theo Sở NN-PTNT các tỉnh, thành ĐBSCL, những hộ thu hoạch lúa hè thu sớm vẫn đảm bảo lợi nhuận nhưng điều đáng lo là trong thời gian tới, khi các địa phương bước vào thu hoạch rộ cũng ngay thời điểm mưa dầm. Cùng trăn trở về vấn đề này, tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, nói: “Với gần 1,7 triệu ha lúa hè thu, toàn vùng ĐBSCL sẽ thu về từ 7 - 8 triệu tấn lúa. Bài học “được mùa, dội chợ, rớt giá” tái đi tái lại nhiều năm qua khiến nông dân luôn là người thua thiệt. Do đó, việc tiêu thụ lúa hè thu cần đẩy mạnh ngay từ bây giờ, tránh tình trạng ùn ứ khi vào thu hoạch rộ”.
Mới đây, tại hội nghị sơ kết thu mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2013 - 2014 vùng ĐBSCL do Bộ NN-PTNT tổ chức ở Long An, vấn đề thu mua lúa hè thu đã được đưa ra bàn thảo. Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, đặt vấn đề: “Vụ hè thu này có can thiệp bằng biện pháp tạm trữ không? Nếu tạm trữ thì ngay từ bây giờ cần phải tính toán trước kế hoạch cụ thể, để khi có lệnh của Chính phủ là thực hiện ngay nhằm tránh bị động”. Bộ Tài chính đã công bố giá thành sản xuất lúa hè thu ở ĐBSCL bình quân là 4.370 đồng/kg (lúa khô). Vì vậy, Bộ NN-PTNT cho rằng về nguyên tắc, khi nào giá lúa thấp hơn giá định hướng khiến nông dân có nguy cơ bị lỗ sẽ đề xuất với Chính phủ thu mua tạm trữ nhằm đảm bảo quyền lợi cho nông dân. Do đó, khi vào giai đoạn thu hoạch rộ lúa hè thu, nếu trường hợp giá lúa giảm sẽ đề xuất phương án ứng phó. Song Bộ NN-PTNT cũng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp… phải chủ động hơn trước, chuẩn bị sẵn sàng các phương án để hỗ trợ nông dân kịp thời. Riêng Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam và Tổng công ty Lương thực miền Bắc cần chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu để đối phó với những khó khăn trong xuất khẩu gạo, đặc biệt là đề phòng khi xuất sang Trung Quốc gặp trở ngại. “Cần thấy rằng việc thu mua tạm trữ lúa gạo là giải pháp bình ổn giá của Chính phủ giúp nông dân sản xuất lúa có lãi. Tuy nhiên, việc thu mua tạm trữ chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài cần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách căn cơ từ sản xuất lúa đến chủ động xuất khẩu để sớm thoát khỏi bài toán tạm trữ như hiện nay”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nói. |
An Lạc
Bình luận (0)