Tràn lan hàng không rõ nguồn gốc
Chị Thanh Tuyền (ngụ Q.10, TP.HCM) kể: Công việc chính của tôi là nội trợ. Trước đây tranh thủ thời gian rảnh tôi làm môi giới cho thuê và mua bán căn hộ tại chung cư đang sống. Tuy nhiên, năm nay dịch vụ này thất thu, chi tiêu của gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập của chồng. Vì thế, chi tiêu tết cũng phải “lựa cơm gắp mắm”. “Trước đây do làm dịch vụ nên tôi thường mua các sản phẩm tết kiểu “nhà làm” của chị em trong chung cư. Mình mua vì mối quan hệ chứ thật sự cũng chẳng có gì bảo đảm chất lượng mà giá cả còn khá cao so với bên ngoài. Năm nay khó khăn quá nên phải mua bánh mứt ở chợ cho tiết kiệm. Các loại hạt dưa, mứt gừng, mứt bí, kẹo me, hạt hướng dương… chỉ có giá khoảng 100.000 - 150.000 đồng/kg. Còn các loại khô gà lá chanh, khô bò khô, chà bông cũng chỉ 150.000 - 245.000 đồng/kg. Chỉ cần dành ra chừng 1 triệu đồng cũng đủ sắm vài thứ vật phẩm tết cho có để đãi khách”, chị Tuyền nói. Dù vậy, chị cũng tỏ ra hoang mang vì hàng chợ cứ chất cả bao, mở miệng rồi phơi ra đó cả ngày vừa ảnh hưởng chất lượng và có vẻ cũng không an toàn.
Cái nào bán vào cửa hàng, siêu thị thì họ đóng gói dán tem để thêm tiền nhằm bán được giá cao. Cái nào bán chợ thì không cần tem nhãn để tiết kiệm chi phí. Chất lượng cũng giống nhau hết.
Chủ một cửa hàng bán mứt dừa
Khảo sát các chợ truyền thống tại TP.HCM mới thấy nỗi nghi ngại của chị Tuyền là hoàn toàn dễ hiểu. Nhiều loại bánh mứt, dưa hành, củ kiệu được bày bán chủ yếu theo hình thức cân ký mà không có bao bì nhãn mác. Những người bán thường giải thích một cách chung chung là hàng công ty, đối với các mặt hàng bánh mứt lại thường giới thiệu hàng nhập khẩu Thái Lan. Tại một quầy bán bánh kẹo ở chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10), chỉ vào những bao mứt dừa đủ màu xanh đỏ người bán hàng giới thiệu là mứt dừa Bến Tre. Để thuyết phục, người này nói thêm, đây là đầu mối cung cấp hàng nhiều năm cho cửa hàng nên chất lượng bảo đảm, vừa mềm vừa ít ngọt. “Lò ở dưới Bến Tre họ sản xuất số lượng lớn. Cái nào bán vào cửa hàng, siêu thị thì họ đóng gói dán tem để thêm tiền nhằm bán được giá cao. Cái nào bán chợ thì không cần tem nhãn để tiết kiệm chi phí. Chất lượng cũng giống nhau hết”, người chủ hàng giải thích thêm.
Tại chợ đầu mối Bình Tây, những ngày này không khí mua bán đã nhộn nhịp hơn trước. Một trong những mặt hàng được tiêu thụ mạnh là các loại bánh mứt. Tiện tay bóc một miếng mứt kiwi xanh, người chủ hàng mời chúng tôi dùng thử và giới thiệu xuất xứ Thái Lan dù bao bì không có gì chứng nhận hàng nhập từ Thái. Ngoài ra còn nhiều sản phẩm nhập khẩu khác như nho khô của Úc, Mỹ, chà là Trung Đông… Một số người bán hàng giải thích, do các công ty họ nhập khẩu số lượng lớn từ nước ngoài để được giá rẻ nên hàng được đóng bao vài ba chục ký tùy loại, giao thẳng cho các sạp vựa. "Muốn hàng có bao gói cũng có nhưng giá cao hơn. Khách đi chợ thường quan tâm đến sản phẩm giá rẻ trước tiên nên mình chỉ lấy những mặt hàng có giá cạnh tranh”, người này giải thích.
Hàng bánh mứt không nhãn mác chiếm ưu thế tại nhiều chợ truyền thống |
Chí Nhân |
Hàng Trung Quốc chiếm ưu thế
Ngoài hàng không nhãn mác thì hàng xuất xứ Trung Quốc cũng tràn lan khắp nơi, đặc biệt là sau khi nước này tuyên bố mở cửa từ 8.1 vừa qua. Một cửa hàng bán giày Trung Quốc trên đường Nguyễn Đình Chiểu đoạn gần đường Cao Thắng ngày 13.1 khuyến mãi mạnh đồng giá 200.000 đồng/đôi nên có khá đông khách ghé vào mua dù giữa trưa nắng. Sáng cùng ngày, tại chợ Hòa Bình (Q.5) một người bán giày rao hàng một cách đầy tự tin “hàng Quảng Châu! Hàng Quảng Châu đây bà con cô bác ơi! Giá rẻ bất ngờ, mại dô mại dô”. Có rất nhiều loại, đủ cỡ với giá chỉ khoảng 120.000 - 180.000 đồng/đôi. Ngoài giày dép, các sản phẩm áo quần, ga nệm cũng có giá siêu rẻ với chỉ vài chục ngàn đồng/sản phẩm như áo gối ôm, gối nằm chỉ từ 10.000 - 20.000 đồng/cái.
Không chỉ thống lĩnh các shop, các chợ mà cả các trang thương mại điện tử lớn của VN, hàng Trung Quốc cũng chiếm thị phần lớn. Chị Nguyệt Minh (Q.3, TP.HCM) kể: Vừa sắm quần áo tết online với giá siêu rẻ, chỉ có 60.000 đồng/bộ xuất xứ Trung Quốc. Nếu mua 3 bộ được khuyến mãi thêm 1 bộ, tính ra thì 4 bộ chỉ có 180.000 đồng, tương đương 45.000 đồng/bộ. "Thấy rẻ quá cũng ngại nhưng tôi mua thử mặc cũng được", chị chép miệng.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, cho biết: Trong dịp Tết Nguyên đán, Cục QLTT tập trung vào 2 nội dung chính. Cụ thể, kiểm tra các mặt hàng cấm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội (ATXH) trong dịp tết, như: pháo nổ, pháo hoa, hóa chất, tiền chất công nghiệp, sản phẩm mang nội dung gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia, động vật hoang dã. Bên cạnh đó, Cục QLTT TP cũng kiểm tra nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ tết, như: quần áo, giày dép, điện thoại di động, hàng điện tử, điện lạnh, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, xì gà, nước giải khát, thực phẩm chức năng, tân dược, vị thuốc y học cổ truyền, trang thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch bệnh, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em…
Theo báo cáo của Tổng cục QLTT tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái bán trên các nền tảng thương mại điện tử, môi trường internet ngày càng gia tăng. Năm 2022 lực lượng QLTT đã thực hiện thanh, kiểm tra gần 71.000 vụ, trong đó phát hiện và xử lý gần 44.000 vụ vi phạm, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; chuyển cơ quan điều tra 127 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Tạt ngang đường Hải Thượng Lãn Ông, Châu Văn Liêm (Q.5), phố chuyên bán đồ trang trí, phụ kiện lớn nhất TP.HCM và bán sỉ đi cả nước, hàng Trung Quốc hoàn toàn thống lĩnh. Gần tết nên những hình ảnh đặc trưng trong dịp tết cổ truyền gồm bánh chưng, bánh tét, đèn lồng, hoa mai, hoa đào… được mua bán nhiều nhất. Chỉ tay vào chùm bông lúa vàng rực rỡ, chị H., quản lý một cửa hàng phụ kiện trên đường này, giới thiệu: “Đây là hàng mới về năm nay. Nhìn giống lúa nhưng không phải lúa. Nó là bông yến mạch, được phơi khô và sơn vàng lên, dùng để trang trí rất đẹp, nhiều người chọn mua lắm”. Người bán cũng giới thiệu, đây là hàng Trung Quốc.
Vòng quanh chợ Kim Biên, nơi các loại pháo phổ biến từ 50.000 - 100.000 đồng, đa số có nguồn gốc từ Trung Quốc. Anh T.Đ.T, một khách đi mua pháo hoa, chia sẻ: “Năm nay pháo hoa VN do Bộ Quốc phòng sản xuất cũng khá đa dạng, tuy nhiên giá bán cao, gấp 2 - 3 lần giá pháo hoa Trung Quốc nên tôi ra chợ pháo này tìm mua cho rẻ”. Đây cũng là lý do của nhiều khách hàng mua pháo mà chúng tôi gặp ở chợ này.
Ở mặt trận rau củ, các loại xuất xứ Trung Quốc là một phần không thể thiếu ở các chợ. Giá bán hàng Trung Quốc thường thấp hơn từ 3.000 - 5.000 đồng so với hàng VN nên khá hút khách. Chị Hiền, một người bán rau ở gần chợ Thiếc (Q.11), cho biết: Trước kia một số người còn hay phân biệt để lựa chọn nhưng giờ thì ai cũng quen rồi. Mua về nhà ăn thì còn lựa được chứ ra hàng quán người ta toàn mua đồ Trung Quốc về chế biến, cũng phải chịu thôi. Riêng các mặt hàng khô như nấm, táo… hầu hết là hàng Trung Quốc.
Đại diện Ban Quản lý chợ Bình Điền cho biết lượng hàng trái cây từ Trung Quốc nhập về chợ cũng đang tăng. Đơn cử như đêm 12.1, lượng táo về chợ là 32 tấn, quýt 40 tấn, nho 9 tấn, lê 7,5 tấn. Giá trị hàng nhập khẩu mỗi đêm lên đến 5,4 tỉ đồng, bằng 40% giá trị trái cây nội địa.
Bình luận (0)