(TNO) Câu hỏi được các chính trị gia và giới truyền thông Pháp đặt ra nhiều nhất trong những ngày qua là làm thế nào để chuỗi tấn công kinh hoàng từ ngày 7-9.1 tại Paris và khu vực ngoại ô không có cơ hội tái diễn.
Các binh sĩ Pháp được triển khai ở thành phố Lille ngày 13.1 - Ảnh: AFP
|
Ngay sau cuộc đại tuần hành lịch sử quy tụ 3,7 triệu người tham gia tại Pháp, 10.000 binh sĩ đã được điều động để tăng cường an ninh tại những địa điểm tôn giáo và đông người qua lại trên toàn quốc.
Tờ Le Figaro dẫn lời Thủ tướng nước này Manuel Valls cho biết đây là lần đầu tiên quân đội được huy động với quy mô lớn như thế để bảo vệ an ninh tại Pháp. Hiện các trường học, giáo đường Do Thái giáo và Hồi giáo cũng đã được 4.700 cảnh sát bảo vệ. Ông Patrice Latron, Tỉnh trưởng vùng lãnh thổ hải ngoại Pháp Saint-Pierre-et-Miquelon đã được bổ nhiệm làm điều phối viên an ninh cho cộng đồng người Do Thái tại nước này.
Các hung thủ của chuỗi tấn công liên tiếp vừa qua là anh em Saïd và Chérif Kouachi cùng Amedy Coulibaly đều bị tiêu diệt nhưng ông Valls phải thừa nhận: “17 người thiệt mạng thì chắc chắn có kẽ hở về an ninh”.
Theo tờ Le Monde, tình báo Pháp đã để lộ hàng loạt sai sót trong sự kiện nói trên: sau khi ra tù vào tháng 3.2014, Coulibaly đã nhiều lần đến các đền thờ Hồi giáo ở Paris và các tỉnh thành khác để “tuyển mộ” những thanh niên có xu hướng cực đoan mà không bị lực lượng an ninh “để ý” dù đây là những điểm nhạy cảm thường nằm trong danh sách phải theo dõi; nhiều thông tin liên quan đến các hung thủ - chẳng hạn nơi ở - trong hồ sơ của cảnh sát đã cũ và không được cập nhật từ nhiều năm qua…
Bên cạnh đó, ngày 11.1, tức 2 ngày sau khi các hung thủ đã bị tiêu diệt, một hoặc nhiều đồng phạm của chúng đã ngang nhiên tung lên mạng internet đoạn phim trong đó Coulibaly đã thừa nhận phối hợp với anh em Kouachi thực hiện các vụ tấn công.
Những tay súng này có bao nhiêu đồng phạm hiện vẫn là một ẩn số dù cảnh sát Pháp đã sớm phát lệnh truy nã tình nhân của Coulibaly là Hayat Boumeddiene, hiện bị cho là đã trốn sang Syria từ ngày 2.1. Có thể nghi phạm này đã cho phát tán đoạn phim của Coulibaly lên mạng internet.
Hai nghi phạm vụ thảm sát Charlie Hebdo - Ảnh: Reuters
|
Thời gian tới, Paris chắc chắn sẽ xem xét áp dụng nhiều biện pháp để “bịt kín” những kẽ hở nói trên. Tổng thống François Hollande đã khẳng định đây sẽ là những biện pháp “không thái quá”, tức đã gián tiếp bác bỏ đề nghị của một số chính trị gia đối lập về việc thiết lập một Patriot Act kiểu Pháp.
Đây là chương trình tăng cường các biện pháp an ninh và tình báo để chống khủng bố được Mỹ áp dụng sau sự kiện 11.9.2001, vốn gây nhiều phản ứng trái chiều. Thay vào đó, chính phủ Pháp sẽ đẩy nhanh tiến trình cải cách các điều luật giúp gia tăng quyền hạn của các cơ quan tình báo để trình lên Quốc hội sớm hơn so với dự kiến vào cuối năm 2015.
Dự luật về chống khủng bố vừa được thông qua vào cuối năm 2014 cũng sẽ được xem là nền tảng cho các chiến lược về an ninh sắp tới của Pháp, trong đó, điều khoản quan trọng nhất là tịch thu thẻ căn cước và hộ chiếu để cấm các đối tượng bị tình nghi liên quan đến hoạt động khủng bố xuất cảnh.
Ngoài ra, một số biện pháp cũng sẽ được xem xét bổ sung như: cách ly các tù nhân Hồi giáo có xu hướng cực đoan trong trại giam; cải thiện hệ thống theo dõi qua điện thoại và internet…
Trong cuộc họp hồi cuối tuần qua tại Paris, bộ trưởng nội vụ các nước EU cũng thống nhất tăng cường phối hợp kiểm soát ở khu vực biên giới và mở rộng trao đổi thông tin về hành khách qua lại ở cửa khẩu của các quốc gia thuộc khu vực này.
Bình luận (0)