Mô hình này được hiểu như kiểu mua trái phiếu doanh nghiệp nhà nước. Cách làm này với các quốc gia 90% GDP thu được nhờ vào dầu mỏ như Brunei khá hiệu quả. Với Việt Nam, còn nhiều ý kiến trái chiều xong đa số các chuyên gia kinh tế cho rằng, nên thử nghiệm trong quy mô nhỏ khi giá dầu đang xuống mức kỉ lục.
Nên thử nghiệm ở quy mô nhỏ
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương hoàn toàn ủng hộ mô hình này. Theo ông Doanh, Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu xăng dầu và trong bối cảnh giá nhiên liệu đang xuống tới mức rất thấp như hiện nay, việc có các biện pháp tích trữ xăng dầu cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh là điều rất cần thiết. Bên cạnh đó, thời gian qua cũng đã có rất nhiều doanh nghiệp đề xuất phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp lĩnh vực xăng dầu có thể thử nghiệm mô hình này.
Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh lưu ý mô hình phát hành trái phiếu xăng dầu nên được thử nghiệm trước ở quy mô nhỏ, đối với các thành phố lớn, nơi có nhiều công ty xăng dầu lớn, có điều kiện tích trữ, điều kiện kinh tế của người dân khá và họ cũng có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin, cởi mở với chính sách hơn những vùng nông thôn, ngoại ô. Chưa kể các vùng quê chưa có nhiều điều kiện tích trữ, dễ dẫn đến nguy cơ gây cháy nổ, mất an toàn.
“Khi giá xăng dầu thấp thế này, cần nhanh chóng có biện pháp tích trữ. Vận động người dân cùng tham gia tích trữ với nhà nước theo mô hình trái phiếu xăng dầu là ý rất hay, nên được nhanh chóng nghiên cứu và thử nghiệm để không bỏ lỡ cơ hội” - vị này đề xuất.
Chứa dầu ở đâu?
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh – Học Viện Tài chính lại cho rằng, cách làm của Brunei không phải dễ áp dụng. Mỗi mũi khoan của mỗi giếng dầu tại đất nước Hồi giáo này chỉ cách mặt đất 30m, việc khai thác dầu hoàn toàn tự động và mỗi phút, mỗi chiếc máy khoan mang lại cho đất nước Brunei cả trăm Brunei đô la (khoảng 1,6 triệu đồng). “Họ đi đâu cũng thấy dầu và trữ lượng dầu phong phú dồi dào, dễ khai thác nên giá thành khai thác dầu thô của họ rất thấp. Họ chọn cách bán cho người dân một người 1 USD cũng là cách chia bớt nguồn tài nguyên cho dân hưởng lợi sinh sống. Trong khi tại Việt Nam, giá thành khai thác dầu thô theo tôi được biết là trên 50 USD/thùng. Khi giá dầu thế giới xuống 40 USD/thùng thì chúng ta đã “chết”, nên hiện tại càng khai thác càng lỗ. Thế lưỡng nan là bây giờ đóng mỏ khai thác cũng mất nhiều chi phí, chi phí bảo dưỡng, mất việc làm… nhưng tính toán tổng số tiền mất khi đóng mỏ sẽ ít hơn nếu tiếp tục khai thác khi giá dầu giảm chưa dừng lúc này”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Vậy phát hành trái phiếu dầu bán cho dân để lấy tiền tăng mua vào lúc này có khả thi không? Ông Thịnh lắc đầu nói không nên. Theo ông, khi các kho chứa dầu của thế giới gần đầy thì Việt Nam – quốc gia đang khai thác dầu mỏ và nhập khẩu dầu thương phẩm cũng đầy kho tương đương, Chính phủ khó có kho để chứa dầu hộ dân chờ dầu lên bán. Nếu làm được vậy, nhiều nước đã làm. Vị này nói: “Giả sử phát hành trái phiếu lấy tiền đó đi mua dầu về trữ, nhưng ta đâu còn kho để chứa nữa? Một lý do quan trọng thứ hai là không phải thiếu tiền để huy động tiền mua dầu vào. Vấn đề của chúng ta là tính toán cách nào vừa trữ dầu tốt nhất, vừa giảm lỗ lã từ khai thác dầu khí”.
Còn chuyên gia kinh tế tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mô hình trái phiếu này nếu áp dụng, nên thử nghiệm phạm vi nhỏ. Quan trọng phải nói rõ trái phiếu trên thùng dầu hay trên tiền đồng bằng giá trị tương đương tỉ giá hiện tại. Ông nói: “Nếu trái phiếu bán ra bằng giá trị thùng dầu, hoặc giả sử tương đương 20 USD/thùng. Khi giá dầu lên 30 USD/thùng hay thậm chí lên 60 USD/thùng, thì tính theo giá trị đô la để tính thì người dân hưởng lợi, nhưng nếu theo tiền đồng lại câu chuyện khác. Thứ hai là thời hạn. Thời hạn dài thì người dân đánh giá mức độ rủi ro thấp hơn, sẽ ủng hộ tối đa, nhưng nếu thời hạn trái phiếu dầu này chỉ 6 tháng, chắc chắn nếu muốn huy động, cũng khó. Vì giá dầu thấp hiện tại mang tính nhất thời, trong ngắn hạn, không thể kéo dài”.
Bình luận (0)