Tên chính thức là NGTS-4b, hành tinh này lớn gấp 3 lần trái đất và nhỏ hơn 20% so với Hải Vương tinh. Khối lượng của nó gấp 20 lần địa cầu, trong khi nhiệt độ bề mặt cũng ăn đứt sao Thủy khi nóng đến 1.000oC. NGTS-4b chỉ mất 1,3 ngày để hoàn tất vòng quay quanh sao trung tâm. Và điều gây ngạc nhiên hơn hết chính là hành tinh trên được bao bọc bởi bầu khí quyển, theo báo cáo trên chuyên san Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.
NGTS-4b cũng là hành tinh ngoài trái đất đầu tiên thuộc dạng này được tìm thấy tại khu vực mà giới thiên văn học gọi là “Sa mạc Hải Vương tinh”. Đây là thuật ngữ chỉ miền không gian nằm sát các ngôi sao, nơi các hành tinh có kích thước như sao Hải Vương chưa bao giờ xuất hiện, cho đến nay. Điều đó do các hành tinh sẽ liên tục bị ngập trong bức xạ tỏa ra từ sao trung tâm, nên chúng không thể nào duy trì được khí quyển của chính mình. Hậu quả là khí quyển bao quanh hành tinh bị thổi bay và chỉ còn trơ lại lõi đá. Thế nhưng, đến thời điểm các chuyên gia quan sát NGTS-4b vẫn còn bầu khí quyển của nó.
Các nhà thiên văn học đưa ra hai giả thuyết: một là “hành tinh cấm kỵ” mới lạc vào miền Sa mạc Hải Vương tinh khoảng 1 triệu năm qua, hoặc bản thân nó từng có kích thước lớn hơn nhiều, và khí quyển đang trong giai đoạn bốc hơi. “NGTS-4b phải trong tình thế vô cùng khó khăn - nó nằm bên trong khu vực mà chúng tôi cho rằng không hành tinh tương tự nào có thể tồn tại”, theo Đài CNN dẫn lời tác giả Richard West của Đại học Warwick (Anh). Phát hiện trên cũng đánh dấu lần đầu tiên giới thiên văn học tìm ra hành tinh di chuyển ngang một ngôi sao mà độ sáng của nó không đến 0,2%, bằng phương tiện viễn vọng kính trên trái đất.
Thành tựu mới được dự đoán cho phép mở ra nỗ lực tìm kiếm thêm nhiều hành tinh trong tương lai và triển khai các sứ mệnh săn hành tinh như Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ đang thực hiện với dự án TESS.
Bình luận (0)