Các nhà khoa học thuộc Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Thịnh vượng chung (CSIRO) của Úc mới đây đã tìm thấy một nghĩa địa cá mập bí ẩn nằm dưới đáy Ấn Độ Dương, ngoài khơi quần đảo Cocos (Keeling), theo trang tin Science Alert.
Tổng cộng 750 chiếc răng động vật đã được phát hiện ở độ sâu 5,4 km, đại diện cho một số lượng lớn các loài động vật săn mồi ở biển cả cổ đại lẫn hiện đại. Trong số này, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những chiếc răng được cho là thuộc về tổ tiên trực tiếp của loài cá mập megalodon.
Những chiếc răng cá mập được tìm thấy |
Museums Victoria-Ben Healley |
"Loài cá mập này đã tiến hóa thành megalodon, loài lớn nhất trong gia đình cá mập nhưng đã tuyệt chủng cách đây khoảng 3,5 triệu năm", ông Glen Moore, người phụ trách về các loài cá tại Bảo tàng Tây Úc, cho biết trong một tuyên bố.
Cá mập megalodon to lớn đến mức chúng có thể nuốt chửng nguyên con cá mập trắng lớn (Carcharodon carcharias), loài cá mập lớn nhất hiện nay.
Hóa thạch răng của loài cá mập được cho là tổ tiên của cá mập megalodon |
Museums Victoria-Ben Healley |
Vì cá mập chỉ có sụn chứ không có xương, phần lớn cơ thể chúng sẽ bị phân hủy thay vì trở thành hóa thạch sau khi chết, ngoại trừ răng và vảy. Do đó những gì mới được phát hiện là manh mối duy nhất chúng ta có về lịch sử 450 triệu năm của những loài động vật cổ đại này trên Trái đất.
Đây là "cửa sổ để nhìn vào lịch sử", ông Will White, chuyên gia về cá mập tại CSIRO, cho biết.
Tàu khảo sát Investigator |
csiro |
Theo các nhà nghiên cứu, đây là nghĩa địa cá mập lớn nhất mà con người từng phát hiện. Không chỉ có hóa thạch của các loài cá mập cổ đại, nơi này còn có răng của các loài cá mập tương đối gần đây như cá mập mako và cá mập trắng lớn.
Nghĩa địa cá mập này được tìm thấy trong chuyến khảo sát của tàu khảo sát Investigator thuộc CSIRO tại một trong hai khu bảo tồn biển mới nhất của Úc, Công viên Hải dương Quần đảo Cocos (Keeling).
Răng to hơn bàn tay, cá mập tiền sử khổng lồ cỡ nào? |
Tàu Investigator sau đó đã có chuyến khảo sát ở Công viên Hải dương Gascoyne nằm ngoài khơi Tây Úc và phát hiện một loài cá mập sừng mới có kích cỡ nhỏ với các sọc trên thân. Theo các nhà khoa học, loài cá mập này đến nay "chỉ được tìm thấy ở Úc". Họ vẫn chưa chính thức mô tả hoặc đặt tên cho chúng.
Loài cá mập mới được tìm thấy |
CSIRO |
Cá mập sừng bao gồm cá mập Port Jackson nổi tiếng và nói chung là loài di chuyển chậm, sống ở vùng nước nông. Phần lớn thời gian trong ngày, chúng nằm lẫn giữa đá và rong biển ở đáy biển và ra ngoài kiếm ăn vào ban đêm. Tuy nhiên, loài mới này sống ở vùng nước sâu trên 150 m và giới khoa học chưa biết gì về hành vi của chúng.
Bình luận (0)