Phát hiện nhiều dấu vết kiến trúc thương cảng Nước Mặn

25/07/2016 07:00 GMT+7

Bảo tàng Tổng hợp Bình Định cho biết đợt khai quật thám sát thương cảng Thi Nại - Nước Mặn (xã Phước Quang, H.Tuy Phước, Bình Định) đã phát hiện nhiều di tích và di vật có giá trị cho việc tìm hiểu, đánh giá giá trị của khu di tích này.

Tại 4 hố thám sát nằm ở thôn An Hòa (xã Phước Quang), đoàn khai quật đã thu được 4.844 mảnh gốm sứ với các dòng men nâu, men ngọc, men trắng, men trắng vẽ lam có nguồn gốc VN, Trung Quốc, Nhật Bản, niên đại trải dài từ thế kỷ 16 - 17 đến thế kỷ 19 - 20. Đoàn khai quật cũng thu được 2.823 mảnh sành có niên đại khoảng thế kỷ 17 - 18. Đợt khai quật này cũng phát hiện nhiều dấu vết móng cột, chân tảng, nền kiến trúc, bếp... có niên đại khoảng thế kỷ 18 - 19.
Theo thạc sĩ Bùi Văn Hiếu (Viện Khảo cổ học, người chủ trì cuộc khai quật), Nước Mặn là một thương cảng cổ nằm trên vị trí của Thi Nại (của người Chăm Pa) trước đó. Thi Nại và Nước Mặn đều có vị trí rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của vùng đất này trong lịch sử. Sự có mặt của một số lượng lớn đồ gốm sứ thời Minh, Thanh Trung Quốc và gốm sứ Hizen Nhật Bản là những chứng cứ chân xác về tính chất thương mại của di tích. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh khảo cổ, nghiên cứu về cảng thị Nước Mặn để có cái nhìn chính xác hơn về di tích này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.