Phát hiện sản phẩm bảo vệ sức khỏe chứa chất cấm

06/12/2021 13:54 GMT+7

Qua giám sát, Viện Dinh dưỡng quốc gia đã phát hiện sản phẩm bảo vệ sức khỏe chứa chất cấm.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, cơ quan này đã nhận được văn bản của Viện Dinh dưỡng báo cáo kết quả mẫu giám sát phát hiện chất cấm Sibutramine trong mẫu sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Các thông tin ban đầu về sản phẩm này như sau:

  • Tên sản phẩm: thực phẩm bảo vệ sức khỏe Phục linh Collagen, quy cách đóng gói: viên nang 500mgx12 viên x3 vỉ/hộp.
  • Số lô: 20210326, ngày sản xuất: 26.3.2021, hạn sử dụng: 25.3.2024
  • Nhà sản xuất: American Biological & Technology (HK) Limied, địa chỉ: 903 Donnies, HSE, 20 Luard Road, Wanchai, HK.
  • Đơn vị phân phối: Sao Viet IMEC., JSC, địa chỉ: số 28, ngõ 62 Cù Chính Lan, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
  • XNCB số: 15076/2017/ATTP-XNCB
  • Chất cấm phát hiện: Sibutramine: 3,63g/100g (13,43 mg/viên)
  • Nơi lấy mẫu: Nhà thuốc Nam Hồng, địa chỉ: số 36 Bùi Thị Xuân - khu đô thị Petro, phường Quang Trung, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Căn cứ Thông tư số 10/2021/TT-BYT, Sibutramine thuộc danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, trong thời gian các cơ quan chức năng xác minh, xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo và đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm có các thông tin nêu trên. Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc.

Sản phẩm chưa được cấp phép tại Việt Nam

Trước đó, tháng 8 năm nay Cục An toàn thực phẩm thông báo, Cơ quan quản lý Dược và Thực phẩm - Bộ Y tế Campuchia đã gửi thông báo qua hệ thống Giám sát hậu mại ASEAN (PMAS) cảnh báo về việc thu hồi sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe BALANCE X tại nước này do có chứa Sildenafil và Tadalafil.

Cục An toàn thực phẩm thông tin về sản phẩm thực phẩm chứa chất cấm

Sản phẩm bị cảnh báo là BALANCE X. Sản phẩm có thành phần trên nhãn: Cardyceps Sinesis Extract 248.98mg, Ginseng Extract 200mg, Reishi Extract 25mg, Gaji Berry Extract, Black Galingale Extract 0.02mg

Trước thông tin trên, Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành rà soát và kết quả là: Từ tháng 9.2014 đến nay, sản phẩm trên chưa được cấp Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm tại Cục để nhập khẩu vào Việt Nam.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không mua và không sử dụng sản phẩm có tên nêu trên và thông báo với cơ quan quản lý an toàn thực phẩm gần nhất nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có bán các sản phẩm này.

Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhu cầu, phương thức mua sắm của người dân thay đổi, việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe “online” vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng; việc ngăn ngừa thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả còn hạn chế, khó quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội.

Mặc dù các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng vi phạm ATTP vẫn phức tạp.

Chỉ tính riêng trong năm 2020, toàn ngành Y tế đã kiểm tra 406.278 cơ sở, phát hiện 58.317 cơ sở vi phạm về ATTP, xử lý 10.077 cơ sở với tổng số tiền phạt là 48,6 tỉ đồng.

Ngành Nông nghiệp đã kiểm tra 40.036 cơ sở, xử phạt hành chính 2.737 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp ATTP nông, lâm, thủy sản với số tiền phạt là 19,1 tỉ đồng.

Theo Cục An toàn thực phẩm, hiện, việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua hình thức online, gọi điện thoại cho người tiêu dùng rất phổ biến; một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định của pháp luật. Nhiều trường hợp sản phẩm không có địa chỉ công ty, không có nơi bán hàng cố định, khách đặt hàng được người giao hàng đưa hàng và thu hộ tiền cho người bán, không có hóa đơn bán hàng, do vậy không rõ nguồn gốc sản phẩm để có thể truy cứu trách nhiệm khi sản phẩm không đúng như quảng cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.