Hôm qua, 30.3, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đinh Thế Huynh; đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), Hội Nhà báo Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể T.Ư, lãnh đạo các cơ quan báo chí trong cả nước đã tham dự Hội nghị Báo chí toàn quốc, đánh giá công tác năm 2011, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2012.
Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn, năm 2011, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có những diễn biến phức tạp nhưng báo chí đã làm tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước; là diễn đàn của nhân dân với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh làm công tác chuyên môn, các cơ quan báo chí còn tiếp tục tổ chức và thực hiện nhiều hoạt động xã hội, từ thiện thiết thực, có ý nghĩa xã hội tích cực.
|
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh yêu cầu báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò, tính tiên phong, tính chiến đấu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, các hiện tượng tiêu cực xã hội; tích cực, chủ động đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; mở rộng giao lưu, hội nhập với thế giới.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Đinh Thế Huynh đề nghị các cơ quan báo chí nghiêm khắc nhận rõ những hạn chế, thiếu sót trong công tác báo chí; nhấn mạnh năm 2012, cùng với tuyên truyền nhiều sự kiện, vấn đề quan trọng khác, báo chí cần tập trung tuyên truyền đưa nghị quyết, các văn kiện Đại hội XI của Đảng, các kết luận và nghị quyết của Hội nghị T.Ư đi vào cuộc sống, trong đó Nghị quyết Hội nghị T.Ư lần thứ 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt; gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tuyên truyền nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo Kết luận Hội nghị T.Ư 3 (khóa XI), Nghị quyết 11 của Chính phủ; công tác đối ngoại, an ninh - quốc phòng; xây dựng luật, trong đó công tác sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992… là rất quan trọng.
Ông Đinh Thế Huynh chỉ rõ: Công tác thông tin, tuyên truyền luôn được khẳng định như một giải pháp trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, nhất là Nghị quyết T.Ư 4, các nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ. Do vậy, báo chí phải tiếp tục bám sát định hướng chính trị tư tưởng của Đảng và Nhà nước, nêu cao tinh thần chủ động, tuyên truyền thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, sáng tạo bằng những hình thức hấp dẫn, sinh động, thuyết phục. Để làm tốt nhiệm vụ này, cần tập trung sức nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm báo từ tổng biên tập, giám đốc, ban biên tập, ban lãnh đạo các cơ quan báo chí đến đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cả về nhận thức, bản lĩnh, sự nhạy bén về chính trị, trình độ nghiệp vụ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
Bám sát thực tiễn của đất nước, các cơ quan báo chí phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân, đồng thời tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tệ nạn và tiêu cực xã hội; đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống diễn biến hòa bình, phản bác các thông tin và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của báo chí trong công tác giám sát, phản biện xã hội. Các cơ quan báo chí cần kiên quyết khắc phục khuynh hướng “thương mại hóa”.
Ông Đinh Thế Huynh yêu cầu cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí với các cơ quan chủ quản báo chí và từng cơ quan báo chí, trong đó cần đặc biệt coi trọng, phát huy hơn nữa vai trò cơ quan chủ quản. Thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giao ban báo chí theo hướng đảm bảo đúng thành phần; giữ vững kỷ luật thông tin; tăng cường cung cấp thông tin, đối thoại, trao đổi giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí.
Các cơ quan chức năng tăng cường cung cấp thông tin và định hướng thông tin cho báo chí. Các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về báo chí.
Bích Ngọc
Bình luận (0)