(TNO) Các nhà khoa học Nga vừa phát triển thành công một tia laser đặc biệt. Khác xa các loại laser trước đây, tia laser đặc biệt này có thể cắt xuyên qua xương, mô hoặc thủy tinh mà không cần đốt cháy hay để lại tổn hại gì.
Tia laser có thể thể cắt xuyên qua xương, mô mà không cần đốt cháy hay để lại tổn hại gì - Ảnh chụp màn hình The Siberian Times |
Công nghệ laser mới do các nhà khoa học tại Đại học quốc gia Tomsk (TSU) ở thành phố Tomsk, thuộc vùng Siberia (Nga) phát minh. Họ rất hào hứng với nó vì tính đa năng và có thể áp dụng trên rất nhiều lĩnh vực, từ y học đến sản xuất điện thoại thông minh. Tia laser mới này thường hoạt động ở bước sóng từ 10 đến 12 micron. Tuy nhiên, tốt nhất là ở bước sóng 6,45 micron.
Cụ thể, laser mới có thể cắt xương, mô mà không gây tác dụng phụ lên cơ thể người bệnh. Điều này được kỳ vọng sẽ mang lại sự thay đổi lớn cho ngành y học hiện đại.
"Chưa có tia laser nào độc đáo như vậy từng được phát minh trên thế giới nên chúng đã thu hút nhiều sự quan tâm", giáo sư Anatoly Soldatov của Đại học quốc gia Tomsk cho biết.
Tập đoàn công nghệ khổng lồ Samsung của Hàn Quốc đang tỏ ra quan tâm đến công nghệ mới. Họ đã gửi đến các nhà khoa học một số mẫu kính để kiểm tra tính hiệu quả của tia laser, theo RT.
Hiện nay, các thiết bị dùng để cắt kính màn hình cho điện thoại và máy tính bảng thường dùng tia laser carbon dioxide. Loại laser này hoạt động ở bước sóng 10,6 micron, thật ra chúng không hẳn cắt kính mà làm cho kính nóng lên và đứt lìa.
Quá trình này khiến 20 đến 30 % kính không sử dụng được vì bị biến dạng. Trong khi đó, công nghệ laser mới có hiệu suất tốt hơn rất nhiều so với phương pháp cũ, giáo sư Soldatov cho hay.
Các nhà khoa học Nga đang tìm cách hòan thiện công nghệ mới để ứng dụng vào y học, thực hiện các ca cắt mô sống trên cơ thể người, theo RT.
Bình luận (0)