Phạt nặng người phạm luật giao thông

06/05/2010 00:24 GMT+7

Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 20.5.2010, có nội dung quy định mức xử phạt cao hơn bình thường đối với một số hành vi vi phạm trong khu vực nội thành của Hà Nội và TP.HCM.

Hà Nội triển khai nhanh

Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, ngoài các tuyến đường nằm trong các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, các tuyến đường, tuyến phố đan xen giữa các quận nội thành và huyện ngoại thành đã được HĐND thành phố đặt tên như đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, An Dương Vương, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Trãi cũng áp dụng mức xử phạt đặc biệt giống với khu vực nội đô.

Cụ thể, người đi xe máy vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh, đi vào đường cấm, đi ngược chiều vào đường một chiều... sẽ bị phạt 300.000 - 500.000 đồng và tước bằng lái 30 ngày (mức chung áp dụng ở các nơi khác là 100.000 - 400.000 đồng). Đối với ô tô, các hành vi dừng đỗ, quay đầu xe không đúng quy định bị phạt 600.000 - 1.000.000 đồng (tăng gấp đôi so với mức chung). Hành vi vượt đèn đỏ, lái ô tô khi có nồng độ cồn vượt mức cho phép sẽ bị xử phạt 1 - 1,4 triệu đồng (mức chung là 600.000 - 800.000 đồng). Hành vi dừng đỗ, quay đầu xe gây ùn tắc giao thông sẽ bị phạt đến 2 triệu đồng.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong tuần đầu (từ ngày 20 - 27.5), công việc chính vẫn là nhắc nhở để người tham gia giao thông hiểu và chấp hành tốt Nghị định 34, chỉ những trường hợp vi phạm nghiêm trọng mới bị xử phạt.

TP.HCM phân vân nội thành - ngoại thành

Nghị định 34 cho phép TP.HCM áp dụng thí điểm các mức xử phạt nặng, cao hơn từ 40% - 200% so với mức bình thường của cả nước và nội thành cao hơn ngoại thành. Thời gian vừa qua, Phòng CSGT đường bộ (Công an TP.HCM), Sở Giao thông vận tải cùng Sở Tư pháp TP.HCM đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm đưa ra các phương án tối ưu, xác định ranh giới nội, ngoại thành của thành phố để lực lượng CSGT có cơ sở thực hiện công tác xử phạt theo tinh thần Nghị định 34. Sở Giao thông vận tải đưa ra 2 phương án nhằm xác định ranh giới nội, ngoại thành như sau: Phương án 1: các tuyến đường nằm trên địa bàn quận là nội thành, còn đường ở huyện là ngoại thành; Phương án 2: các tuyến đường nằm trên địa bàn quận và một số đoạn đường, tuyến đường thuộc huyện nhưng có lưu lượng phương tiện lưu thông nhiều là nội thành; các tuyến đường còn lại trên địa bàn huyện là ngoại thành.

Tuy nhiên, Phòng CSGT đường bộ lại đưa ra phương án khác: nội thành được xác định bởi phạm vi giới hạn bên trong đường vành đai như: Quốc lộ 1A (bắt đầu từ nút giao thông Q.Thủ Đức - cụ thể là trạm 2, đi về hướng An Sương) - Nguyễn Văn Linh - đường dẫn vào cầu Phú Mỹ - vành đai Đông - Nguyễn Thị Định - xa lộ Hà Nội - nút giao thông Q.Thủ Đức và toàn bộ các tuyến đường vành đai; những tuyến đường còn lại của các quận, huyện khác là ngoại thành.

Từ đó, 3 sở trên đã lập 1 dự thảo trong đó góp ý phân tích ưu, nhược điểm của mỗi phương án, rồi chọn ra phương án tối ưu nhất trình cho UBND xem xét để quyết định. Một nguồn tin đáng tin cậy cho hay, vào phút cuối, Sở Giao thông vận tải cũng chọn phương án của Phòng CSGT đường bộ. Tuy nhiên, quyết định vẫn là UBND TP.HCM.

Trong văn bản góp ý, Sở Tư pháp TP.HCM thống nhất với đề xuất chọn phương án 1, áp dụng theo Quyết định 135/2007/QĐ-UBND quy định về khu vực nội thành, ngoại thành. Theo quy định này thì khu vực nội thành gồm các quận: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 10, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Phú, Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức,  Bình Tân. Ngoại thành bao gồm các huyện: Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ. Đề nghị của Sở Tư pháp là dự thảo nên quy định khu vực áp dụng xử phạt thí điểm bao gồm các quận và một số tuyến đường cụ thể trên địa bàn một số huyện. Riêng về biển báo, Sở đề nghị ghi là: “Tuyến đường áp dụng xử phạt thí điểm theo Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ” để cho người đi đường biết khu vực nội thành, đường qua các huyện nhưng vẫn bị phạt hành chính như nội thành.

“Quái xế” hết đất

 Từ ngày 18 - 25.4, lực lượng CSGT đã xử lý gần 700 trường hợp vi phạm, trong đó tạm giữ khoảng 500 phương tiện vi phạm các lỗi lạng lách, đánh võng, dàn hàng ngang, tụ tập gây mất trật tự... Điều này cho thấy cần phải có biện pháp cứng rắn hơn dành cho các trường hợp vi phạm này. “Có lúc họ nằm trên xe chạy, thấy xe chứ không thấy người điều khiển; hay thả tay, đánh võng lạng lách... rất nguy hiểm cho người đi đường. Nhưng những lỗi này không có cụ thể trong quy định cũ để xử phạt nên thường phải chuyển qua lỗi khác phạt...” - một CSGT nói.

Nghị định 34 đã quy định rất rõ mức xử phạt về các hành vi trên. Mức phạt này sẽ khiến các “quái xế” hết đất “dụng võ” như: người điều khiển xe gắn máy sử dụng chân chống hoặc vật khác quẹt xuống đường khi xe đang chạy bị phạt 2,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe (GPLX) 60 ngày; buông hai tay khi đang điều khiển xe, dùng chân điều khiển xe, ngồi về một bên điều khiển xe, nằm trên yên xe điều khiển xe, thay người điều khiển khi xe đang chạy; lạng lách đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị; điều khiển xe chạy bằng 1 bánh đối với xe 2 bánh; điều khiển xe thành nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định: xử phạt 6 triệu đồng, đồng thời tước GPLX 60 ngày (một số vi phạm trên nếu tái phạm sẽ bị tịch thu xe). Đáng chú ý, nếu người vi phạm các hành vi có mức phạt 6 triệu đồng nói trên mà không chấp hành lệnh dừng xe của người thi hành công vụ, chống người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn sẽ bị phạt 12 triệu đồng và tước GPLX không thời hạn.

Tránh trường hợp tụ tập cổ vũ đua xe, Nghị định 34 quy định phạt 3 triệu đồng đối với hành vi cổ vũ, kích động đua xe trái phép, cản trở hoặc chống người thi hành công vụ. Người đua mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép sẽ bị phạt 15 triệu đồng, tịch thu xe, tước GPLX không thời hạn; người đua xe mà cản trở hoặc chống người thi hành công vụ sẽ bị phạt 35 triệu đồng, tịch thu xe, tước GPLX không thời hạn và tổ chức đua xe trái phép bị phạt 35 triệu đồng.

Hiện PC26 đang triển khai tập huấn cho lực lượng CSGT của Công an TP.HCM quán triệt tinh thần Nghị định 34 để chuẩn bị thực hiện. 

Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên ô tô và các loại xe tương tự ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

Một số chi tiết trong quy định mới: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm việc chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước; Điều khiển xe chạy tốc độ thấp mà không đi về bên phải phần đường xe chạy. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau: Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với hành vi đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi ngược chiều của đường một chiều; trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông. Tùy theo mức độ mà có thể phạt đến 6.000.000 đồng đối hành vi chạy quá tốc độ, có nồng độ cồn trong máu vượt quá quy định. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường; bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn, điều khiển xe không có giấy đăng ký xe, đăng ký rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc theo quy định; không gắn biển số (nếu có quy định phải gắn biển số); không có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (nếu có quy định phải kiểm định) hoặc có nhưng đã hết hạn (kể cả rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc). Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi gây tai nạn hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống người thi hành công vụ.

Người đi bộ vi phạm cũng bị xử phạt.

Cụ thể, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi: không đi đúng phần đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông.

Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi: Vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.

Đàm Huy - Lê Nga - Minh Sang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.