Phát thanh viên của người khiếm thị

16/07/2010 04:17 GMT+7

Vào dịp nghỉ hè, nhiều bạn trẻ ở TPHCM làm phát thanh viên hay nói chính xác hơn là đọc thu âm làm sách nói cho người khiếm thị. Đây là dự án của Trung tâm tin học vì người mù Sao Mai (TT Sao Mai) thuộc Hội cứu trợ trẻ em tàn tật TPHCM.

Trong phòng cách âm của TT Sao Mai ở đường Văn Chung, Q.13, nhiều phát thanh viên trẻ đang chăm chú đọc tài liệu và chỉ giải lao vài phút sau khi đọc hàng chục trang.

Phát thanh viên Trần Thụy Thảo Nguyên, sinh viên (SV) lớp kinh doanh quốc tế 3, khóa 33, ĐH Kinh tế TPHCM, quê ở Bình Long (Bình Phước), tâm sự: “Từ nhỏ đã mơ ước làm phát thanh viên nên khi biết tin, em đăng ký ngay. Đây còn là công việc nhân đạo và giúp em có thêm kiến thức”.

Phát thanh viên Lê Văn Hữu Phú, SV năm nhất lớp tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TPHCM, quê ở Mỹ Tho (Tiền Giang). Gia đình khó khăn nên Phú thường đi làm thêm. Làm phát thanh viên thu nhập không cao bằng những việc khác, nhưng Phú quyết tham gia với suy nghĩ đây là việc nhân đạo.

Theo phát thanh viên Phạm Thành Trung, SV năm thứ 3 lớp tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TPHCM, đọc thu âm là công việc rất kén người nên chỉ những bạn trẻ có chất giọng phù hợp mới được tham gia.

Bà Phương Thị Thơm, phụ trách TT Sao Mai, cho biết sau khi thử giọng, TT đã chọn được 12 SV. Dự án thứ nhất làm sách nói cho người khiếm thị đến hết bậc học phổ thông đạt kết quả tốt. Trước nhu cầu học tập nâng cao của người khiếm thị, TT Sao Mai tiếp tục làm dự án thứ 2 với chương trình bậc ĐH nên cần nhiều SV.

Thử làm phát thanh viên

Mới nghe qua nhiều người tưởng đây là công việc dễ làm. Tôi cũng thử làm phát thanh viên. Chọn cuốn giáo trình ĐH dày gần 200 trang, tôi bắt đầu buổi làm việc đầu tiên. Ngồi phòng cách âm, tôi thấy người nôn nao vì cảm giác mình là phát thanh viên.

Tay cầm micro, ngồi trước máy tính, tôi bắt đầu đọc. Được khoảng 30 trang, mắt tôi bắt đầu hoa lên. Lúc đầu, tôi đọc trôi chảy, dần dần bị vấp và phải đọc lại nhiều lần. Sau gần 40 trang, bà Thơm vào kiểm tra máy, mới biết tôi đụng vào đâu đó khiến máy ngừng thu âm từ lâu, còn đoạn đầu không đạt.

Ngoài chất giọng, bạn trẻ còn phải sử dụng thành thạo máy tính và máy thu âm mới có thể hoàn thành công việc. Sau phần đọc thu âm, bạn phải tự biên tập, chỉnh sửa file thu âm cho hoàn chỉnh.

Bà Thơm cho biết dự án kéo dài 2 năm. Mỗi tuần, các bạn SV làm việc 3 buổi, mỗi buổi 4 giờ (2 giờ đọc thu âm, 2 giờ biên tập). Là dự án nhân đạo nên mỗi buổi làm việc, TT Sao Mai chỉ có thể bồi dưỡng 50 nghìn đồng cho một bạn SV. 

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.