Phát triển công nghiệp ở Bình Dương như nào khi trở thành thành phố trực thuộc T.Ư?

12/08/2024 16:00 GMT+7

Đến năm 2030 Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc T.Ư, công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, chú trọng vào hiện đại hóa các ngành hiện hữu và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao…

Theo quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, đến giai đoạn này công nghiệp Bình Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, chú trọng vào hiện đại hóa các ngành hiện hữu, tăng tỷ lệ nội địa hóa ở các ngành công nghiệp hỗ trợ và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như: máy móc, thiết bị công nghiệp; thiết bị điện tử viễn thông; điều khiển từ xa…

Phát triển công nghiệp ở Bình Dương như nào khi trở thành thành phố trực thuộc T.Ư?- Ảnh 1.

KCN VSIP 3 tại Bình Dương đã được thành lập và khởi công xây dựng

Ảnh: Đ.T

Trong đó, Bình Dương cũng sẽ phát triển công nghiệp sinh thái, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế.

Thành lập mới hàng chục KCN

Hiện tại, Bình Dương đang có 33 KCN (29 KCN đã thành lập và 4 KCN đang chuẩn bị đầu tư), theo quy hoạch đến năm 2050 Bình Dương sẽ có 42 KCN với tổng diện tích từ 18.600ha - 21.000ha.

Phát triển công nghiệp ở Bình Dương như nào khi trở thành thành phố trực thuộc T.Ư?- Ảnh 2.

KCN Tân Bình (H.Bắc Tân Uyên) đang hoạt động

Ảnh: Đ.T

Trong giai đoạn 2031-2050, Bình Dương tập trung hoàn thiện đầu tư hạ tầng, lấp đầy các KCN đã được thành lập và bổ sung từ 5-6 KCN mới và chuyển đổi toàn bộ hoặc chuyển đổi một phần 7 KCN gồm: KCN Bình An, Tân Đông Hiệp A, Tân Đông Hiệp B, Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Đồng An, Việt Hương

Phát triển công nghiệp ở Bình Dương như nào khi trở thành thành phố trực thuộc T.Ư?- Ảnh 3.

KCN Đất Cuốc thuộc địa bàn H.Bắc Tân Uyên

Ảnh: Đ.T

Các KCN Bàu Bàng 3, KCN Bàu Bàng 4, KCN Bắc Tân Uyên 2, KCN Dầu Tiếng 1A, KCN Dầu Tiếng 5, KCN Bắc Tân Uyên 4, dự kiến có bố trí quỹ đất để phục vụ công tác di dời công nghiệp ở phía Nam của tỉnh.

Bình Dương cũng đề xuất thực hiện 2 KCN theo mô hình công viên khoa học công nghệ (KCN Lai Hưng và KCN Bình Dương Riverside) và 1 KCN chuyên ngành cơ khí (KCN Bắc Tân Uyên 1).

Đối với các KCN mới thành lập bên cạnh loại hình KCN đa ngành nghề sẽ ưu tiên phát triển theo hướng KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN sinh thái và KCN công nghệ cao.

Phát triển cụm công nghiệp

Đến năm 2030, trên địa bàn có 32 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích khoảng 2.200ha. Định hướng chuyển đổi 03 CCN hiện trạng (Bình Chuẩn, An Thạnh, Tân Đông Hiệp) và 1 CCN Phước Hòa chưa triển khai không còn phù hợp đưa ra khỏi quy hoạch.

Phát triển công nghiệp ở Bình Dương như nào khi trở thành thành phố trực thuộc T.Ư?- Ảnh 4.

Một CCN trên địa bàn H.Phú Giáo đang được hình thành

Ảnh: Đ.T

Đến năm 2050 có khoảng có 40-45 CCN với tổng diện tích khoảng 3.000ha (trong đó giai đoạn 2031-2050 thành lập mới 10-15 CCN với tổng diện tích khoảng 700ha).

Hiện nay, Bình Dương đang có 7 CCN đã thành lập bao gồm: CCN Tân Mỹ (H.Bắc Tân Uyên); CCN Thành Phố Đẹp, Uyên Hưng, Phú Chánh 1, Tân Hiệp (TP.Tân Uyên); CCN Thanh An (H.Dầu Tiếng); CCN Tam Lập 1 (H.Phú Giáo) và CCN Tân Thành (TP.Thuận An).

Trong giai đoạn 2031-2050, Bình Dương dự kiến thành lập mới các CCN gồm: CCN Tân Định 1,2,3,4,5 và CCN Tân Mỹ 2,3 (H.Bắc Tân Uyên); CCN An Lập 1,2,3, CCN Định Hiệp 1,2, CCN Thanh An 1,2,3 và CCN Long Tân (H.Dầu Tiếng); CCN An Bình 1,4,7 (H.Phú Giáo)… và còn hàng chục CCN khác tập trung trên các địa bàn H.Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.