Phát triển Hải quân bảo vệ chủ quyền

05/08/2011 01:30 GMT+7

Thăm tàu phóng lôi Nhân kỷ niệm 47 năm ngày truyền thống đánh thắng trận đầu (5.8.1964 - 5.8.2011) của Hải quân nhân dân VN, Phó đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (ảnh), đã trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên.

Tàu tên lửa Vùng 4 Hải quân huấn luyện trên biển - Ảnh: Hải Đăng

Ông đánh giá như thế nào về quyết tâm sẵn sàng chiến đấu cũng như năng lực tác chiến thực tế của Hải quân VN trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc hiện nay? Việc mua sắm trang bị vũ khí cho Hải quân vừa qua đã góp phần như thế nào vào nâng cao tiềm lực quốc phòng đất nước?

VN là đất nước có bờ biển dài, kinh tế biển chiếm tỷ lệ quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Do đó, phát triển Hải quân để bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển và đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế là một trong những ưu tiên của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân VN.

Phó đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Hiện nay, kinh tế VN đã phát triển và có nguồn dự trữ, do vậy cùng một số quân, binh chủng khác như Phòng không - Không quân, Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử... Hải quân cũng đã và đang được đầu tư trang bị để đảm bảo đủ mạnh đánh bại mọi âm mưu xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, biển đảo VN. Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng chính sách quốc phòng của VN là hòa bình và tự vệ. Dù có trang bị, mua sắm thêm vũ khí cũng là nhằm mục tiêu đó.

Hiện Hải quân VN đã và đang mua sắm, trang bị một số tàu ngầm, máy bay và các loại tàu tuần tiễu, tàu chiến và tên lửa bờ biển. Hải quân VN không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu để có đủ khả năng hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích quốc gia trên biển của VN. Đồng thời sẵn sàng hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng khác trong lực lượng vũ trang nhân dân nhằm đánh bại mọi cuộc tiến công xâm lược trên biển.

Nhà nước ta khẳng định công cuộc hiện đại hóa quân đội VN chỉ mang tính tự vệ và được tiến hành phù hợp khả năng kinh tế của đất nước. Đây có phải là thách thức đối với quân đội, Hải quân VN trong nhiệm vụ nắm bắt kịp trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật quân sự tiên tiến trên thế giới?

VN chủ trương từng bước hiện đại hóa quân đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng chỉ nhằm duy trì sức mạnh quân sự ở mức cần thiết để tự vệ; không đe dọa hoặc sử dụng sức mạnh quân sự trong quan hệ quốc tế, nhưng sẵn sàng và kiên quyết giáng trả mọi hành động xâm lược.

Tiềm lực đất nước còn hạn chế, nên không thể một lúc trang bị đủ ngay cho quân đội và Hải quân. Song quân đội và Hải quân nhân dân VN đã, đang và sẽ nỗ lực hết mình để sử dụng hiệu quả nhất những gì mà Đảng, Nhà nước, nhân dân trang bị.

Mỗi quốc gia đơn độc không thể tự giải quyết được những vấn đề an ninh mang tính khu vực và toàn cầu. Vì vậy, hợp tác là yêu cầu tất yếu đối với mọi quốc gia.

Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN (ACNM) lần thứ 5 diễn ra tại Hà Nội cuối tháng 7.2011 đã đánh giá sự hợp tác của Hải quân ASEAN trong những năm qua ngày càng được củng cố cả về chiều rộng, chiều sâu và mang tính thực chất cao hơn. Xin ông cho biết những yếu tố nào đã thúc đẩy xu hướng hợp tác này?

Tại Hội nghị ACNM-5 vừa qua, Hải quân các nước ASEAN đều đồng thuận đánh giá rằng sự hợp tác của Hải quân ASEAN trong những năm gần đây đã được củng cố và phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và mang tính thực chất cao hơn. Theo tôi, có nhiều yếu tố thúc đẩy xu hướng hợp tác này:

Thứ nhất, hòa bình, hợp tác là xu thế chung trên toàn cầu hiện nay. Quốc gia nào cũng cần có hòa bình, ổn định để hợp tác phát triển đất nước mình.

Thứ hai, những thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống hiện có chiều hướng gia tăng ở các khu vực và trên thế giới, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế mỗi nước, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của các khu vực. Mỗi quốc gia đơn độc không thể tự giải quyết được những vấn đề an ninh mang tính khu vực và toàn cầu. Vì vậy, hợp tác là yêu cầu tất yếu đối với mọi quốc gia.

Thứ ba, mục tiêu của Hải quân VN cũng như Hải quân tất cả các nước ASEAN là mong muốn đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở khu vực, góp phần vào xây dựng thành công Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN vào 2015.

Thứ tư, đây cũng là kết quả của sự nỗ lực thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương giữa Hải quân các nước ASEAN trong những năm vừa qua và nó được tăng cường qua 4 lần gặp gỡ, tương tác Hải quân ASEAN trước đây từ 2001 đến 2010.

Hoàng Sa - Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà nhiều thế hệ ngư dân, lính biển thuộc các triều đại, chính thể liên tiếp đã kiên cường bảo vệ qua hàng trăm năm. Ông nghĩ gì về ý kiến cần có sự ghi nhận và tôn vinh xứng đáng với tất cả những người VN đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia?

Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc VN XHCN. Dân tộc ta trải qua các thời kỳ, các chế độ chính trị khác nhau đã chấp nhận hy sinh, kiên cường giữ gìn, bảo vệ một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Theo tôi, đây thuộc về vấn đề lịch sử, chúng ta cần trân trọng và ghi nhận những thành quả mà các thế hệ đi trước đã gìn giữ phần lãnh thổ thiêng liêng đó.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng  - Ảnh: Hải Đăng

Thăm tàu phóng lôi

Ngày 2.8.1964, ba chiếc tàu phóng lôi của Hải quân VN tạo nên kỳ tích bắn bị thương tàu khu trục Maddox tại vùng biển Thanh Hóa.  Đúng 47 năm sau, chúng tôi bước xuống tàu phóng lôi hiện đại của Hải đội 135 anh hùng.

47 năm trước, ba tàu 333, 336, 339 thuộc Phân đội 3 - Tiểu đoàn 135 được lệnh xuất phát đánh tàu khu trục hiện đại của Mỹ xâm phạm vùng biển VN, làm nên chiến thắng trận đầu oanh liệt. Từ đó, ngày mùng 2 và 5 tháng 8 trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận của Quân chủng Hải quân. Hôm nay, trước mắt chúng tôi là một hải đội tàu với khí tài hiện đại và những con người trẻ trung, tự tin luôn cháy bỏng quyết tâm sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc.

Theo chân thượng tá Nguyễn Đăng Đại, Phó chính ủy Lữ đoàn 170, chúng tôi bước xuống tàu HQ 306, Hải đội 135, Lữ đoàn 170. Một hàng quân đứng đều tăm tắp xếp hàng trên boong giơ tay chào. Những khuôn mặt quá trẻ, với hàm thiếu úy, trung úy trên vai nhưng đôi mắt và làn da đã ánh lên sự rắn rỏi của những người con vùng biển.

Hú hu hu... tiếng còi hơi báo động cất lên. Đại úy, thuyền trưởng Đỗ Xuân Chung đứng trên đài chỉ huy ra khẩu lệnh: “Toàn tàu báo động chiến đấu cấp 1”. Ngay lập tức, cả con tàu rùng rùng chuyển động, tiếng người chạy rầm rập trên boong. 30 giây sau, các vị trí đã sẵn sàng. 4 chiến sĩ ngay lập tức tiếp cận 4 ống phóng ngư lôi dài cả chục mét nằm bên thành tàu, 1 chiến sĩ phóng như bay vào vị trí giá tên lửa.

Chỉ vào chiếc lẫy khóa màu đỏ, trung úy Nguyễn Văn Hiển, Phó thuyền trưởng quân sự, giải thích: “Đây là hỏa lực mạnh nhất của tàu, một quả ngư lôi bắn ra trúng mục tiêu có thể khiến một tàu chiến hàng ngàn tấn tan tành”.

Đứng trên boong tàu, tôi ngạc nhiên khi thấy không một pháo thủ nào đứng trong tháp pháo, nhưng pháo AK 2-30 vẫn vươn nòng hướng lên bầu trời xanh.

“Ngày xưa các bác, các chú phải dùng tay để quay pháo, nhưng bây giờ, với con tàu này, chúng em chỉ cần ngồi trong ca-bin điều khiển, radar trên tàu sẽ tự tìm mục tiêu và truyền tín hiệu về pháo”, trung úy Phạm Hữu Doanh, Trưởng ngành hỏa lực, cho biết. Doanh nói thêm: “Với tốc độ hơn 1.000 phát/phút, khẩu pháo này sẽ tạo thành một lưới lửa để tiêu diệt các loại phương tiện tiến công đường không tầm thấp của địch. Ngay cả tên lửa hành trình cũng bị tiêu diệt nếu bay vào phạm vi vài km tính từ tàu này”.

Cách đây nửa thế kỷ, các bậc cha, chú đã lên đường chiến đấu chỉ với một lòng dám đánh và quyết đánh. Ngày nay, những sĩ quan, chiến sĩ trẻ trên con tàu hiện đại không chỉ dám đánh, quyết đánh mà còn có cơ sở để tự tin sẽ đánh thắng kẻ thù nếu chúng dám xâm phạm vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Sẵn sàng đánh bại kẻ thù

Không chỉ rèn luyện chăm chỉ, giữ tốt, dùng bền vũ khí, khí tài, những sĩ quan trẻ còn biết sáng tạo, cải tiến thiết bị để phục vụ công tác đào tạo lớp đàn em.

Anh em trong Hải đội 135 còn nhắc đến trung úy Nguyễn Ngọc Tiến, người sáng tạo ra mô hình mô phỏng hệ thống điều khiển bắn ngư lôi MR 102 phục vụ công tác huấn luyện. Với mô hình này, cán bộ chiến sĩ có thể thực tập quan sát, điều khiển pháo, ngư lôi một cách trực quan trên màn hình máy tính. Hay công trình của Nguyễn Hải Đại, anh đã sáng tạo ra mô hình mạch bắn ngư lôi để các anh có thể “mổ bụng” cả hệ thống vũ khí phức tạp, tập cách điều khiển ngư lôi trong mọi tình huống chỉ bằng những nút bấm và cú nhấp chuột trên máy vi tính, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, làm chủ vũ khí trang bị của cán bộ chiến sĩ.

Nói về khả năng sẵn sàng chiến đấu, thượng tá Nguyễn Đăng Đại, Phó chính ủy Lữ đoàn 170, khẳng định: “Với trang thiết bị, khí tài hiện tại, đặc biệt là với những sĩ quan trẻ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, chúng tôi tự tin khẳng định rằng đơn vị luôn sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao để chiến thắng kẻ thù, bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo, thềm lục địa phía bắc của Tổ quốc”.

Thượng tá Đại nhìn về phía những chiến sĩ trẻ với đôi mắt tràn đầy tình yêu thương và tin tưởng. Ngoài xa kia, ở vùng biển Hòn Mê, cửa Ba Lạt, gần nửa thế kỷ trước, máu của chiến sĩ đã hòa cùng nước biển để làm nên kỳ tích chiến thắng trận đầu. Chiến công ấy như ngọn hải đăng trên biển, luôn soi đường và tiếp thêm sức mạnh cho chiến sĩ trẻ hôm nay làm chủ khí tài để bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Tàu hải quân luôn sẵn sàng chiến đấu - Ảnh: Xuân Cường

Káp Thành Long

Nguyên Phong (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.