Phát triển kinh tế biển: Cảng nước sâu “lên ngôi”

18/11/2008 10:29 GMT+7

Sau dự án nạo vét luồng Soài Rạp để mở cảng nước sâu ở Nhà Bè-TPHCM, nghiên cứu đào kênh Quan Chánh Bố để đưa tàu biển lớn vào ĐBSCL đã được triển khai hồi đầu năm 2008, trong những ngày gần cuối năm này, Chính phủ đã cho phép Tập đoàn Formasa Plastic của Đài Loan (Trung Quốc) nghiên cứu xây dựng cảng nước sâu Sơn Dương ở tỉnh Hà Tĩnh.

Động lực cho Hà Tĩnh

Cảng nước sâu Sơn Dương nằm ở vùng biển của tỉnh Hà Tĩnh. Phía Bắc của cảng là vịnh Vũng Áng, phía Nam là đảo Sơn Dương nên cảng mới có tên là cảng Sơn Dương. Đây là công trình do Tập đoàn Formasa Plastic của Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư với số vốn (giai đoạn 1) lên tới 8 tỷ USD và giai đoạn 2 là 16 tỷ USD - một trong những dự án FDI lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay. Ngoài cảng nước sâu với gần 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu lên đến 30 vạn tấn, nơi đây còn có nhà máy gas, nhà máy sản xuất thép mà khi hình thành sẽ là một động lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế Hà Tĩnh và các địa phương lân cận.

Những ngày đầu tháng 11-2008, theo chân những tư vấn của Công ty cổ phần Tư vấn Cảng-Kỹ thuật biển (Port Coast) - đơn vị được Tập đoàn Formasa Plastic chọn làm tư vấn chính thực hiện công việc khảo sát địa chất, địa hình, khí tượng thủy văn và làm thiết kế cảng nước sâu Sơn Dương, chúng tôi đã đến Hà Tĩnh. Bước chân lên thuyền để ra các trạm đo sóng, mực nước, dòng chảy của Port Coast nằm giữa biển, chúng tôi thấy… run.

Thuyền tròng trành, gió to, sóng mỗi lúc mỗi lớn và mưa mỗi lúc mỗi nặng hạt. Thuyền đến các trạm cũng là lúc chúng tôi… đầu muốn nổ tung, mắt không thể mở nổi vì choáng và tất cả đều say sóng nằm “bẹp dí” trên sàn thuyền! Những gì chúng tôi còn biết được lúc ấy chỉ là những tiếng hò reo mừng vui của các kỹ sư Port Coast ở trạm khi thấy có tàu chở hàng tiếp tế đến.

Theo anh Trần Văn Chung, Giám đốc Văn phòng điều hành của dự án Formasa Plastic Hà Tĩnh, để có các thông số cần thiết cho việc lập dự án, Port Coast đã phải xây dựng 4 trạm đo thủy hải văn, 3 trạm đo sóng, 1 trạm đo mực nước và 1 trạm đo gió ở vùng biển Sơn Dương. Tuỳ theo yêu cầu, các trạm sẽ có thời gian hoạt động tương ứng. Với các trạm đo sóng là 1 năm, đo gió cũng 1 năm, đo mực nước thì chỉ cần 6 tháng…

Các trạm này phải hoạt động liên tục, bất kể mưa, bão, ngày hay đêm. Không phải ngẫu nhiên mà Port Coast quy tụ rất nhiều kỹ sư trẻ, bởi chỉ có họ mới có thể bám trụ kiên trì trên biển trong một thời gian dài như vậy. Sự có mặt của Port Coast ở dự án của tập đoàn Formasa Plastic cũng là một niềm tự hào. Vượt qua nhiều tư vấn nước ngoài, Port Coast - tư vấn trong nước, đã trở thành nhà tư vấn chính lập dự án xây dựng cảng nước sâu cho Formasa Plastic - một trong những tập đoàn lớn của thế giới.

Điều này chứng tỏ đội ngũ trí thức trẻ, đặc biệt trong lĩnh vực cảng biển của Việt Nam, đã đủ sức chung vai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế biển mà Đảng và Nhà nước ta đang quyết liệt triển khai. Những kết quả nghiên cứu bước đầu của Port Coast cho thấy, vùng biển xây dựng cảng Sơn Dương với độ sâu tự nhiên 12m-20m, ít bị bồi lắng, hoàn toàn đủ điều kiện để xây dựng cảng nước sâu quy mô.

Thương hiệu cảng Sài Gòn và luồng gió mới

Theo kế hoạch đã được UBND TPHCM chấp thuận vào dịp khai trương luồng tàu biển trên sông Soài Rạp, cuối tháng 11 này, chủ đầu tư dự án là Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) cùng tư vấn Port Coast sẽ tiến hành nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2. Trong giai đoạn 2, luồng Soài Rạp sẽ được nạo xuống 12m để có thể đón tàu 5 vạn tấn đầy tải và 7 vạn tấn giảm tải (có lợi dụng thủy triều) ra vào.

Mở luồng tàu biển trên sông Soài Rạp song hành với phát triển cảng nước sâu ở Cái Mép-Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là một quyết định đúng đắn của Chính phủ. Với hơn 300 năm hình thành và phát triển, Sài Gòn-TPHCM gắn liền với các hoạt động kinh thương, trong đó hệ thống cảng biển ở Sài Gòn có một vai trò đặc biệt quan trọng. Do vậy, tiếp tục phát triển cảng nước sâu ở TPHCM sau khi đã di dời hệ thống cảng Sài Gòn ra khỏi nội thành, là tạo mũi đột phá mạnh mẽ cho TPHCM có những điều kiện quan trọng nhất để phát triển.

Không chỉ có vậy, với hàng trăm năm hoạt động, hệ thống cảng biển Sài Gòn với tên gọi chung “cảng Sài Gòn” đã trở thành một địa chỉ thân quen của nhiều hãng tàu trên thế giới, đã trở thành thương hiệu chung cho toàn bộ hoạt động kinh thương bằng đường biển ở TPHCM. Truyền thống này chắc chắn sẽ bổ sung, hỗ trợ một cách tuyệt vời cho hệ thống cảng biển mới bắt đầu hình thành ở Cái Mép-Thị Vải.

Tạo đà cho ĐBSCL phát triển

Nếu không có gì thay đổi, ngày 24-11 tới đây, Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến các nhà khoa học về giải pháp cho tàu biển có trọng tải lớn vào ĐBSCL. Hiện có đến 3 luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này: nạo vét và sử dụng luồng Định An; nạo vét và sử dụng luồng Trần Đề và đào một kênh tắt nối từ kênh Quan Chánh Bố ra biển. Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng về cơ bản các nhà khoa học đều đồng tình với việc cần có ngay luồng tàu biển lớn vào ĐBSCL, vì nó là điều kiện rất quan trọng mang tính chất quyết định cho sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm này.

Sự cầu thị qua việc mở hội nghị lấy ý kiến các nhà khoa học, chứng tỏ Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc phát triển của ĐBSCL nói riêng và kinh tế biển Việt Nam nói chung. Ngoài 3 cảng nêu trên, Chính phủ cũng đã giao Bộ GTVT làm lại quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam theo hướng có sự phân công hợp lý hơn giữa các cảng, tận dụng tối đa lợi thế của từng vùng biển trong phát triển kinh tế của đất nước. Dự kiến, đến đầu năm 2009, bản quy hoạch này sẽ được hoàn thành.

Theo báo cáo giữa kỳ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng 2030 thì cảng Sơn Dương, khu bến cảng Hiệp Phước, Soài Rạp và nhóm cảng Cần Thơ (đang tìm phương án luồng) sẽ là các cảng đầu mối khu vực, có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

Nguồn: Port Coast, tư vấn thực hiện quy hoạch.

Theo Nguyễn Khoa / SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.