Gia tăng nhu cầu sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Theo PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, hiện nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN), thực phẩm bảo vệ sức khỏe (BVSK) liên tục tăng. Nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 60 sản phẩm thực phẩm chức năng của 15 cơ sở nhập khẩu vào VN thì đến nay cả nước đã có tới 3.600 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 6.800 sản phẩm đang lưu hành.
Tuy nhiên, một thực tế là nhiều doanh nghiệp biến mặt hàng này thành đa cấp, bất chính, khiến ngành TPCN bị biến tướng. Bên cạnh đó, lợi dụng kẽ hở, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN đã đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, mất niềm tin với người tiêu dùng.
PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế cho biết, quản lý thực phẩm chức năng sẽ tiếp tục được quan tâm đặc biệt tại VN với phương thức quản lý hiện đại, chính sách quản lý vừa đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, vừa kiểm soát chặt chẽ chất lượng, đồng thời hài hòa với các quy định quốc tế. Công tác quản lý hướng tới mục tiêu xây dựng ngành TPCN của VN trở thành ngành kinh tế - y tế chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
“Tới đây từ 1.7. 2019 bắt buộc các đơn vị sản xuất TPCN/TPBVSK phải đạt chuẩn GMP sẽ đảm bảo kiểm soát chất lượng toàn diện. Cùng với đó là chú trọng phát triển nguồn nguyên liệu có chất lượng cao về hoạt chất và được nuôi trồng theo quy trình chuẩn để đảm bảo nguyên liệu sản xuất đạt chuẩn đem lại chất lượng tối đa cho người dùng”, ông Phong khẳng định.
Phát triển TPCN từ dược liệu Việt Nam
|
Các năm qua, ngành y tế đã tổng hợp được danh mục các loài cây thuốc từ cộng đồng các dân tộc và thu thập, sưu tầm được gần 1.300 bài thuốc dân gian trên cả nước. Tri thức bản địa phong phú về dược thảo và sử dụng dược thảo trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe được lưu truyền qua nhiều thế hệ là di sản phi vật thể nhằm hỗ trợ cho việc sàng lọc, nghiên cứu phát triển sản phẩm phục vụ cho bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.
PGS Truyền cho biết, sau gần 30 năm thực hiện, công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn dược thảo đến nay, ngành y tế đã duy trì mạng lưới bảo tồn nguồn gene tại 7 vùng sinh thái gồm: Vùng đồng bằng Sông Hồng (Hà Nội), vùng trung du phía Bắc (Tam Đảo), vùng núi cao phía Bắc (Lào Cai), vùng Bắc Trung bộ (Thanh Hóa), vùng Tây Nguyên (Đà Lạt), vùng Duyên hải Nam Trung bộ (Phú Yên) và vùng Đông Nam bộ (Thành phố Hồ Chí Minh). Ngành y tế đã lưu giữ và bảo tồn 1.531 nguồn gene thuộc 884 loài cây thuốc tại 7 vườn cây thuốc thuộc các đơn vị... Đặc biệt, hiện đã có 11 cây dược liệu được trồng theo nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” (GACP-WHO), bao gồm: Trinh nữ hoàng cung, actiso, bìm bìm biếc, rau đắng đất, đinh lăng, diệp hạ châu đắng, cỏ nhọ nồi, tần dày lá, dây thìa canh, chè dây và kim tiền thảo.
“Chúng ta có nguồn dược liệu phong phú, nhiều vùng trồng nguyên liệu hình thành đó là điều kiện để các đơn vị sản xuất cùng các nhà khoa học triển khai nghiên cứu cho ra đời các sản phẩm bảo vệ sức khỏe có chất lượng tốt. Các sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, sản phẩm nội còn hướng đến xuất khẩu”, ông Phong đánh giá.
Bình luận (0)