Theo các chuyên gia, hiện nay dòng tiền của nhà đầu tư (NĐT) cá nhân, từ các doanh nghiệp (DN) tham gia nhiều vào thị trường chứng khoán (TTCK) một phần do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, hoạt động sản xuất bị đình trệ nên xuất hiện lượng tiền nhàn rỗi tạm thời. Nhưng khi kinh tế phát triển trở lại thì có thể dòng tiền này lại rút ra đưa vào sản xuất. Khi đó, thị trường lại ảm đạm thì DN sẽ khó huy động vốn như nhiều giai đoạn trước đây. Hơn nữa, để đóng vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế thì hiện nay quy mô của thị trường trong nước vẫn còn khá khiêm tốn.
Thị trường chứng khoán liên tiếp lập kỷ lục thời gian gần đây, đang trở thành kênh đầu tư thu hút nhiều người dân tham gia |
Ngọc Thắng |
GS-TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng TTCK VN vẫn chưa phải là kênh dẫn vốn chính cho nền kinh tế, vẫn còn xa với mục tiêu đề ra của Chính phủ. Hiện nay, kênh tạo vốn chính của nền kinh tế vẫn là hệ thống ngân hàng (NH). Các DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hay có những dự án đầu tư lớn vẫn chưa nghĩ đến việc lên huy động vốn thông qua TTCK. Do đó, để phát triển TTCK thật sự thành kênh dẫn vốn chính, có thể song hành với hệ thống NH thì có nhiều việc phải làm. Trong đó, định hướng của Chính phủ đang đi đúng là phát triển kênh trái phiếu, bởi khi DN cần nguồn vốn đầu tư dài hạn thì vẫn ưu tiên huy động vốn bằng trái phiếu vì có hiệu quả hơn thông qua vốn cổ phiếu. Chính phủ cần đa dạng hơn nữa các chính sách khuyến khích, phát triển trái phiếu DN, không chỉ là trái phiếu của DN bất động sản như vừa qua mà của DN thuộc nhiều ngành nghề khác. Đồng thời, thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm DN để minh bạch thông tin, kiểm soát rủi ro đối với NĐT tham gia. Ngoài ra, đối với thị trường cổ phiếu cũng phải thúc đẩy vấn đề minh bạch thông tin, gia tăng uy tín của thị trường để ngày càng phát triển hơn.
Còn theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CK Đông Á, việc phát triển thị trường trái phiếu DN là cần thiết vì có sự tham gia nhiều của các NH, công ty bảo hiểm với lượng vốn lớn. Nhưng thị trường cổ phiếu khi phát triển cũng sẽ ngày càng quan trọng. Do đó, ngoài việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch hơn nữa việc công bố thông tin, giao dịch trên TTCK thì Chính phủ vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc cổ phần hóa DN, thoái vốn nhà nước. Đồng thời, xúc tiến nhanh việc đưa các DN nhà nước sau cổ phần hóa lên niêm yết và giao dịch trên sàn CK. Việc bán phần vốn nhà nước ở nhiều DN thời gian qua đã thu hút thêm dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, cổ phiếu của nhiều DN mới tham gia trên sàn sẽ tạo ra sự sôi động nhiều hơn khi có thêm sự tham gia của cổ đông cũ và mới của chính các DN này. Khi đó, nền kinh tế tăng trưởng trở lại, có thể dòng tiền tham gia hiện nay trên TTCK từ các DN, công ty bảo hiểm... sẽ quay trở lại hoạt động kinh doanh sản xuất. Nhưng bù lại, thị trường sẽ có dòng vốn ngoại quay trở lại khi kinh tế VN phát triển ổn định như trước đây và cùng với dòng vốn của NĐT trong nước vẫn tiếp tục thúc đẩy quy mô TTCK phát triển, thành kênh huy động vốn cho rất nhiều DN.
Bình luận (0)