Cơ quan điều tra xác định tổ CSGT bị quay phim không nhận hối lộ, nhưng họ cũng phải góp tiền “chung” cho nhóm giả danh này vì sợ hình ảnh bị đưa lên mạng.
Hôm qua TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 4 bị cáo giả danh nhà báo tống tiền CSGT. Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên phạt 6 năm tù đối với Ngô Quốc Bảo (25 tuổi, ngụ Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng), 5 năm 6 tháng tù đối với Đinh Ngọc Trung (29 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM), 2 năm 6 tháng tù đối với Huỳnh Ngọc Thọ (28 tuổi, ngụ Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) và 2 năm tù đối với Trương Quốc Vũ (26 tuổi, ngụ Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng), cùng về tội “cưỡng đoạt tài sản”. Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên buộc các bị cáo liên đới bồi thường 120 triệu đồng cho phía bị hại.
|
Quay phim để tống tiền
Theo cáo trạng, lúc 6 giờ ngày 19.4.2010, các bị cáo chọn ngôi nhà bỏ hoang ở gần QL1A (tại Km 876+300, thuộc xã Lộc Thủy, H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế), dùng máy quay bí mật quay lại cảnh làm nhiệm vụ của tổ tuần tra thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67) Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tổ này gồm 5 người do trung tá Nguyễn Ngọc Vinh làm tổ trưởng.
|
Ngay hôm sau, các bị cáo gửi một phong bì chứa USB ghi lại các hình ảnh trên cho trung tá Phan Văn Phong, cũng thuộc PC67 của Công an Thừa Thiên-Huế. Bên trên phong bì ghi tên Quocphong và số điện thoại di động 01203920435. Sau đó, bì thư được chuyển cho trung tá Nguyễn Ngọc Vinh. Đến 20 giờ cùng ngày, trung tá Vinh liên lạc với số điện thoại 01203920435 thì gặp Đinh Ngọc Trung và bị Trung đe dọa bằng cách mạo danh: “Tôi là Quốc Phong, công tác ở Báo Thanh Niên. Các anh xem hình có đẹp không? Chừ ý các anh thế nào? Muốn tôi đưa lên mạng, lên báo hay đưa cho trưởng phòng”. Sau đó, tổ CSGT bị quay phim đã góp mỗi người 24 triệu đồng, tổng cộng 120 triệu đồng để nộp cho nhóm của Trung.
Sau khi nhận tiền, chiều 23.4.2010 nhóm của Trung tiếp tục đòi thêm 120 triệu đồng. Bị từ chối, chúng thuê người gửi đến hình ảnh và đe dọa, thúc giục PC67 - Công an Thừa Thiên-Huế chuyển tiền. Nhận thấy vụ việc trở nên phức tạp, tổ tuần tra của trung tá Vinh đã chủ động báo cáo cấp trên.
Ngày 5.8.2012, Cơ quan CSĐT - Công an Thừa Thiên-Huế khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trung, Vũ và Thọ về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”. Riêng Bảo bỏ trốn về TP.HCM và mới bị bắt vào tháng 4.2013.
“Chung tiền để mong được yên thân”
Về phía những người bị hại, theo kết luận điều tra, những hình ảnh mà nhóm Trung dùng để tống tiền, cơ quan CSĐT đã xác minh từ nhiều nguồn, làm việc với các chủ xe, lái xe nhưng không có phản ánh về hành vi hối lộ. Vì vậy cơ quan điều tra kết luận không xác định được tổ công tác có hành vi nhận hối lộ nên không có cơ sở để xử lý.
Tuy nhiên, 5 CSGT trong tổ của trung tá Vinh đã có sai phạm về quy trình khi làm nhiệm vụ nên bị kỷ luật hành chính và điều chuyển công tác. Theo HĐXX, những sai phạm của tổ CSGT trong quy trình tác nghiệp là: yêu cầu dừng nhiều phương tiện cùng một lúc, khi gặp tài xế CSGT không đưa tay chào, không trực tiếp đến phương tiện để kiểm tra; tài xế đến ôm người và bắt tay CSGT; CSGT ôm tài xế và hút thuốc lá…
Khi HĐXX chất vấn rằng: “đã biết các đối tượng là lưu manh, đe dọa tống tiền mà vẫn chung tiền; phải chăng là tiếp tay cho tội phạm?”, một CSGT tham gia tố tụng với tư cách người bị hại nói: “Vì chúng tôi có sai sót trong quy trình làm việc, nghĩ rằng nếu bị đưa các hình ảnh đó lên mạng thì cả 5 người sẽ bị kỷ luật nên góp tiền để mong được yên thân”.
Bùi Ngọc Long
>> Bị phạt vì giả danh nhà báo
>> 9 năm tù cho kẻ giả danh nhà báo
>> Xét xử vụ giả danh nhà báo để cưỡng đoạt tài sản
>> Giả danh nhà báo cưỡng đoạt tiền
>> Côn đồ giả danh nhà báo
>> Bắt kẻ giả danh nhà báo
Bình luận (0)