Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vừa đạt được thỏa thuận hỗ trợ phi quân sự cho lực lượng chống đối chính phủ tại Syria.
Kết quả trên được Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đưa ra tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân tại Hàn Quốc, theo AFP. Đây sẽ là tiền đề để các nước tham gia diễn đàn về tình hình Syria vào đầu tháng 4 có thể viện trợ thiết bị thông tin, liên lạc và dụng cụ y tế cho phe đối lập. Cho đến nay, Washington vẫn phản đối cung cấp vũ khí cho quân chống đối và ưu tiên giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria. Trong khi đó, Damascus nhiều lần khẳng định bạo lực là do “các phần tử cực đoan tấn công binh sĩ và dân thường”.
Phe chống đối ở Syria tuyên bố thành lập Hội đồng Quân sự quy tụ 2 lực lượng vũ trang lớn Quân đội Syria tự do (FSA) và nhóm quân sự do tướng Moustapha al-Cheikh lãnh đạo. Đây là bước tiến mới nhằm giải quyết tình trạng chia rẽ giữa các nhóm chống chính quyền. Chủ tịch Hội đồng Quân sự là ông al-Cheikh nhưng đại tá Riad Assaad, người đứng đầu FSA sẽ chỉ huy các chiến dịch.
Thành phố Homs của Syria tiếp tục bị quân đội pháo kích dữ dội vào cuối tuần - Ảnh: AFP |
Nhằm tìm ra giải pháp cho bất ổn tại Syria, vốn đến nay đã làm hơn 9.000 người chết, đặc phái viên của LHQ và Liên đoàn Ả Rập Kofi Annan đang có chuyến công du tại Nga và dự định sẽ đến Trung Quốc vào ngày 26.3. Ông Annan đã gặp Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Ngoại trưởng Sergei Lavrov. Theo tờ Le Nouvel Observateur, phía LHQ muốn thăm dò xem Moscow sẽ tạo áp lực lên Damascus đến mức nào trong nỗ lực chấm dứt khủng hoảng.
Nga và Trung Quốc đã 2 lần phủ quyết dự thảo nghị quyết về Syria của HĐBA LHQ và cáo buộc phương Tây có ý định thay đổi chế độ tại Syria. Ngược lại, Mỹ và EU không chấp nhận dự thảo lên án các biện pháp bạo lực của cả quân đội Syria lẫn lực lượng chống đối do Moscow và Bắc Kinh soạn thảo. Đến nay, Nga vẫn giữ quan điểm phải xem xét trách nhiệm của lực lượng chống đối đối với khủng hoảng tại Syria. Le Nouvel Observateur dẫn lời Cố vấn ngoại giao của Điện Kremlin Sergei Prikhodko nhận định sẽ không thể dập tắt được xung đột chừng nào phe đối lập còn nhận được “viện trợ vũ khí từ nước ngoài”.
Tuy nhiên, gần đây Nga cũng tỏ ra “mất kiên nhẫn” với đồng minh lâu năm khi chỉ trích Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã “quá chậm trễ” trong việc thực hiện các cải cách và cảnh báo nguy cơ khủng hoảng sẽ trở nên trầm trọng hơn. RIA-Novosti dẫn lời một quan chức của Moscow nhận định Tổng thống al-Assad đang trong tình trạng khó khăn và “khác với trước đây, hiện không còn ai nghĩ rằng ông ấy có thể tại vị thêm 10 năm nữa”.
Lan Chi
Bình luận (0)