Trong khi đó, với 60 trạm thu phí dọc đường quốc lộ, thì chỉ có thể dừng 24 trạm thu nộp ngân sách, còn với 24 trạm thu theo hình thức BOT thì vẫn tiếp tục… thu, để hoàn vốn đầu tư. Nghĩa là, người có xe ô tô các loại lưu hành sẽ phải vừa đóng phí theo giá xăng, vừa tiếp tục nộp phí khi qua trạm. Hai khoản thu chồng lên nhau.
Chưa hết. Với những người mua xăng không phải để chạy xe, nhất là nông dân mua xăng để chạy máy bơm nước chẳng hạn, thì quy định sẽ “hoàn tiền mua xăng” cho họ nghe rất giống với quy định “hoàn thuế thu nhập cá nhân” mà người trong diện hoàn thuế chẳng bao giờ nhận được tiền hoàn, vì phải qua những… 14 con dấu với bao chặng đường thủ tục nhiêu khê.
Nghĩa là, các cơ quan thu phí sẽ luôn nắm đằng chuôi, còn nhân dân thì nắm đằng… lưỡi. Không có khoản phí 1.000 đ/lít xăng, thì người dân, nhất là nông dân, hiện đã phải chịu hàng mấy chục loại phí khác nhau. Phí chồng lên phí, và nói theo dân gian, thì “đều là… phí cả”. Nhưng tiền dân phải nộp là “tiền tươi thóc thật”, không thể khác.
Với tất cả những khoản đóng góp hợp lý và vô lý ấy cho việc bảo trì đường bộ, thì câu hỏi mà người dân nêu ra là: đường bộ đã và sẽ được “bảo trì” tới đâu?
Chỉ đơn cử đường quốc lộ số 1, giới hạn trong đoạn từ Quảng Ngãi tới Đà Nẵng, thì hiện tại (và đã tồn tại hàng chục năm nay) có ít nhất là 4 cây cầu đang được làm lại (hoặc có ý định làm lại) nhưng chẳng biết bao giờ mới xong. Có vài cây cầu chỉ dài mấy chục mét, nhưng làm hàng dăm bảy năm vẫn chưa xong. Trong khi đó, những trạm thu phí dọc đường thì mỗi năm lại mọc thêm lên, trạm nào cũng “thu đủ” nhưng chi như thế nào thì chẳng ai biết. Với những cây cầu đang làm nham nhở, và những đoạn đường ổ gà ổ trâu, thì chỉ một ách tắc nhỏ đã kéo theo những dòng xe nối đuôi nhau chờ đợi, và quốc lộ 1 có thể bị tắc trong nhiều giờ.
Với 60 trạm thu phí dọc đường, không thể nói là không thu được kinh phí bảo trì đường bộ ngoài tiền ngân sách. Bây giờ, với mỗi năm gần ba nghìn tỉ đồng thu qua xăng, có thể cũng từng ấy tiền thu qua xe chạy dầu diesel, rồi cộng thêm mấy chục trạm thu phí BOT vẫn tồn tại chưa biết tới bao giờ, thì số tiền người dân phải góp cho việc tu sửa bảo trì đường bộ là không hề nhỏ.
Tôi không nghĩ người dân từ chối đóng các khoản lệ phí, nếu nó hợp lý và mang lại hiệu quả cho cộng đồng. Nhưng ngược lại, sẽ là gánh nặng vô lối nếu cứ dồn mọi khoản phí, cả hợp lý và bất hợp lý lên đầu người dân.
Thanh Thảo
Bình luận (0)