Nhiều lần tủi thân vì khách hiểu nhầm là "tài xế say xỉn", bác tài xế công nghệ Vũ Ngọc Định chỉ biết về tâm sự với gia đình, rồi lại tiếp tục bươn chải trên những cuốc xe để các con có được tương lai tươi sáng.
Grab Chu Dinh Nv 3-1
Vì con… phải chạy!
Chúng tôi hẹn gặp bác tài Vũ Ngọc Định sau ca chạy buổi sáng tại căn nhà nhỏ xíu trong con hẻm ở Q.Phú Nhuận. Đây là căn nhà do cha mẹ ông Định để lại cho 4 người con, hiện 1 người đã ra ở riêng, còn lại gia đình ông Định ở cùng 2 anh chị.
Căn nhà nhỏ với những mảng sơn tường bạc màu chất đầy đồ đạc của các thành viên. Không khí trong nhà khá ngột ngạt, ông Định đang nằm dài dưới sàn nhà nghỉ ngơi sau vài tiếng chạy xe buổi sáng. Thấy khách đến, ông tất tả lấy chiếc ghế nhựa, ngại ngùng mời chúng tôi ra ngoài đường ngồi cho thoáng.
Chỉ vào chiếc áo xanh Grab sờn màu, thủng lỗ và còn vết vá ở ngực áo, ông Định cho biết đã làm tài xế công nghệ gần 6 năm. Trước đó, ông đi bọc ghế sofa thuê, lương ba cọc ba đồng. Được người quen giới thiệu, ông mới đăng ký chạy xe công nghệ thử và gắn bó đến hôm nay.
"Thời gian đầu, tôi chạy GrabBike. Tới đón khách, nghe tôi chào là khách hỏi "chú xỉn hả?". Tôi giải thích là tôi bị tật nói ngọng, nhưng vì mặt cũng đỏ nên vẫn có khách không tin, hủy cuốc và đánh giá "tài xế say xỉn". Sau này, để tránh phải giao tiếp, tôi chuyển sang chạy GrabFood, xin phường cấp tờ giấy bị tật nói ngọng luôn", ông kể.
Không chỉ có tật nói ngọng, ông Định còn bị tiểu đường, nhồi máu cơ tim (đã đặt stent) nên thường chạy một chút buổi sáng và chạy chủ yếu từ tối tới khuya vì thời tiết mát mẻ, hạn chế tối đa giao tiếp.
"Bị khách hiểu lầm nhiều khi tôi cũng buồn, tủi thân, nhưng đây là công việc duy nhất tôi có thể làm ở tuổi này để lo thuốc men cho chính mình và nuôi 2 con. Giờ thằng lớn học năm cuối Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đang đi thực tập, thằng nhỏ học lớp 12, tôi phải làm để kiếm tiền lo cho các con học tới nơi tới chốn cho sau này bớt khổ", bác tài 64 tuổi chia sẻ.
Tần tảo mưu sinh
Tóc bạc trắng, gương mặt rám nắng của ông Định hiện lên rõ mồn một của cả một đời sương gió. Ngày qua ngày, lịch trình của người cha già chỉ có đi chạy xe - về nhà nghỉ. Chỉ vào chiếc áo chi chít vết thủng lỗ của mình, ông cười xòa: "Tôi già rồi, quần áo sao cũng được, quan trọng gì".
Tài xế U.70 kể, 40 tuổi ông mới lấy vợ, sau 2 lần vợ hư thai, đến lần thứ ba và thứ tư thì sinh được 2 cậu con trai. Thời điểm đó, vợ chồng ông đều làm thuê, dù cuộc sống gia đình rất khó khăn nhưng ông quyết tâm phải cho con xong
Hiện nay, vợ ông phụ quán cà phê, còn ông chạy xe công nghệ. Tất cả số tiền kiếm được ông chừa một phần mua thuốc men, còn lại đưa vợ đóng học cho con, mua đồ ăn. "Nói đóng học chứ thực ra mỗi kỳ đóng học đều phải lấy tiền dành dụm rồi đi mượn thêm mới đủ. Hai vợ chồng làm dần dần trả lại. Đến nay, thằng lớn sắp ra trường, khoản nợ cũng còn vài chục triệu, nhưng tôi tự hào vì con được ăn học đàng hoàng", ông nói.
Nhiều khách khi nhận đơn, biết ông bị ngọng đã gửi thêm 5.000, 10.000 đồng tip kèm lời chúc sức khỏe. Với ông, đó chính là lời động viên chân thành từ chính khách hàng của mình.
Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện để bác tài U.70 bắt đầu những cuốc xe mới, chúng tôi hỏi: "Ước mơ của chú là gì?", ông Định không suy nghĩ mà trả lời liền: "Chỉ mong khỏe để chạy xe cùng vợ lo cho con".
Em Vũ Trường Sơn (17 tuổi), con út ông Định tâm sự: "Bố em sức khỏe yếu, vất vả cực nhọc lo cho 2 anh em. Nhiều khi nghe bố kể bị khách hiểu nhầm là say xỉn em cũng buồn. Em khuyên bố là có chạy thì bố chạy sớm rồi về nghỉ sớm nhưng bố không chịu. Năm nay em 12 rồi, em cố gắng đậu đại học để mai mốt đi làm nuôi bố".
Bà Vũ Thị Kim Ngân (65 tuổi), chị gái ông Định cũng bộc bạch, dù cả nhà có khuyên nên chạy ban ngày nhưng vì sức khỏe không cho phép nên ông Định chủ yếu chạy đêm khiến ai cũng xót xa.
"Gia đình khó khăn nên anh em trong nhà mỗi thứ một tay giúp đỡ chỉ mong 2 thằng nhỏ ăn học tới nơi tới chốn thay đổi cuộc đời. Đời mình khổ rồi nên mong đời cháu thoát khổ chứ bố mẹ nó lận đận quá", bà Ngân nói.
Bình luận (0)