Hạt điều châu Phi gây áp lực?
Lâu nay, ngành chế biến hạt điều xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc phần lớn nguyên liệu thô từ châu Phi. Vùng nguyên liệu trồng điều trong nước vẫn được duy trì nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 25% nhu cầu của các nhà máy chế biến. Năm 2022, cả nước đã nhập khẩu 1,9 triệu tấn điều thô để chế biến và tái xuất nhân điều. Trong đó, châu Phi là nguồn cung cấp nguyên liệu hạt điều lớn nhất cho Việt Nam, sau đó mới đến Campuchia.
Mới đây, ông Bạch Khánh Nhựt - Phó chủ tịch thường trực Vinacas đã "kêu cứu" với cơ quan chức năng để có chính sách phù hợp, nhằm giúp ngành điều Việt Nam không bị "sụp đổ", mà nguyên nhân chính, theo lãnh đạo Vinacas là từ nguồn điều nhập khẩu từ châu Phi.
Theo ông Bạch Khánh Nhựt, tình trạng nhập khẩu điều nhân (điều thô đã qua khâu sơ chế bóc vỏ cứng) tăng lên nhanh chóng, cạnh tranh không bình đẳng với doanh nghiệp chế biến điều trong nước.
Trong năm 2022, đã có 78.583 tấn điều nhân được nhập vào Việt Nam, và chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023 có hơn 10.158 tấn điều nhân được nhập khẩu, tương đương gần 44.000 tấn hạt điều thô.
Ông Nhựt cho biết, chủ trương của các nước trồng điều ở châu Phi (gần đây có cả Campuchia) là phát triển công nghiệp chế biến điều, giảm dần xuất điều thô. Vì vậy, họ đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thu hút đầu tư các nhà máy chế biến điều. Với điều thô xuất khẩu, họ giám sát chặt giá tối thiểu đồng thời áp mức thuế xuất khẩu cao. Nhưng với điều nhân xuất khẩu, họ miễn thuế để khuyến khích. Trong khi đó, cả điều thô và điều nhân khi nhập vào Việt Nam để chế biến, xuất khẩu đều được Việt Nam miễn thuế.
Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư một nhà máy chế biến hoàn chỉnh từ điều thô thành điều nhân mất từ 100 - 500 tỉ đồng, nhưng nguyên liệu điều thô nhập từ châu Phi không còn rẻ nữa, mà chuyển sang nhập điều nhân từ châu Phi sẽ chỉ thực hiện 1 đến 3 công đoạn cuối để có thành phẩm xuất khẩu. Như vậy chỉ hoạt động được khoảng 20% dây chuyền chế biến, từ đó lãng phí nhà máy đã đầu tư và phải sa thải bớt công nhân, người lao động sẽ mất việc làm.
Trước thực tế trên, Vinacas khẩn cấp đề xuất Chính phủ, Bộ Công thương và các ban ngành nghiên cứu giải pháp áp thuế nhập khẩu điều nhân ở mức 25%, tương tự như Ấn Độ đã thực hiện với điều Việt Nam để tạo sự công bằng trong chế biến và kinh doanh điều nhân.
Hay nội bộ lục đục?
Là người hoạt động trong ngành điều từ lúc sơ khởi đến nay, ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, chia sẻ với PV Thanh Niên: "Chuyện 'kêu cứu' của Vinacas có thể hiểu nôm na như sau: Trước đây các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nhập điều thô về rồi mới bóc vỏ cứng, bóc vỏ lụa sau đó tách nhân, đóng gói. Nhưng gần đây, các nước cung cấp nguyên liệu thô ở châu Phi đã tiến đến một bước là có công nghệ bóc tách vỏ cứng. Việc nhập khẩu nhân điều sót lụa nói trên không phải là để tiêu thụ trong nước mà là sản xuất sau đó tái xuất, vì vậy không ảnh hưởng đến tiêu thụ nội địa. Thậm chí, nếu xét về yếu tố môi trường, nguồn nước thì việc tách vỏ cứng ở nước ngoài sẽ giúp giảm bớt rác thải, đỡ ô nhiễm hơn dù hiện nay một lượng rác thải từ vỏ hạt điều đã được tận dụng làm nguyên liệu sản xuất ở một số lĩnh vực khác".
Ông Vũ Thái Sơn phân tích: "Hiện tại Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc đang cung cấp công nghệ, máy móc cho nhà máy điều ở châu Phi, Bờ Biển Ngà nhưng họ chưa làm được hết các công đoạn như Việt Nam, chỉ làm đến khâu bóc vỏ cứng. Nếu ta không cho nhập (bằng cách tăng thuế) sẽ làm họ suy yếu trước mắt, nhưng về lâu về dài, nếu các tập đoàn FDI đầu tư tại châu Phi tìm được nước khác thay thế Việt Nam như Bangladesh, Myanmar… thì chính các nhà máy tại Việt Nam lại mất đi công ăn việc làm và giá trị gia tăng của sản phẩm đó".
Theo ông Sơn, mấu chốt của ngành điều khó khăn hiện nay không phải là từ nguồn điều nhập khẩu mà chủ yếu là lỗi nội tại. Vị Chủ tịch Hội Điều Bình Phước phân tích: "Thứ nhất, thời gian qua đã có quá nhiều nhà máy ra đời, công suất chế biến cao hơn, vượt hơn so với nguồn cung điều thô nên mọi người cạnh tranh nhau mua điều thô với giá quá cao dù thực tế điều thô không hề thiếu. Trong khi xuất khẩu nhân điều thì cạnh tranh nhau, đạp giá nhau nên giá bán nhân bị người mua ép giá rẻ xuống. Thử hỏi, nguyên liệu đầu vào thì đẩy lên cao, lúc bán lại đè giá thấp, làm sao mà không thua lỗ?".
Một doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong ngày điều (xin được giấu tên) chia sẻ thêm: "Câu chuyện 'người khổng lồ chưa lớn', thiếu đoàn kết, thiếu định hướng, mạnh ai nấy làm là căn bệnh cố hữu lâu nay của ngành điều. Dù giữ vị thế xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới nhưng các doanh nghiệp Việt Nam lại không tận dụng được vị thế của mình, mà luôn tự cạnh tranh lẫn nhau. Vì vậy, mấy năm nay kim ngạch ngành điều khá lớn, nằm trong những mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỉ USD, nhưng thực tế trong các doanh nghiệp ngành điều đều có quy mô nhỏ, nguồn vốn ít, vài năm nay do khó khăn phải đóng cửa, phá sản hàng loạt. Chính các doanh nghiệp đang tồn tại cũng lâm vào cảnh 'đánh bạc', 5 ăn 5 thua, chỉ cần giá đầu vào đầu ra trái chiều là thua lỗ ngay".
Ông Vũ Thái Sơn tranh luận: "Việc kêu gọi Chính phủ tăng thuế không phải là căn cơ. Tôi thường xuyên kêu gọi các nhà máy điều Việt Nam phải chấp nhận giảm sản xuất lại, giảm công suất chế biến lại. Ví dụ, nhà máy sản xuất được 30 tấn/ngày thì giảm xuống còn 20 tấn/ngày. Có vậy mới giảm được sự phụ thuộc vào nguyên liệu điều thô ở châu Phi và Campuchia, như vậy mới ép được người ta bán rẻ điều thô cho mình và các nhà máy điều trong nước mới sản xuất có lãi được. Chúng ta giữ số 1 về sản xuất nhân điều, nếu không bán cho Việt Nam thì bán cho ai? Giải quyết được bài toán đó, ngành điều không cần phải kêu cứu gì cả".
Bình luận (0)