Phía sau trang sách: Sách gặp bà kiểm duyệt

22/04/2022 06:41 GMT+7

Xuất bản, phát hành sách trước 1945 , các sách yên ổn để phát hành khi nội dung không đụng chạm tới chính quyền thực dân.

Nhưng một số sách đấu tranh, hoặc bị quy chụp từ Sở Kiểm duyệt của thực dân sẽ bị thu hồi, cấm phát hành.

Ghê gớm thay “bà kiểm duyệt”

Để cấm tàng trữ, lưu hành sách báo mà nhà cầm quyền cho rằng tổn hại đến chính trị, sẽ có những nghị định được ban ra, như trường hợp ở Trung Kỳ. Năm 1929, chính quyền Trung Kỳ in tập tài liệu 16 trang “Nghị định cấm các thứ Sách và các thứ Báo, Chí không được truyền bá, phát mại và tàng trữ trong hạt Trung Kỳ”. Thống kê có 104 đầu sách bị cấm, hoặc do nội dung bị thẩm định là có tính chống đối, tuyên truyền, hoặc liên đới đến chính tác giả với những tên tuổi “vào tù ra khám” bị chính quyền theo dõi chặt chẽ như: Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Trần Huy Liệu, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm...

Phần nhiều trong số những sách bị cấm là những sách lịch sử, tư tưởng, hồi ký với những tên sách làm chính quyền lăn tăn như: Tuyên cáo quốc dân (Phan Bội Châu), Một bầu tâm sự (Trần Huy Liệu), Từ thành Ba-lê đến Khám Lớn Sài Gòn (Phan Văn Gia), Ngồi tù Khám Lớn (Phan Văn Hùm)... Thậm chí cả tiểu thuyết Tàu như cuốn Vợ ai? của Từ Trẩm Á do Nguyễn Tử Siêu dịch cũng bị cấm. Trần Huy Liệu chia sẻ Cường học thư xã ở Sài Gòn do mình làm chủ nhiệm, có tới 23 cuốn bị cấm, mà Một bầu tâm sự, Ngục trung ký sự, Câu chuyện chung là 3/23 cuốn được đề cập.

Nghị định cấm sách báo ở Trung Kỳ

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Chẳng những cấm sách liên quan trực tiếp tới Việt Nam, có đầu sách dịch cũng bị cấm theo kiểu phòng xa để “bưng tai, bịt mắt” độc giả, không cho tiếp cận thời sự thế giới, mà Gương cách mạng nước Thổ Nhi [Nhĩ] Kỳ (Ngọc Sơn, Đoàn Hiệt dịch, Duy Tân thơ xã xuất bản), Câu chuyện nhựt trình trong hồi cách mạng nước Pháp (Hoàng Tích Chu, Nhà in Xưa Nay), Dân sinh chủ nghĩa (Tôn Dật Tiên; Nhượng Tống dịch, Nhà in Quốc Hoa) là những minh họa.

Rất bất ngờ là trong số 104 đầu sách ấy, có những đầu sách ngỡ nội dung an toàn không phương hại, nhưng vẫn bị đưa vào tầm ngắm. Trong đó phải kể đến cuốn Sách xem Tết Nam Kỳ của Tân Dân thư quán bị cấm bởi Nghị định số 687, ngày 4.3.1929, sách Vần quốc ngữ của Nguyễn Mạnh Bổng bị cấm bởi Nghị định số 2349, ngày 24.9.1927.

Ở tù vì sách

Tiểu thuyết Bước đường cùng xuất hiện trên Phổ thông bán nguyệt san số 23, ngày 1.10.1938. Tác phẩm sau bị cấm lưu hành. Khi Bước đường cùng xuất bản, để thực dân Pháp không chú ý, Nguyễn Công Hoan dặn nhà Tân Dân không quảng cáo. Nhưng rồi báo Tin tức viết bài khen, tác phẩm được chuyển thể sang kịch. Thống sứ Bắc Kỳ ra lệnh cấm lưu hành, tàng trữ sách này tại Bắc Kỳ, rồi Khâm sứ Trung Kỳ, Thống đốc Nam Kỳ, và ở Cao Miên, Ai Lao lần lượt cấm.

Để đối phó, khi sách bị cấm ở Bắc Kỳ, nhà Tân Dân gửi vào Trung Kỳ bán. Trung Kỳ cấm thì gửi vào Nam Kỳ. Rốt cuộc, 5.000 bản Bước đường cùng được bán hết. Sau lần Bước đường cùng… cùng đường, các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan bị Sở Kiểm duyệt cấm lưu hành để “treo giò”, trong đó có sách Cái thủ lợn, Phải gió... và khi viết bài cho báo, phải ký tên là Ngọc Oanh để lọt lưới kiểm duyệt.

Nói về kiểm duyệt, sau một thời gian dài tồn tại, Pháp bỏ kiểm duyệt từ ngày 1.1.1937. Nhưng Thế chiến thứ hai bùng nổ tháng 9.1939, Pháp lập lại Sở Kiểm duyệt. Theo Nguyễn Văn Noãn trong bài “Kiểm duyệt báo chí ở Việt Nam”, Báo chí tập san số 2, bộ I, 1968 thì sự trở lại của chế độ kiểm duyệt được thực hiện bởi Sắc lệnh ngày 24.8.1939 ấn định quy chế kiểm soát báo chí và các ấn loát phẩm khác; và Sắc lệnh ngày 27.8.1939 ấn định thể lệ kiểm soát trước khi phổ biến các ấn phẩm, họa phẩm, các chương trình phát thanh và phim chiếu bóng.

Sách Thơ ái quốc Chiêu hồn nước cùng chân dung Phạm Tất Đắc trên bìa 1, in tháng 7.1945

Những sách báo có khuynh hướng cộng sản bị cấm tàng trữ, nếu bị mật thám, nhà cầm quyền phát hiện sẽ bị gây khó dễ hoặc khép tội. Vũ Ngọc Phan dạo ở ấp Thái Hà, Hà Nội, trong nhà có sách Manifeste du Parti communiste (Tuyên ngôn của Đảng cộng sản), Résume du Capital (Tóm tắt tư bản luận). Khi nhà bị mật thám, quan Tây khám, những sách ấy được gói vào bọc để trên nóc tủ nên không bị phát hiện, nếu không thì nhà phê bình văn học Việt cũng phải đến Sở Mật thám hầu chuyện. Đào Duy Anh ghi nhận thực tế sau biến động 1930 khiến thực dân Pháp vất vả đàn áp những nhà yêu nước, chúng quyết liệt ngăn cấm sách báo tiến bộ, “những sách báo tiến bộ, nhất là những sách nói về chủ nghĩa Mác bằng chữ Pháp hay bằng chữ Trung Quốc đều bị cấm lưu hành”.

Thậm chí vì tác phẩm, tác giả còn bị ở tù, như trường hợp Chiêu hồn nước của Phạm Tất Đắc. Tháng 3.1927, 1.000 quyển thơ Chiêu hồn nước được in tại nhà in Thanh niên, Hà Nội, phát hành rộng rãi, khuấy động lòng yêu nước, gây tiếng vang lớn trong công luận. Sở Cẩm nhận định “sách này là sách xui làm rối loạn, phản đối chính phủ”. Tác giả dù mới 17 tuổi cùng chủ nhà in Lê Cương Đồng bị bắt. Hà thành ngọ báo số 76, ngày 2.8.1927 cho hay tòa Thượng thẩm tuyên án, Đắc bị giam ở nhà trừng giới cho đến năm 21 tuổi, còn Đồng bị án 6 tháng tù.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.