Ngày 2.8, trước cửa Đội đăng ký và quản lý phương tiện, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67) - Công an tỉnh Quảng Ninh, có nhiều chủ xe đến đổi biển mới do bị tróc sơn phản quang.
Anh Nguyễn Văn Duy (ngụ P.Hồng Hà, TP.Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết mua chiếc ô tô đăng ký biển số 14A-236... vào tháng 3 vừa qua. Chỉ sau hơn 1 tháng sử dụng, biển số xe của anh Duy bị tróc sơn đen, phần chữ số phản quang rơi rụng, chỉ còn lại biển trắng. “Có lần vào bãi gửi xe tôi bị từ chối vì biển số gần như trắng trơn, người trông xe không nhận vì tưởng tôi sử dụng biển giả. Sau hôm đó, tôi phải đi đăng ký mua lại biển số mới, vừa tốn thời gian vừa mất thêm tiền”, anh Duy cho biết.
Anh Hoàng Anh Tuấn, chủ ô tô cũng ở TP.Hạ Long cho biết sau một lần dùng vòi phun để rửa xe thì vài ngày sau biển số xe của anh bị phồng rộp phần sơn, các chữ số cũng rụng dần. Vì biển số tróc sơn, nhìn rất khó chịu nên anh phải đi làm lại biển mới. Còn ông Nguyễn Văn Bảo, một thợ gò khung biển số tại TP.Hạ Long, cho hay do chất lượng biển số kém nên ông đắt hàng hơn. “Khách hàng đến đổi biển khá đông, người nào “dính” một lần thì sẽ lắp thêm lớp nhựa trong để bảo vệ, người nào chưa bị nhưng nghe khuyến cáo cũng lắp theo. Giá gia cố cho một bộ biển như thế là 300.000 đồng”, ông Bảo nói.
Anh Vũ Văn Dương (ngụ P.Cao Thắng, TP.Hạ Long) cho biết: “Việc đổi biển mất nhiều thời gian, phải xin nghỉ làm một buổi để xếp hàng đăng ký thủ tục, rồi phải đợi 2 tuần sau mới có biển số mới, rất phiền hà”.
|
Có lỗi từ nhà sản xuất
|
Theo trung tá Dương Chí Ngọc, Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Thái Bình, từ đầu năm 2017 đến nay, tại địa phương này cũng xuất hiện nhiều trường hợp hỏng biển số - bong sơn, bợt số khiến chủ xe phải đến xin thay thế. “Chúng tôi chưa thống kê cụ thể có bao nhiêu biển số bị hỏng, phải thay thế do tình huống trên, nhưng nhiều chủ xe đã có kiến nghị và chúng tôi đã báo cáo sự việc với Công an tỉnh Thái Bình, đồng thời có kiến nghị với đơn vị đang thực hiện sản xuất biển số là Công ty TNHH MTV Nam Triệu và được trả lời nguyên nhân bợt biển số xe là do lỗi công nghệ”, ông Ngọc nói.
Đại úy Nguyễn Thanh Tùng, Đội phó Đội đăng ký và quản lý phương tiện (PC67, Công an tỉnh Quảng Ninh), cho biết từ đầu năm 2017 đến nay đơn vị này đã ít nhất 2 lần gửi văn bản kiến nghị đến đơn vị sản xuất và C67 nhưng đến nay chất lượng của nhiều biển số vẫn không được cải thiện. “Những năm trước, rất hiếm khi chúng tôi phải cấp lại biển số do lỗi của nhà sản xuất nhưng từ đầu năm đến nay thì thường xuyên. Để hạn chế việc biển số bị hư hỏng, chúng tôi khuyến cáo chủ phương tiện khi lắp biển số nên bọc thêm nhựa cứng trong suốt để tránh tác động tiêu cực của môi trường”, ông Tùng nói và cho biết chi phí để đổi biển số mới là 100.000 đồng/chiếc và sau 2 tuần là có biển mới. Tuy nhiên, ông Tùng cho biết không có quy định nào trong việc bảo hành biển số xe do lỗi của nhà sản xuất.
Trả lời Thanh Niên, ông Vũ Hùng, Giám đốc Nhà máy X15 thuộc Công ty TNHH MTV Nam Triệu, cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, một công nghệ mới của Mỹ đã được áp dụng vào sản xuất biển số với lớp vân phản quang để không ai có thể “bắt chước” làm biển số giả được. “Công nghệ này được áp dụng trên toàn quốc, nhưng có lẽ do điều kiện khí hậu nên có thể xảy ra lỗi kể trên”, ông Hùng nói và cho biết số biển bị “hỏng” như trên không nhiều, “trong vài trăm bộ, sẽ có một vài biển bị lỗi”.
Theo ông Hùng, đây là sự cố ngoài mong muốn và chưa từng gặp, vì vậy công ty đã mời chuyên gia Mỹ sang để xem xét, khi có kết luận chính thức mới có hướng khắc phục cụ thể. Ông Hùng cũng cho biết Nhà máy X15 chỉ là một trong nhiều đơn vị được tham gia sản xuất biển số, trong khi công nghệ làm biển này được áp dụng cho cả nước.
Phải có trách nhiệm khắc phục
Chiều 2.8, một cán bộ có trách nhiệm của C67 (Bộ Công an) cho biết hiện nay toàn bộ biển số cấp, đổi cho phương tiện tại các địa phương là do các đơn vị thuộc Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Bộ Công an) đảm nhiệm. “Biển số được sản xuất tại các nhà máy của Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, sau đó căn cứ vào đề xuất của từng địa phương sẽ phân bổ theo số lượng nhất định vào từng thời điểm”, vị này nói và cho biết trong trường hợp các biển số gặp vấn đề về chất lượng chủ yếu xảy ra tại Quảng Ninh thì có thể “do một lô biển số đã bị lỗi không đảm bảo chất lượng”. Vụ việc sẽ được báo cáo lãnh đạo Cục C67 để kiểm tra và có biện pháp giải quyết. “Nếu trong trường hợp biển bị hỏng do chất lượng thì nhà sản xuất phải có trách nhiệm với người dân”, vị này cho hay. Trong ngày 2.8, Thanh Niên đã hỏi lãnh đạo PC67 tại nhiều địa phương và được biết rất hiếm khi gặp trường hợp biển số mới cấp bị hư hỏng. Trong đó, lãnh đạo PC67 tỉnh Bắc Kạn cho biết từ đầu năm 2017 đến nay chưa ghi nhận được trường hợp nào hư hỏng biển số.
Ghi nhận phản ánh của Thanh Niên, thiếu tướng Nguyễn Văn Dư, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Bộ Công an), cho biết sẽ yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ rà soát, kiểm tra ngay về sự việc này, đồng thời có giải pháp khắc phục nhanh chóng, thuận tiện nhất cho người dân.
Công ty TNHH MTV Nam Triệu ngoài chức năng sản xuất phôi biển số phương tiện giao thông còn tham gia đóng tàu, trong đó có các loại tàu vỏ thép theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản. Đầu năm 2017, tại tỉnh Bình Định đã phát hiện 9 tàu vỏ thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng không lắp máy thủy chính hãng Mitsubishi, một số tàu có nhiều thiết bị, ngư lưới cụ, hầm bảo quản không đúng với hợp đồng đã ký kết với ngư dân...
Tại cuộc họp báo vào cuối tháng 6 vừa qua, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Bộ Công an), đại diện chủ sở hữu của Công ty TNHH MTV Nam Triệu, đã yêu cầu thanh tra toàn bộ quá trình đóng tàu, đồng thời yêu cầu xử lý trách nhiệm và khắc phục hậu quả.
Thái Sơn
|
Bình luận (0)