Phiêu linh trong cõi mộng

06/05/2010 00:04 GMT+7

Không phải đợi đến khi lừng danh rồi trí óc của Tản Đà mới “mơ về nơi xa lắm”, mà ngay lúc mới dấn thân vào “trường văn, trận bút”, nhà thơ đã tưởng tượng ra những chuyện kỳ thú.

Như chúng ta đã biết, mới 15 tuổi, cậu bé Nguyễn Khắc Hiếu đã nổi tiếng là “thần đồng xứ Đoài - Sơn Tây”. Vậy mà khi đi thi toàn từ hỏng đến trượt! Thế nên Tản Đà luôn mang tâm trạng bất đắc chí về danh phận nhưng lúc nào cũng đắc ý về tài năng.

Nhà văn Trương Tửu nhận xét: “Ở con mắt tiên sinh tất cả đều tầm thường. Tiền tài, danh vọng đều vô giá trị. Những cái gì người đời ưa chuộng, tiên sinh khinh. Tiên sinh có phải là người đời đâu. Tiên sinh là một trích tiên! Suốt đời, tiên sinh chỉ khao khát có hai điều: gặp tri kỷ và gặp giai nhân. Tri kỷ không gặp, tiên sinh đành nói chuyện với bóng, với ảnh, với... trời ! (Uống rượu với Tản Đà - Đại Đồng thi xã, Hà Nội, 1939):

“Người đâu cũng giống đa tình/Ngỡ là ai, lại là mình với ta/Mình với ta dẫu hai mà một/Ta với mình sao một mà hai?... Đôi ta vốn cùng nhau một tướng/Lạ cho mình sung sướng như tiên/Phong tư tài mạo thiên nhiên/Không thương, không sợ, không phiền, không lo...” (Nói truyện với ảnh). Rồi “Phòng văn nửa khép cánh thu/Đèn văn một ngọn trông lù dù xanh... Mập mờ khi thấp, khi cao/Trông ra chẳng biết ông nào lại chơi!/Nhận lâu sau mới bượch cười (*)/Té ra anh Bóng, Chớ ai đâu mà/Bóng ơi, mời Bóng vào nhà/Đèn khêu ngọn tỏ, đôi ta cùng ngồi/Cùng nhau giãi một đôi nhời/ Ta ngồi ta nói, Bóng ngồi Bóng nghe/Cõi đời từ cất tiếng ve/Đã bên ngọn lửa lập lòe có nhau/Tương tri từ ấy về sau/Đôi ta một bước cùng nhau chẳng dời/Ta ngồi thì Bóng cũng ngồi/Ta đi, ta đứng Bóng thời cũng theo...” (Nói truyện với bóng). “Trời lại phê cho văn rất tuyệt/Văn trần được thế chắc có ít/Nhời văn chuốt đẹp như sao băng/Khí văn hùng mạnh như mây chuyển/Êm như gió thoảng, tinh như sương/Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết/Chẳng hay văn sĩ tên họ gì/Người ở phương nao ta chửa biết?/Dạ bẩm lạy Trời, con xin thưa/Con tên Khắc Hiếu, họ là Nguyễn/ Quê ở Á Châu về địa cầu/Sông Đà núi Tản, nước Nam Việt... (Hầu trời).


..và tác phẩm Uống rượu với Tản Đà

Cũng theo Trương Tửu trong sách đã dẫn: “Giai nhân không gặp, tiên sinh tạo ra một cô nhân tình không quen biết, một kỹ nữ tài hoa: Vân Anh (trong Thề non nước - NV). Rồi một lúc ngẫu hứng, tiên sinh kết tình tri kỷ và giai nhân vào một người đẹp cực kỳ thông minh: nàng Chu Kiều Oanh (trong Giấc mộng con - NV). Từ đấy về sau, tiên sinh chỉ giao thiệp tinh thần với con người mộng tưởng ấy. Ngoài nàng ra, ai cũng nhỏ bé, ai cũng tục tĩu. Mà nàng là ai? Nàng chỉ là tiên sinh vậy. Tinh thần duy ngã độc tôn, ở Tản Đà, phát triển đến cực độ. Tiên sinh chỉ nhìn thấy mình, chỉ nói đến mình, chỉ ca tụng có mình...”

Giấc mộng con I, Tản Đà chỉ lấy tư liệu trên báo chí mà tả lại những danh thắng của thế giới, như thác nước Niagara ở Canada, đền Taj-Mahal ở Ấn Độ, Kim tự tháp của Ai Cập... sống động và hứng thú y như ông đã từng có mặt ở những nơi đó. Còn ở Giấc mộng con II, Tản Đà tự cho mình “du lịch” một chuyến lên... thiên đình, ở đó ông gặp gỡ, chuyện trò với các danh nhân, mỹ nhân thế giới và Việt Nam như: Lư Thoa (J.J Rousseau), Đông Phương Sóc, Khổng Tử, Hàn Thuyên, Nguyễn Trãi, Chiêu Quân, Dương Quý Phi... Ở đó chỉ có cái đẹp, tình yêu và lòng tôn trọng lẫn nhau, khác hẳn với cái xã hội xấu xa nơi hạ giới... Mà ngay khi ở tuổi mới đôi mươi, do vận vào người thói đa tình, phong lưu và lãng mạn của nòi thi sĩ, chàng trai Nguyễn Khắc Hiếu đã khóc thương một kiếp hồng nhan bạc phận ở tận... bên Tàu, một giai nhân sống trước chàng hàng mấy thế kỷ, với bài Tế Chiêu Quân: “Ô hô Chiêu Quân/Sắc diễm tuyệt thế/Mệnh bạc vô thiên/Hán cung nhất biệt/Hồ địa thiên niên... Thương tai hồng nhan/Linh hồn hà y?/Hiếu/Thiên nam cùng sĩ/Sơn Tây tiên sinh/Cách đại dị quốc/Cộng bi đồng tình/Viêm trân phi lễ/Vọng bái trung đình... (thơ dịch: “Cô ơi, cô đẹp nhất đời/Mà cô mệnh bạc, thợ trời cũng thua/Một đi từ biệt cung vua/Có về đâu nữa!Đất Hồ nghìn năm... Ới hồng nhan, hỡi hồng nhan!/Khôn thiêng cũng chẳng ai van, ai mời/ rời Nam thằng kiết là tôi/Chùa Tiên, đất khách, khóc người bên Ngô/Cô với tôi, tôi với cô/Trước sân lễ bạc có mồ nào đây...” (bản dịch của quan huyện Nguyễn Thiện Kế - anh rể của Tản Đà, hèn gì Tản Đà tán dương ông anh rể là “đại thi hào” - NV)

Nhà văn Trương Tửu kể tiếp: “Một lần nói chuyện với tiên sinh, tôi có hỏi: “Thưa cụ, trong các bài thơ cụ đã làm, cụ thích bài nào nhất?”. Không suy nghĩ, tiên sinh trả lời ngay: “Tôi thích nhất bài ca làm trong tập Giấc mộng con II để Tây Thi hát”. Rồi tiên sinh ngâm sảng khoái: “Non xanh xanh/ Nước xanh xanh/Nước non như vẽ bức tranh tình/Non nước tan tành/ Giọt lệ năm canh!/Đêm năm canh/Lụy năm canh/Nỗi niềm non nước/Đố ai quên cho đành?/Quên sao đành?/Nhớ sao đành?/Trần hoàn xa cách/Bồng lai non nước xanh xanh”. Ngâm xong, tiên sinh giải thích: “Ông tính, Chiêu Quân đánh tỳ bà, Dương Quý Phi say rượu đứng dậy múa, Tây Thi cất giọng hát mà mình ngồi nghe thì còn gì khoái hơn nữa! Bấy giờ mình cứ tưởng mình chính là Đường Minh Hoàng trong cung điện đang cùng mỹ nhân thưởng thức điệu Nghê thường”. Tiên sinh cười lớn, kết luận: “Nghĩ lúc ấy cũng thật sướng cho cái đời văn sĩ của mình!”... Tản Đà thi sĩ chỉ mượn những mộng văn chương để sống cái ngông vô biên ấy của mình, và dùng cái ngông vô biên ấy để thỏa mãn một nhu cầu giải thoát. Mấy lần mộng, mấy lần lên trời, gởi thư lên cung trăng hỏi chị Hằng làm vợ... Tất cả những hành vi văn chương ấy chỉ là những mộng để tiên sinh vượt khỏi thực tế. Ở thực tế, mình nhỏ thì phải tạo ra mộng để thành nhớn. Thế thôi!” (Trương Tửu - sách đã dẫn).

Hà Đình Nguyên

(*): Tản Đà thường hay sử dụng chữ “bượch cười” trong thơ văn và cả khi nói chuyện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.