Vừa ít, vừa đơn sơ
Thật ra, lâu nay điện ảnh Việt Nam vẫn đã có những bộ phim được nhà làm phim xem là “phim ca nhạc”. Nhân vật chính của các phim này thường là nhạc sĩ, ca sĩ (Lương tâm bé bỏng, Em còn nhớ hay em đã quên, Em muốn làm người nổi tiếng...); trong phim họ cũng là người hát - nói đúng hơn là biểu diễn - nhiều ca khúc quen thuộc. Diễn viên chính trong các phim này thường là các ca sĩ, nhạc sĩ thực thụ nên họ không gặp khó khăn gì khi thể hiện bài hát, còn khán giả có dịp vừa được nghe thần tượng hát, vừa được thấy thần tượng diễn xuất.
Tuy nhiên, khi những bộ phim ca nhạc của Hollywood trở nên phổ biến ở nước ta thời gian gần đây, mới thấy rõ phim ca nhạc Việt Nam vừa ít về số lượng, vừa “đơn sơ” quá, dù vẫn tuân thủ nguyên tắc cơ bản nhất của phim ca nhạc là có những bài hát do nhân vật trong phim hát được đan xen vào câu chuyện, bài hát được dùng để phát triển nhân vật hoặc chuyện phim. Chợt nghĩ, nếu nhân vật chính trong phim ta không phải là ca sĩ, nhạc sĩ, e rằng ta sẽ rất lúng túng khi tìm cớ để cho nhân vật cất tiếng hát một cách hợp lý và tự nhiên.
Trong khi ở phim Mỹ, nhân vật có thể là bất cứ ai: ca sĩ, vũ công, học sinh, bà nội trợ, thầy cô giáo...; họ tỏ tình cũng hát, nấu ăn cũng hát, chơi bóng rổ cũng hát được, và thậm chí trong phim Chicago, ở trong tù nhân vật cũng... hát. Các ca khúc cho phim được soạn riêng hẳn hoi, chứ không phải là sự tập hợp và lắp ghép những ca khúc có sẵn rồi trộn vào cùng một hai ca khúc mới (nếu có) như phim của ta.
Đấy là chưa kể trong một phim ca nhạc thì yếu tố vũ đạo cũng rất quan trọng, mà phim ta lâu nay chẳng có tí vũ đạo nào. Vũ đạo ở đây không chỉ đơn thuần là việc nhân vật nhảy múa trên sân khấu, mà còn là sự cách điệu rất nhiều hành động của nhân vật trong các tình huống khác nhau, tạo nên sự sinh động, hòa hợp với tiết tấu ca khúc và mang lại cho bộ phim không khí riêng rất “musical”.
Xem những phim ca nhạc nổi tiếng của Mỹ, từ những phim sản xuất cách đây đã lâu như West side story, The sound of music, My fair lady, cho đến những phim hiện tại cho thấy bên cạnh câu chuyện và các ca khúc, phần vũ đạo ngày càng được chú ý hơn, dàn dựng công phu hơn. Một điểm cũng rất thú vị là trong nhiều phim ca nhạc của Mỹ, người xem thích thú được nghe thần tượng hát bằng giọng hát thật của họ hẳn hoi, dù rằng họ không phải là ca sĩ chuyên nghiệp.
Mô phỏng để tìm lối đi riêng
Cảnh phim Em muốn làm người nổi tiếng - Ảnh: HONDAFILM |
Vào cuối năm ngoái, khi đem một sản phẩm rất ăn khách của Pháp năm 2008 là Vũ điệu disco sang trình chiếu tại Việt Nam, đạo diễn phim thừa nhận đã làm bộ phim này “theo kiểu phim ca nhạc Hollywood”.
Sự thành công của phim ca nhạc Hollywood hiện nay là thành quả của sự kết hợp công nghệ điện ảnh và công nghệ âm nhạc ở trình độ cao, và một yếu tố cực kỳ quan trọng nữa là sự kế thừa từ sân khấu nhạc kịch Mỹ vốn đã rất phát triển.
Rất nhiều phim ca nhạc của Mỹ dựng lại từ các vở nhạc kịch nổi tiếng, và rất nhiều phim có phần vũ đạo được dàn dựng mang phong cách nhạc kịch. Trong khi đó, các loại hình kịch hát truyền thống như tuồng, chèo, cải lương phổ biến ở nước ta nhưng tiết tấu, vũ đạo, giai điệu của những loại hình này dường như không phù hợp lắm để có thể phát triển trong thể loại phim ca nhạc hiện đại.
Đầu năm mới 2009, khán giả trong nước đã có dịp thưởng thức phim Giải cứu thần chết (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) với câu chuyện vui tươi, trong sáng và những ca khúc rộn ràng. Chàng đạo diễn điện ảnh trẻ này (từng sáng tác ca khúc, từng dàn dựng một số clip ca nhạc được giải thưởng) cho biết anh yêu thích và chịu ảnh hưởng của High School Musical.
Không khó để nhận ra trong Giải cứu thần chết những đoạn vũ đạo giông giống bộ phim teen nổi tiếng của Mỹ nói trên, như đội hình lượn sóng, sắp xếp đội hình nhảy múa trên cầu thang và dưới sảnh, cách nhân vật xuất hiện trên sân khấu... Dẫu vẫn có những ý kiến khác nhau về sự mô phỏng (và cả những yếu tố “nhại” High School Musical) trong Giải cứu thần chết, dẫu Nguyễn Quang Dũng chưa bao giờ nói rằng đây là phim ca nhạc, nhưng đây cũng là tín hiệu vui cho thấy sự đổi mới nhận thức về việc làm một phim ca nhạc, hay ít ra, một phim có những đoạn mang dáng dấp phim ca nhạc theo cách mà những nền điện ảnh có truyền thống về thể loại phim này đang làm.
Phạm Thu Nga
Bình luận (0)