Thoải mái sáng tạo
Bộ phim 11 tháng 5 ngày (đang được phát sóng trên kênh VTV3) mang đến những câu chuyện tích cực về tình cảm gia đình, tình yêu, tình bạn cùng những miếng hài nhẹ nhàng, dễ chịu, tạo thành “làn gió” thú vị và tươi mới cho phim truyền hình Việt. Dù đối tượng chính hướng đến của 11 tháng 5 ngày là những khán giả trẻ, nhưng không vì thế mà phim không hấp dẫn khán giả lớn tuổi. Bởi ở đó, có những câu chuyện của nhiều thế hệ. Đó là những xung đột, khoảng cách thế hệ trong gia đình. Đó là sự bốc đồng, ích kỷ của con trẻ; sự cố chấp và áp đặt của người lớn. Đó là ham muốn được thể hiện, khẳng định bản thân; là khát khao khởi nghiệp cùng những nỗ lực để đạt được thành công của những người trẻ tuổi...
Phim 11 tháng 5 ngày mang đến những câu chuyện tích cực, cùng những miếng hài nhẹ nhàng, thu hút người xem |
VFC |
Trước khi tham gia xây dựng kịch bản của bộ phim 11 tháng 5 ngày, biên tập Lại Phương Thảo được biết đến là người tham gia Việt hóa kịch bản bộ phim Nhà trọ Balanha từ bộ phim truyền hình nổi tiếng Welcome to Waikiki của Hàn Quốc dành cho giới trẻ. Vào năm ngoái, Nhà trọ Balanha cũng đã tạo nên “hiện tượng” trên màn ảnh nhỏ Việt. Trước sự thành công của kịch bản Việt hóa như Nhà trọ Balanha đến khi xây dựng kịch bản hoàn toàn thuần Việt là 11 tháng 5 ngày, cứ tưởng Thảo có chút áp lực. Nhưng ngược lại, theo chị, việc tự xây dựng kịch bản mang đến nhiều hứng thú và sự thoải mái khi sáng tạo nội dung so với việc phải dựa theo kịch bản nguyên mẫu. Chị so sánh công việc tự xây dựng kịch bản giống như một đầu bếp được toàn quyền trong căn bếp của mình, từ việc tự lựa chọn nguyên liệu, đến cách chế biến món ăn, nêm nếm sao cho vừa miệng mình nhất. “Điều đó khiến mình thoải mái và kích thích sáng tạo hơn nhiều so với việc theo một nguyên mẫu nào đó. Thực khách chính là khán giả sẽ tiếp nhận món ăn mới với những cảm xúc mới mẻ và chân thật nhất, chứ không phải mang tâm lý so sánh với một món ăn nào khác”, Phương Thảo nói.
Việc khán giả dành nhiều tình cảm cho phim có kịch bản thuần Việt là sự cổ vũ lớn cho nhà làm phim cũng như biên kịch.
Đạo diễn Lê Đỗ Ngọc Linh, đồng đạo diễn bộ phim 11 tháng 5 ngày (cùng đạo diễn Nguyễn Đức Hiếu), cũng đầy hứng thú với một kịch bản thuần Việt. Anh cho hay mình từng được trải nghiệm quá trình thực hiện 2 phần của bộ phim Tuổi thanh xuân, một dự án hợp tác giữa Trung tâm sản xuất phim - Đài truyền hình Việt Nam và CJ - Hàn Quốc. Vào thời điểm đó, cùng với những gì học hỏi được từ việc hợp tác sản xuất làm phim, anh đã suy nghĩ: “Đời sống của thanh niên Việt Nam có những góc nhìn, những quan điểm có thể khai thác để mang đến những câu chuyện thân thuộc và gần gũi. Tại sao mình không đưa đến cho giới trẻ những bộ phim như thế để họ thấy mình cũng có thần tượng, có những diễn viên hay, những câu chuyện tình thú vị?”.
Cô gái nhà người ta thu hút khán giả với câu chuyện về nông thôn hiện đại |
VFC |
11 tháng 5 ngày với kịch bản thuần Việt trở thành bộ phim truyền hình đầu tay của đạo diễn trẻ 9X này. “Phim đề cập đến những vấn đề có thể không mới, nhưng lại có góc nhìn mới, cũng như cách thể hiện mới”, anh nói. Và quan điểm của đạo diễn Lê Đỗ Ngọc Linh khi làm phim là “để thu hút khán giả trẻ nhiều hơn cho phim Việt”.
Chất liệu gần gũi từ cuộc sống
Theo biên kịch Huyền Lê, người đã tham gia Việt hóa kịch bản nhiều bộ phim, việc Việt hóa kịch bản một bộ phim nước ngoài có nhiều cái khó, trong khi đó việc tự xây dựng kịch bản tuy không dễ hơn nhưng lại có những thuận lợi. “Với một kịch bản tự sáng tạo, cái thuận lợi nhất có lẽ là vì ý tưởng là của bản thân, những nhân vật, câu chuyện được sinh ra từ những chiêm nghiệm hay ấp ủ của bản thân người viết. Vì thế, người xây dựng kịch bản sẽ hiểu rõ hơn, dễ hòa mình hơn khi viết”, Huyền Lê thổ lộ.
Trên thực tế, nhiều phim Việt hóa từ những kịch bản thành công của nước ngoài đã thất bại trước khán giả trong nước, không ít sản phẩm vẫn bị khán giả chê dở với lý do “xa lạ với đời sống, văn hóa, tâm lý người Việt”. Trong khi những năm gần đây, nhiều bộ phim có kịch bản thuần Việt ở nhiều mảng đề tài đa dạng như hình sự, chính luận, nông thôn mới, gia đình hiện đại, những thân phận trong xã hội, lập nghiệp lại thu hút khán giả, có thể kể đến như Về nhà đi con, Quỳnh búp bê, Sinh tử, Nàng dâu order, Ghét thì yêu thôi, Cô gái nhà người ta, Hãy nói lời yêu, Thương con cá rô đồng, Bán chồng, Cát đỏ... Bộ phim Về nhà đi con thậm chí còn được gọi là “bộ phim quốc dân”.
Từng tham gia sáng tạo kịch bản nhiều bộ phim thuần Việt, biên kịch Huyền Lê cho hay: “Với mỗi bộ phim, tôi viết từ những chắt lọc từ kinh nghiệm cuộc sống của mình, hay quan sát cuộc sống của những người xung quanh, nghe những câu chuyện của họ”. Chính những chất liệu lấy từ cuộc sống xung quanh và trải nghiệm cá nhân của biên kịch đã giúp phim có sẵn những yếu tố gần gũi với khán giả trong nước.
Bên cạnh việc kịch bản thuần Việt đến sát đời sống hiện thực và tâm lý khán giả hơn, theo biên kịch Huyền Lê, phim Việt đang dần tốt hơn lên cả về hình thức là những yếu tố giúp phim được khán giả đón nhận. Khi kịch bản phim truyền hình (và ngay cả với phim điện ảnh) vẫn còn là nỗi lo với nhiều nhà sản xuất trong nước, biên kịch Huyền Lê cho rằng: “Việc khán giả dành nhiều tình cảm cho phim có kịch bản thuần Việt là sự cổ vũ lớn cho nhà làm phim cũng như biên kịch”.
Bình luận (0)