Cuối cùng thì những thành viên của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ buộc phải công nhận Argo, trao Oscar Phim xuất sắc nhất. Ben Affleck không giấu được cảm xúc lẫn niềm kiêu hãnh.
“Nạn nhân” của Viện hàn lâm
Trước đó, Argo - kể lại cuộc khủng hoảng con tin ở Iran năm 1979 - từng nhận 17 giải thưởng trong đó có Quả cầu vàng (sau khi hạ gục Lincoln), BAFA, giải César, giải của Hiệp hội Phê bình phim, Hiệp hội Các nhà biên kịch Mỹ, Hiệp hội Diễn viên Mỹ… nhưng Ben Affleck đã bị Viện hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ “lờ” đi khi không đề cử hạng mục đạo diễn xuất sắc nhất.
|
Tuy nhiên, Ben Affleck không phải là “nạn nhân” duy nhất. Đạo diễn lừng danh phim kinh dị Alfred Hitchcock cũng chưa bao giờ đoạt giải Oscar nào ở vị trí đạo diễn. Nam diễn viên Peter O’Toole từng 8 lần được đề cử nhưng chưa bao giờ nhận Oscar. Paul Newman có đến 7 lần được đề cử nhưng đều trắng tay. Mãi đến năm 1986 ông mới nhận tượng vàng Oscar vinh danh sự nghiệp. Năm 1990, bộ phim Driving Miss Daisy đoạt Oscar Phim hay nhất nhưng đạo diễn Bruce Beresford không nhận đề cử đạo diễn xuất sắc nhất. Lịch sử Oscar đã lặp lại với Argo và Ben Affleck!
Lincoln từng được xem là ứng cử viên sáng giá nhất, chỉ nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Daniel Day-Lewis) và 1 giải về thiết kế sản xuất.
Bất ngờ của lễ trao giải năm nay khi Lý An đã chiến thắng hàng loạt tên tuổi lớn như Michael Haneke, Steven Spielberg, David O.Russell để nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Năm 2005, ông từng nhận Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất với phim Brokeback mountain. Diễn viên Anh Daniel Day-Lewis lập nên kỳ tích: 3 lần đoạt Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc nhất lần lượt qua các phim: My left foot (1989), There will be blood (2007) và Lincoln (2013) cùng hàng loạt giải thưởng khác như Quả cầu vàng, BAFTA… Jennifer Lawrence xuất sắc đánh bại Jessica Chastain, Emmanuelle Riva, Quvenzhané Wallis, Naomi Watts qua phim Silver linings playbook để bước lên bục cao nhất nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất nhưng lại bối rối và hồi hộp đến độ ngã nhào trên sân khấu. Có thể do vinh quang đến quá sớm với diễn viên mới 22 tuổi này.
Anne Hathaway không khó khi vượt qua hàng loạt ứng cử viên khác để nhận giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất (phim ca nhạc Les misérables). Riêng ngôi sao đến từ nước Áo - Christoph Waltz lại rất có duyên với giải Oscar lẫn đạo diễn Quentin Tarantino. Ông đã 2 lần nhận Oscar Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất qua 2 phim đều do Quentin Tarantino đạo diễn là Inglorious Basterds (2010) và Django unchained (2013).
Xướng tên từ Nhà Trắng
Kéo dài 3 giờ, lễ trao giải Oscar lần thứ 85 được tổ chức trang trọng với kịch bản được tính toán chặt chẽ khiến khán giả không bị cảm giác kéo dài lê thê. Ban tổ chức muốn đưa Oscar đến gần với công chúng Mỹ hơn, do vậy trước lễ trao giải nhiều hoạt động được tổ chức. Hàng loạt ngôi sao điện ảnh xuất hiện trên thảm đỏ, chào người hâm mộ. MC chính của buổi lễ là nhà sản xuất phim kiêm biên kịch Seth MacFarlane đã tạo nên sự duyên dáng vừa đủ để khán giả không bỏ mắt khỏi màn ảnh truyền hình. Channing Tatum và Charlize Theron khuấy động khán phòng Nhà hát Dolby bằng màn khiêu vũ đẹp mắt. Joseph Gordon Levitt và "chàng phù thủy" Daniel Radcliffe cũng lần đầu biểu diễn trên sân khấu Oscar.
Một trong những pha hấp dẫn khán giả nhất chính là màn gọi tên tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất (Argo) từ Nhà Trắng do chính phu nhân Tổng thống Mỹ - Michelle Obama công bố. Hay màn đồng ca bài I dreamed a dream - ca khúc chính của Les misérables do dàn diễn viên trong phim thể hiện như Hugh Jackman, Anne Hathaway, Russell Crowe, Amanda Seyfried, Eddie Redmayne, Helena Bonham Carter… đã tạo nên xúc cảm cho khán giả, gợi nhớ lại tính nhân văn cao đẹp của bộ phim này. Phần biểu diễn của Jennifer Hudson (bài And I’m telling you, I’m not going trong phim Dreamgirls), Catherine Zeta-Jones (All that jazz phim Chicago) và Adele với ca khúc Skyfall (phim Skyfall) làm khán giả thật sự thích thú. Skyfall cũng là bài hát đoạt Oscar Ca khúc trong phim hay nhất.
Các giải thưởng khác - Kịch bản gốc hay nhất: Quentin Tarantino (phim Django unchained) - Kịch bản chuyển thể hay nhất: Chris Terrio (Argo) - Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất: Amour - Phim hoạt hình hay nhất: Brave - Quay phim xuất sắc: Claudio Miranda (Life of Pi) - Dựng phim hay nhất: William Goldenberg (Argo) - Hiệu ứng hình ảnh: Bill Westenhofer, Guillaume Rocheron, Erik-Jan de Boer, Donald R.Elliott (Life of Pi) - Hòa âm xuất sắc: Andy Nelson, Mark Paterson, Simon Hayes (Les misérables) - Nhạc phim hay nhất: Mychael Danna (Life of Pi) - Biên tập âm thanh xuất sắc nhất: Per Hallberg, Karen Baker (Skyfall) và Paul N.J.Ottosson (Zero dark thirty) - Hóa trang và làm tóc đẹp nhất: Lisa Westcott, Julie Dartnell (Les misérables) - Phim ngắn hay nhất: Curfew - Phim hoạt hình ngắn hay nhất: Paperman - Phim tài liệu hay nhất: Searching for sugar man. |
Đỗ Tuấn
>> Iran chỉ trích giải Oscar cho phim "Argo
>> Những khoảnh khắc khó quên tại Oscar 85
>> Các sao hội tụ tại lễ trao giải Oscar
>> Argo" đoạt Oscar Phim hay nhất
>> Lễ trao giải Oscar 2013: "Bật mí" giờ chót
Bình luận (0)