Trailer Ghostbusters: Frozen Empire
Ghostbusters: Frozen Empire (tựa Việt: Biệt đội săn ma: Kỷ nguyên băng giá) là phim điện ảnh thứ năm, cũng là phần phim tái khởi động thứ hai của thương hiệu sau Ghostbusters: Afterlife (2021). Trong hai phần phim do mình viết kịch bản, biên kịch, đạo diễn Gil Kenan cố gắng cài cắm các tình tiết mang tính hoài niệm mà vẫn đảm bảo tính giải trí, từ đó thu hút được fan ruột cũng như các khán giả trẻ đến rạp.
Trong phim mới, gia đình bốn người Gary Grooberson (Paul Rudd), Callie Spengler (Carrie Coon), Trevor (Finn Wolfhard) và Phoebe (Mckenna Grace) sau khi kế thừa di nguyện của tiền bối Egon Spengler (cố diễn viên Harold Ramis) đã quyết tâm trở thành những người bắt ma, cứu thị trấn khỏi những thế lực tâm linh.
Tuy nhiên, sau một lần đụng độ hồn ma dẫn đến việc tài sản công cộng bị hư hại nghiêm trọng, chính quyền thành phố đặt nghi vấn lên nhóm săn ma mới. Riêng cô bé Phoebe bị tước quyền săn ma, do mới 15 tuổi. Trong lúc giải quyết các rắc rối này, nhóm Ghostbusters nhận ra họ sắp sửa phải đối đầu với một thực thể tâm linh cổ xưa, mang dã tâm mang trái đất về kỷ băng hà một lần nữa.
Giữ phong độ về mặt hình ảnh
Từ Ghostbusters: Afterlife đến Ghostbusters: Frozen Kingdom, người hâm mộ dễ nhận ra những cải tiến về phần nhìn của thương hiệu. Hiệu ứng của những khẩu súng bắt ma cũng được đầu tư tiểu tiết, nịnh mắt người xem.
Trong trường đoạn rượt đuổi đầu phim, kịch bản để mỗi gia đình nhà Spengler sử dụng những thiết bị khác nhau bắt ma, tạo được chuỗi hiệu ứng thị giác bắt mắt. Để tăng tính chân thật, phim khắc họa thêm nhiều cảnh đường phố, cơ sở hạ tầng bị cháy nổ, hư hại trong quá trình người - ma giằng co. Song, công bằng mà nói, kỹ xảo của Ghostbusters: Frozen Kingdom chỉ ở mức giữ phong độ so với phim trước, chứ không vượt trội.
Đáng tiếc là phim có cố gắng, nhưng không đáng kể, trong việc giới thiệu các thiết bị phân tích linh hồn của nhóm nhân vật chính. Dù có cách vận hành sáng tạo, chúng không đóng góp gì cho tình tiết ở nửa sau phim và nhanh chóng bị lãng quên.
Các hồn ma “linh vật” của loạt phim như Slimer, Stay-Puff Man nay được đồ họa 3D sắc nét, cùng những cử động linh hoạt giúp chúng trở nên chân thực hơn. Một số phân cảnh, “đám loi nhoi” Stay-Puft Man thực hiện những hành động buồn cười, nhí nhố không khác gì các Minion trong loạt phim cùng tên của hãng hoạt hình Illumination. Chúng vốn là những phản diện gây đau đầu cho nhóm Ghostbusters tiền nhiệm, nay được tái tạo hình để trở nên hài hước, thân thiện hơn trong mắt khán giả trẻ.
Ngược lại, điểm yếu ở khâu hình ảnh của Ghostbusters: Frozen Kingdom đến từ phản diện chính - ác thần băng giá Garraka. Được giới thiệu là thực thể siêu nhiên thông minh, nham hiểm, song Garraka lại có tạo hình “lười biếng”, giả trân, luôn được phủ những lớp sương khói mờ ảo để che khuyết điểm - như thể trò chơi điện tử chứ không phải phim điện ảnh. Các chiêu thức băng giá của nhân vật này cũng được thể hiện hời hợt, không mang đến sức nặng hay nỗi ám ảnh. Trước đây, thương hiệu Ghostbusters từng có những trùm ác với tạo hình và tính cách thú vị hơn, như cổ thần Gozer hay Tử tước Vigo khát máu.
Kịch bản thiếu chiều sâu
Việc cài cắm các chuẩn mực xã hội “woke” (thức tỉnh) vốn là trào lưu không ít hãng phim Hollywood theo đuổi. Trước đây, thương hiệu Ghostbusters từng có phiên bản điện ảnh cùng tên ra mắt năm 2016, bị chỉ trích dữ dội do cố tình nhồi nhét nhiều thông điệp về nữ quyền, đồng tính, sức mạnh người da màu. Đến Ghostbusters: Afterlife và Ghostbusters: Frozen Kingdom, hãng phim có nhiều thời lượng để truyền tải các thông điệp mang tính thời đại hơn, từ đó cũng giúp người xem không bị “bội thực”.
Tuy nhiên, cách nhóm thông điệp được truyền tải chỉ ở bề nổi, chủ yếu thông qua hành trình riêng của cô bé Phoebe sau khi bị tước quyền bắt ma vì chưa đủ tuổi. Là phái yếu, song Phoebe luôn tìm cách chứng minh trí tuệ và năng lực của mình không thua gì nam giới. Nhưng thay vì khắc họa những nỗ lực của nhân vật, phía biên kịch lại để Phoebe “báo”, vô tình tiếp tay cho tên trùm Garraka. Ẩn ý cho việc cô thuộc cộng đồng LGBTQ+ cũng bị khắc họa hời hợt, không mang lại cảm xúc cho người xem.
Thực tế, vai này chỉ được “cứu” nhờ tài năng diễn xuất của Mckenna Grace. Sinh năm 2006, nữ diễn viên đã sớm thử sức với vai quan trọng trong nhiều phim điện ảnh, nên có thể nói nhân vật Phoebe không quá tầm cô. Grace thể hiện được sự tự tin của một cô bé thông minh, nhưng gặp nhiều trắc trở trong việc tìm kiếm chỗ đứng của mình trong xã hội người lớn. Cô diễn xuất được nhiều tâm trạng hơn nhóm những tài tử trưởng thành, trong đó có cả Paul Rudd - nổi tiếng với vai Ant Man trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel.
Ở nửa sau tác phẩm, do quá tham các tình tiết hoài niệm và tri ân, mạch phim dần trở nên lan man. Những khán giả đến với Ghostbusters vì các màn bắt ma kỳ thú, hay những linh hồn muôn hình vạn trạng với nguồn gốc độc đáo sẽ dễ thất vọng, vì phần lớn thời lượng giữa phim là… hội thoại. Nhà làm phim muốn khắc họa những bất ổn, bất đồng trong gia đình Spengler, song chỉ trải chúng ra qua những câu thoại dài dòng, thay vì lột tả bằng hình ảnh. Việc này cũng khiến mạch phim trở nên nghiêm túc quá mức cần thiết, nhưng lại không đủ sức nặng - tạo ra một tác phẩm ngổn ngang những tình tiết vụn vặt mà thiếu điểm nhấn.
Đồng thời, các nhân vật mới đóng vai trò quan trọng trong hồi kết của phim lại bị giới thiệu một cách đại khái, cợt nhả, như thể phía biên kịch đang lúng túng trong việc cân bằng giữa việc đây sẽ là một phần phim nghiêm túc và có chiều sâu, hay hài nhảm vậy. Chẳng hạn, nhân vật Hỏa Sư được mô tả là khắc tinh của quỷ băng, song cách anh ta làm chủ sức mạnh lại được khắc họa một cách nhạt nhẽo, chóng vánh, gây tiếng cười không cần thiết.
Nhìn chung, xét về mặt thương mại, doanh thu mở màn của Ghostbusters: Frozen Empire ấn tượng hơn phần phim trước, đồng thời là đòn bẩy giúp thương hiệu quen thuộc của văn hóa Mỹ đạt cột mốc tỉ USD. Tuy nhiên, nếu xét riêng, tác phẩm không có sự đột phá về kịch bản, cũng không có nhiều thông điệp đủ mới để cạnh tranh với nhiều phim cùng thể loại thời nay.
Bình luận (0)