Phim tài liệu Việt vẫn... ngắn!

Ngọc An
Ngọc An
11/06/2022 06:08 GMT+7

Cũng như nhiều kỳ Liên hoan phim tài liệu châu Âu - VN, tại Liên hoan phim lần thứ 12 (diễn ra từ ngày 3 - 12.6 tại Hãng phim Tài liệu và khoa học T.Ư, Hà Nội), những bộ phim tài liệu VN trình chiếu chỉ dài 30 phút hoặc ít hơn.

Quen với cách làm “phim đặt hàng”

Buổi chiếu khai mạc Liên hoan phim (LHP) tài liệu châu Âu - VN vừa qua giới thiệu 2 bộ phim: Những vùng đất hồi sinh của đạo diễn Đỗ Huyền Trang dài 32 phút và bộ phim Trong từng phút giây (De chaque instant) dài 107 phút của đạo diễn Pháp Nicolas Philibert. Bộ phim tài liệu của nữ đạo diễn trẻ VN nói về cuộc chiến tranh hóa học do đế quốc Mỹ thực hiện ở miền Nam VN vào những năm 1961 - 1971 cùng những hậu quả nặng nề với hệ môi trường sinh thái cũng như người dân VN, và sau đấy là công việc khắc phục hậu quả da cam, xử lý những khu vực bị nhiễm chất độc hóa học dioxin. Còn bộ phim của đạo diễn gạo cội người Pháp, 71 tuổi, thì xoay quanh câu chuyện về hàng chục nghìn người trẻ học điều dưỡng mỗi năm tại Paris, Pháp. Họ phải tiếp thu, nắm vững lượng lớn kiến thức với trách nhiệm nặng nề. Phim đã nhận đề cử giải César cho phim tài liệu xuất sắc vào năm 2019, đề cử giải Ánh sáng của báo chí nước ngoài cho phim tài liệu xuất sắc.

Hình ảnh trong phim tài liệu Chuyện ngày hôm qua

tư liệu

Nhìn vào mặt bằng phim tài liệu Việt và nước ngoài được chiếu trong khuôn khổ LHP tài liệu châu Âu - VN đang diễn ra, có thể thấy thời lượng phim ngoại thường dài gấp đôi, gấp 3 phim nội.

NSƯT - đạo diễn Trịnh Quang Tùng, Phó giám đốc Hãng phim Tài liệu và khoa học T.Ư, cho hay từ trước đến nay theo quy định, thời lượng của những phim tài liệu nhà nước đặt hàng hãng thường chỉ khoảng 30 phút. Theo ông Tùng, với thời lượng ngắn, ở nhiều đề tài, nhà làm phim nhiều khi “khó nói được hết ý tưởng”, bên cạnh đó: “Phim tài liệu có thời lượng ngắn khó ra rạp chiếu trong nước cũng như nước ngoài, hay ít có cơ hội tham dự những LHP dành cho phim tài liệu dài mà chỉ có thể tham gia LHP dành cho phim tài liệu ngắn”.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, từng băn khoăn: “Phim tài liệu Việt chưa được quan tâm đến thời lượng dài. Trong khi đó, với một số đề tài, những bộ phim đủ thời lượng mới nói được vấn đề mang tầm vóc, sâu sắc, đi đến tận cùng; phải có đủ thời lượng thì nghệ sĩ mới dễ đưa thông điệp, truyền tải những ý tưởng sáng tác… Nếu chúng ta không triển khai việc tổ chức sản xuất những phim tài liệu 60 phút trong khi thế giới đã làm rồi, thì tự chúng ta hạn chế sức sáng tạo của nhà làm phim cũng như không biết tận dụng triệt để để có những tác phẩm tầm cỡ”, ông Thành nói.

Chờ… duyệt !

“Để làm một phim tài liệu dài cần nhiều yếu tố từ kinh phí đến chất xám. Bên cạnh đó, nếu phim muốn hướng đến mục đích ra rạp thì phim phải đạt tiêu chuẩn cao từ công đoạn tiền kỳ đến hậu kỳ. Có thực tế là, số lượng nhân sự trong đó đạo diễn có khả năng làm được phim tài liệu dài cũng không hẳn nhiều”, đạo diễn Trịnh Quang Tùng nói và cho rằng, ngoài những yếu tố kể trên, điều quan trọng, làm phim tài liệu dài vẫn cần xuất phát từ câu chuyện, vấn đề hấp dẫn.

Ông Vi Kiến Thành cũng cho rằng, để có một bộ phim tốt luôn cần có một kịch bản tốt. Bởi vậy, năm ngoái, Cục Điện ảnh đã phát động cuộc thi Sáng tác kịch bản phim tài liệu (60 phút) và phim hoạt hình (90 phút). Kết quả, kịch bản Lửa giận giành giải nhất và kịch bản Đồng bằng sông Cửu Long và nông nghiệp thuận thiên giành giải ba, không có giải nhì.

Phim tài liệu “nhà nước” hiếm hoi ra rạp

Năm 2017, phim tài liệu Chuyện ngày hôm qua dài 75 phút, xoay quanh ban nhạc Bức Tường và “thủ lĩnh” Trần Lập, trở thành phim tài liệu “nhà nước” hiếm hoi ra rạp chiếu.

Không đi theo con đường cũ, hai đạo diễn trẻ Đặng Linh và Hồng Thăng cùng ê kíp của Hãng phim Tài liệu và khoa học T.Ư đã thực hiện bộ phim theo lối kể chuyện trực tiếp. Phim không có lời bình, những câu chuyện được chính người trong cuộc là các thành viên của ban nhạc Bức Tường, đồng nghiệp, gia đình và hàng xóm... của ca sĩ Trần Lập chia sẻ.

“Không phải chúng ta không quan tâm đến phim tài liệu ngắn nữa mà song song với đó cần sản xuất phim dài. Đó cũng là một hướng sáng tác cho anh em rộng đường, có điều kiện, cơ hội để làm dài hơi, chuyển tải nhiều vấn đề hơn”, ông Thành cho hay và nhìn nhận: “Nếu quan tâm đầu tư, lực lượng anh em làm phim tài liệu có khả năng làm phim dài có nội dung ấn tượng, sâu sắc, cũng như có thể tham gia LHP quốc tế”.

Mỗi năm, số lượng đầu phim được nhà nước đặt hàng khác nhau. Trung bình, nhà nước đặt hàng, đầu tư cho phim tài liệu với kinh phí khoảng 700 - 800 triệu đồng/phim có thời lượng khoảng 30 phút, với khoảng hơn 20 đầu phim. Theo đề xuất của Cục Điện ảnh, nếu có kịch bản phim dài tốt, kinh phí cho mỗi phim có thể tăng gấp đôi, gấp 3 tùy thời lượng phim.

Ông Trịnh Quang Tùng cho hay, Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT-DL đã trình đề xuất sản xuất phim tài liệu dài lên Bộ Tài chính và đang chờ duyệt. Kế hoạch sản xuất phim tài liệu dài vẫn chờ kinh phí để triển khai. Trong lúc chờ đợi, theo ông Tùng, có một số phim dài tại hãng vừa qua được đạo diễn đầu tư không chỉ công sức mà cả… tiền của. “Đạo diễn muốn đầu tư và họ chấp nhận bỏ thêm tiền để làm phim dài vì muốn được chơi, muốn thể nghiệm, muốn sản phẩm hoàn thiện theo ý mình”, ông Tùng lý giải.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.