(TNO) Việc xây dựng phim trường Yên Tử, được xem là phim trường cổ trang lớn nhất Việt Nam, với đạo diễn, NSƯT Văn Lượng - người tham gia chủ trì dự án phim trường rộng 14,6 ha này tại xã Thượng Yên Công, TP.Uông Bí (Quảng Ninh) - không chỉ đơn thuần là chỗ thực hiện bộ phim truyền hình 45 tập Phật hoàng Trần Nhân Tông vào cuối tháng 4 tới mà còn là nơi để tiếp cận và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Giếng Mắt Rồng trong phim trường
|
Theo cách nói của đạo diễn, NSƯT Văn Lượng, đó là một cách tiếp cận mới với văn hóa truyền thống, đồng thời mở ra một hướng đi mới có nhiều triển vọng cần được khích lệ tại Việt Nam.
PV Thanh Niên Online đã trao đổi với ông để tìm hiểu kỹ hơn về điều này.
* Đổ nhiều tiền của, công sức và thời gian vào dự án phim trường này liệu có là điều xa xỉ quá tại thời điểm này không, thưa ông?
Số tiền đầu tư thực sự rất lớn, anh em tham gia xây dựng dự án phim trường cổ trang này cũng tốn không ít tâm huyết và thời gian chạy nước rút hoàn thiện phim trường đúng thời hạn. Nhưng đây là điều thực sự cần làm và không hề xa xỉ nếu tính đến những giá trị lâu dài. Ngoài việc quay bộ phim truyền hình 45 tập Phật hoàng Trần Nhân Tông, phim trường này nếu hoàn thiện xong sẽ là nơi cung cấp địa điểm quay lý tưởng cho nhiều phim truyện, phim truyền hình lịch sử, dã sử khác. Thậm chí, nó còn có thể trở thành một địa điểm du lịch lý tưởng cho khách du lịch tới Yên Tử nếu được đầu tư và quản lý bài bản.
* Vậy, thưa ông, phim trường này có gì khác biệt?
|
Phim trường này sẽ là “khu vườn cổ tích” tái tạo không gian văn hóa của người Việt xưa với những cảnh quan mô phỏng đời sống sinh hoạt, văn hóa bản địa, khu hoàng thành, nhà ở quan lại, khu phố thị và làng xã Việt Nam xưa…
Xin cho biết, tiến độ phim trường hiện đã hoàn thiện tới đâu?
Dự án phim trường do Công ty cổ phần Việt Nam Tinh Hoa làm chủ đầu tư và chủ trì thực hiện, đã nhận được sự đồng thuận và tạo điều kiện tối đa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch cùng UBND tỉnh Quảng Ninh. Tới nay đã hoàn thành xong cơ bản một phần mặt bằng, các tuyến đường chính dẫn vào phim trường, một số cầu, cổng, 2 giếng Mắt Rồng, nhà Thất Thiền Quốc Sư Phù Vân, nhà Ái Tình bên hồ Tụ Thủy, khu Phố Thị với hơn 30 ngôi nhà lớn nhỏ... 60 ngôi nhà sàn, nhà gỗ cổ, hàng trăm cây đại thụ từ nhiều vùng miền trong nước đã được mua về dựng, trồng lại tại đây; đặt nhiều nghệ nhân chế tác riêng hàng ngàn đồ gốm sứ, đồ gỗ, trang phục, giáp trụ, vũ khí… Theo dự kiến, từ nay tới đầu năm 2016, phim trường sẽ hoàn thành tiếp một loạt hạng mục; như: cụm tổng công trình Hoàng thành, khu nhà ở quan lại, đường nội bộ, cầu cống, các nhà cổ của làng xã nhiều vùng miền…
Mỗi công trình trên phim trường đều được thiết kế công phu, tỉ mỉ để có thể tạo ra nhiều góc quay khác nhau, sử dụng được cho nhiều phim khác nhau. Ngoài ra, các hệ thống cửa, đồ trang trí có thể thay thế, thắo lắp cơ động để dễ dàng thay đổi bối cảnh theo từng phim.
Có một số ý kiến lo ngại về việc phim trường quá gần khu vực danh thắng Yên Tử sẽ làm phá vỡ cảnh quan. Ông thấy sao?
Quá trình thiết kế và xây dựng phim trường luôn đáp ứng tiêu chí tôn trọng, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên của Yên Tử. Khoảng cách gần nhất của phim trường tới khu danh thắng cũng đã là 140 m nên cũng không có điều gì phải lo ngại cả.
Ông có kỳ vọng gì sau khi phim trường được hoàn thiện?
Tôi hy vọng phim trường sẽ trở thành điểm thu hút du khách trong và ngoài nước muốn tìm hiểu sâu về văn hóa, lịch sử Việt Nam thông qua cách trình bày đa dạng, hấp dẫn. Đây cũng là một cách tiếp cận mới với văn hóa truyền thống, đồng thời mở ra một hướng đi mới có nhiều triển vọng cần được khích lệ tại Việt Nam. Đó là việc đầu tư vào mảng du lịch điện ảnh, vốn đang rất thu hút và mang lại hiệu quả cao, như cách làm của các nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển.
Xin cảm ơn ông và rất háo hức chờ đợi ngày khánh thành phim trường!
Các nhà làm phim bên giếng Mắt Rồng trong phim trường
|
Một số nhà sàn đã hoàn thiện tại phim trường
|
Khách tham quan mô hình phim trường
|
Thử phục trang cho diễn viên phim truyền hình Phật hoàng Trần Nhân Tông
|
Đạo diễn -NSƯT Văn Lượng (thứ tư, từ phải sang) giới thiệu phục trang một số nhân vật trong phim Phật hoàng Trần Nhân Tông
|
Đạo diễn - NSƯT Văn Lượng (ngoài cùng, bên phải) tại khu vực phục dựng nhà cổ trong phim trường - Ảnh: Nhân vật cung cấp
|
Phim trường cổ trang Yên Tử chia làm hai khu vực với 2 đường dẫn có tên Đào Nguyên và Tùy Duyên.
Tại khu phim trường 1 bố trí cảnh quan mô phỏng đời sống văn hóa bản địa và nhiều công trình phóng tác như: chợ quê, bãi tập binh lính, đền - miếu dân gian và một số cụm kiến trúc mô phỏng khu sứ quán, trạm ngựa, nơi tiếp sứ thần, cổng thành cổ, lầu gác, nhà sàn… Khu vực này sẽ được xây dựng thành khu du lịch văn hóa với những gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm mô phỏng đạo cụ dùng trong các bộ phim cổ trang quay tại phim trường.
Khu phim trường 2 là khu trung tâm của dự án với 6 khu phục dựng cảnh quan theo đặc thù vùng miền, giai cấp, địa vị xã hội thu nhỏ của một kinh đô xưa (gồm cả nội thị và ngoại thành). Khu Hoàng Thành là bối cảnh chính với Đại Điện rộng 1.500 m2, bên trong là một phim trường tạo dựng nội thất của các cảnh phim. Đại Điện còn dùng làm phòng chiếu, nơi lưu trữ tư liệu giới thiệu các phim cổ trang sẽ quay tại đây. Các khu vực: Phố Thị, Khu nhà quan lại, Làng xã Việt Nam, Hồ Thiền được phục dựng theo đúng lối kiến trúc đặc trưng của từng vùng miền dân tộc. Vườn địa đàng Thượng Uyển ngoài 20 cây cầu đá cổ còn có những dòng thác đổ, dòng suối cùng nhiều phiến đá cổ…
|
“Hiện cả nước mới chỉ có phim trường Cổ Loa nhưng quy mô phim trường này còn nhỏ và hạn chế, chỉ có trường quay nội cảnh chứ chưa có trường quay ngoại cảnh cho phim cổ trang. Phim trường cổ trang đặt tại vùng núi Yên Tử là một dự án sáng tạo hết sức táo bạo, đáng khích lệ. Nếu dự án thành công sẽ mở ra cơ hội cho dòng phim cổ trang Việt, cho mảng đề tài có nhiều “mỏ vàng” để khai thác: đề tài lịch sử Việt Nam” - theo NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam.
“Đây là một công trình theo tiêu chí thuần Việt, đa năng, quy mô vừa phải nhưng thiết thực với việc đầu tư sản xuất phim cổ sử Việt” - theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam, Trưởng ban cố vấn dự án phim trường trên.
|
Bình luận (0)