Phim truyền hình và... văn hóa công sở

20/04/2009 22:38 GMT+7

Hai bộ phim truyền hình dài tập Cô gái xấu xí và Những người độc thân vui vẻ phát trên VTV đã gây ra nhiều nhận xét, đôi lúc, gần như trái ngược nhau. Trong bài viết này, chúng tôi không nhắc lại chuyện mọi người đã bình luận, chỉ xin nói đến một khía cạnh khác, như đầu đề bài viết đã nêu.

“Anh tám, chị tám”

Câu chuyện bắt đầu từ hôm chúng tôi đến nhà một người bạn, đúng vào lúc anh chị đang phê bình cô con gái học lớp 11 mãi buôn chuyện trên điện thoại. Thấy khách đến, cô con gái đứng dậy nói một câu: “Thì mẹ hơn gì con, nói đi làm nhưng đến để... “buôn dưa lê” suốt ngày”. Chị vợ ngạc nhiên hỏi: “Sao con dám nói...”. Cô học sinh chỉ tay lên tivi đang phát bộ phim Cô gái xấu xí, đoạn quẳng một câu: “Thì đó!”, rồi bỏ đi lên phòng.

Câu chuyện của chúng tôi hôm đó tự dưng lại quay sang chủ đề... văn hóa công sở trong phim truyền hình.

Trước hết, phải nói rằng, một bộ phim chỉ đi vào một chủ đề nào đó chứ không phải phản ánh toàn bộ những gì diễn ra, phim này cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, câu chuyện mà bộ phim phản ánh xảy ra tại Công ty SBBT gần như được “tường thuật trực tiếp” trên 169 tập phim khiến người xem có cảm giác như những người ở công ty này đến nơi làm việc chỉ để... tám. Anh An Đông rồi đến cô gái xấu xí Huyền Diệu quả là những người “đặc biệt” khi thay nhau điều hành một công ty mà tất cả các thuộc cấp đều là những người lắm chuyện. Họ chõ mũi vào tất cả mọi chuyện, không chỉ chuyện công ty mà cả chuyện của từng cá nhân. Bất kỳ lúc nào họ cũng “rình rập” người khác (kể cả rình ở cửa phòng của sếp) để nghe lén rồi mang chuyện ra “ngồi lê đôi mách”. Trong bối cảnh đó, cô Huyền Diệu điều hành thành công mới là đại tài.

Nhóm G7 bao gồm các bà tám làm việc tại Công ty SBBT là trung tâm của những cuộc đàm tiếu xôm tụ, có lẽ “hợp khẩu vị” các bà các cô ngoài đời nên mỗi lần họ xuất hiện trên phim là các bà các cô xem truyền hình rất... đã đời! Điều đó nói lên rằng, đạo diễn bộ phim đã nắm bắt và phản ánh rất tốt tâm lý của các bà các cô... xem đài. Chỉ có điều, từ một thói quen xấu là dùng thời gian làm việc để “tám” ở công sở đáng bị phê phán thì đạo diễn đã làm cho người xem thú vị mà... phát huy, đó thực là điều không nên và không thể chấp nhận!

Bây giờ thử hỏi xem, có một giám đốc nào có thể lãnh đạo một công ty toàn “anh tám, chị tám” như thế lại thành công như Huyền Diệu? Chắc không, trừ chuyện trong phim này!

Có không văn hóa công sở?

Theo giới thiệu thì “Những người độc thân vui vẻ khắc họa góc sống của những người trẻ tuổi độc thân trong môi trường làm việc nhiều cạnh tranh và áp lực để quản lý một khu nhà (gồm nhiều dịch vụ như khách sạn, cho thuê văn phòng và một số căn hộ cao cấp). Khu nhà có tên là “Vui Vẻ”. Vui vẻ cũng là phương châm sống và làm việc của họ, những người có trình độ, có ước mơ và có những tính cách khác nhau...”.

Xem phim mới thấy, giám đốc phụ trách nhóm nhân viên trong khách sạn (Quốc Khánh) là một anh chàng ngoài 30 tuổi nhưng chưa lập gia đình, anh là người tốt bụng nhiệt tình và có trách nhiệm trong công việc, vừa có nét láu cá, vừa chững chạc, đàng hoàng. Mai Lệ (Vân Dung), nhân viên quầy lễ tân, yểu điệu, yêu thích thời trang và chưa lập gia đình. Bên cạnh đó là Thục Trinh (Minh Hằng), giám đốc bộ phận buồng phòng, 32 tuổi, chưa lập gia đình, là người có học vấn cao nhưng tính tình lạnh lùng ghê gớm, tham vọng và thủ đoạn... Có cảm giác như tất cả họ suốt ngày không làm gì khác chỉ đi rình rập nhau, kiếm chuyện để “buôn dưa lê”.

Phim dài... 500 tập nên, như đã nói ở trên, tình tiết xảy ra như được “tường thuật trực tiếp”, vì thế người xem, sau những tràng cười (có thể) bèn nhận ra rằng, ngôi nhà này đúng là một ngôi nhà... kỳ dị về mặt văn hóa công sở. Vậy thì ước mơ của họ ở đâu? Văn hóa của họ ở đâu? Chẳng lẽ rình rập người khác để nghe lén rồi buôn chuyện lại là phương châm sống chỉ để cho... vui vẻ của họ?

Lâu nay, người ta vẫn tránh nói đến một chức năng giải trí của văn nghệ, dù chức năng ấy là có thật. Nhưng giải trí cũng mang lại được một điều gì đó tốt đẹp (có tính giáo dục) chứ không thể sau giải trí lại mang đến cho người xem một sự ngộ nhận như cô nữ sinh lớp 11 nói trên. Các cháu xem phim xong có cảm giác người lớn chỉ bắt trẻ con làm hết chuyện này đến chuyện khác, bố mẹ dạy con phải thế này thế nọ..., còn họ đi làm thiệt quá đã, vì họ chỉ đến đó để buôn chuyện mà thôi!

Chúng ta đang xây dựng văn hóa doanh nhân, văn hóa công sở..., vì thế phim truyền hình không phải là ngoại lệ trong tiến trình xây dựng văn hóa đó!

Nguyễn Thế Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.