Trăng nơi đáy giếng vừa giành giải thưởng tại Liên hoan phim VN tại Pháp. Chuyện vui nhưng ngẫm ra lại buồn: bộ phim mới đoạt giải nhưng đã được sản xuất cách đây gần một thập niên.
|
Trăng nơi đáy giếng xứng đáng được coi là bộ phim “vàng” của điện ảnh VN. Điều đó được minh chứng khi bộ phim đã giành giải thưởng tại nhiều liên hoan phim (LHP) quốc tế. Nhưng cái tên Trăng nơi đáy giếng lại trở nên lạc lõng khi vừa xuất hiện trong danh sách những bộ phim tham dự LHP tại Pháp. Việc này khiến người ta phải đặt ra câu hỏi: Điện ảnh Việt đương đại thiếu phim hay để đãi khách?
Nước ngoài đưa phim Việt dự LHP quốc tế
Điện ảnh Việt đã góp mặt tại nhiều LHP quốc tế uy tín của thế giới, chỉ có điều không phải người Việt đã làm việc đó. Đạo diễn, nhà biên kịch Phan Đăng Di đã tìm đến LHP Cannes để nhận được kinh phí làm Bi, đừng sợ! Và sau đó, nhà sản xuất nước ngoài đưa Bi, đừng sợ! khi đã hoàn thành trở lại chính Cannes. Bộ phim giành giải thưởng và tên tuổi của một đạo diễn người Việt từ đó đã được thế giới biết đến.
Mới đây phim Nước (chuyển thể từ truyện ngắn Nước như nước mắt của Nguyễn Ngọc Tư) của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh được lựa chọn trình chiếu mở màn trong chương trình Toàn cảnh (Panorama) tại LHP Berlinale. Còn bộ phim truyện đầu tay của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp vừa mới hoàn thành là Đập cánh giữa không trung sẽ tham dự LHP Venice vào tháng 9 tới đây. Nhìn lại, tiếng nói mạnh mẽ giúp thế giới biết đến điện ảnh Việt hầu hết đến từ những nhà làm phim độc lập. Và chính họ mới tạo ra ngôn ngữ điện ảnh khác biệt mà thế giới đang muốn tìm kiếm, chứ không phải những bộ phim giải trí đặc sệt “công thức” của Hollywood, hay những bộ phim chiến tranh sáo rỗng, cũ mèm, làm xong rồi… cất kho. Không nói đâu xa, một liên hoan non trẻ như LHP quốc tế tại Hà Nội cũng khuyến khích phim của các nhà làm phim độc lập nước ngoài. Vậy nhưng, ngay trên “sân nhà”, các nhà làm phim độc lập lại đang đứng ngoài lề với điện ảnh trong nước. “Chưa khi nào tôi được một cơ quan nhà nước nào mời tham dự LHP quốc tế hay tuần lễ phim VN tại nước ngoài”, đạo diễn Phan Đăng Di cười buồn.
|
“Từ trước đến nay việc giới thiệu điện ảnh Việt ra thế giới chưa được làm bài bản, hệ thống. VN không phải là không có phim hay, nhưng chúng ta cần có cách giới thiệu chuyên nghiệp tại các LHP lớn, để độ phổ biến rộng hơn”, Phan Đăng Di nói. Nhưng dường như, nhà nước đang tự “phong tỏa” điện ảnh Việt đến với LHP quốc tế, trong đó có cả con đường đến Oscar. Trong khi Oscar thường hướng tới các vấn đề, thông điệp mang tính toàn cầu thì hội đồng tuyển chọn phim VN lại thích chọn những bộ phim có nội dung “khu biệt”, quan trọng là đáp ứng được tiêu chí “đậm đà bản sắc dân tộc”. “Cũng dễ hiểu thôi, nhà nước bỏ tiền làm phim thì nhà nước cũng phải quan tâm đến cả việc gửi phim đi dự các liên hoan. Còn vị trí của các nhà làm phim độc lập tất nhiên bị đặt nằm bên ngoài”, đạo diễn Phan Đăng Di nhìn nhận.
“Curator” điện ảnh
Tại các quốc gia có nền điện ảnh phát triển, người lựa chọn phim tham dự LHP không phải là một cơ quan quản lý nhà nước, mà là những “curator” (người giám tuyển), có thể là những nhà phê bình phim uy tín, nắm rõ hệ thống LHP quốc tế và biết cách giới thiệu các bộ phim một cách chuyên nghiệp. Hàn Quốc thường lựa chọn những curator là người nước ngoài bởi họ sẽ có cái nhìn riêng biệt, độc lập và khách quan.
Nhìn vào chiến lược phát triển điện ảnh VN tầm nhìn đến năm 2030, một trong những nhiệm vụ chủ đạo quảng bá phim Việt bằng cách đưa phim tham dự các LHP quốc tế. Tất nhiên ai cũng hiểu, để làm được điều đó cần phải có phim hay, nhưng khi đã có phim hay thì phải có người chọn phim giỏi. Điện ảnh Việt đến với thế giới như thế nào sẽ phụ thuộc vào cả những “curator” điện ảnh.
Ngọc An
>> Trao giải Liên hoan phim VN tại Pháp
>> Khai mạc Liên hoan phim VN lần thứ 18
>> Tuy Hòa đón Liên hoan phim VN lần thứ 17
>> Liên hoan phim VN: Đến hẹn lại... buồn
Bình luận (0)