Phim Việt thiếu hơi nóng hiện thực xã hội

Ngọc An
Ngọc An
16/04/2018 06:18 GMT+7

Hiện thực xã hội với những vấn đề 'nóng' xuất hiện ngồn ngộn trong những tác phẩm điện ảnh của thế giới và khu vực nhưng thiếu vắng trong điện ảnh Việt.

Có rất ít phim chạm đến những vấn đề “nóng” trong các phim Việt ra mắt vài năm trở lại đây, mà phần lớn đi theo các đề tài tình yêu nam nữ, tình cảm học đường, kinh dị, võ thuật, cổ trang... Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nói ông thấy tiếc vì có nhiều chất liệu hiện thực, những vấn đề của xã hội như mối quan hệ thầy trò, sự tha hóa của con người, hay những điểm sáng trong cuộc sống… đủ để gây nhức nhối, xúc động cho khán giả, nhưng lại hầu như không tìm thấy trong phim Việt. “Điện ảnh đang có phần tách khỏi đời sống xã hội hiện nay”, ông nhìn nhận.
Nhiều chất liệu hiện thực, những vấn đề của xã hội như mối quan hệ thầy trò, sự tha hóa của con người, hay những điểm sáng trong cuộc sống… hầu như không tìm thấy trong phim Việt
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân
Nguyên nhân của sự “tách khỏi” này, theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, là bởi xu hướng của điện ảnh đi theo hướng nào đều phụ thuộc vào nhà đầu tư. “Đi theo hướng đề tài xã hội e rằng phim khó ăn khách. Hầu hết các nhà đầu tư sợ làm phim không có lợi nhuận, vì thế không đầu tư cho mảng đề tài này”. Nhà biên kịch cho hay, chị biết nhiều tác giả kịch bản đã viết về đề tài hiện thực xã hội, nhưng làm xong rồi “không biết “bán” ở đâu cả”.
Với góc nhìn của người trong cuộc, đạo diễn Lương Đình Dũng cũng nhìn nhận: “Những phim về đề tài xã hội thường sẽ khó hơn về cả sản xuất lẫn phát hành. Trong khi khu vực đầu tư điện ảnh hiện tại chủ yếu là tư nhân. Làm phim cũng là việc kinh doanh có mức độ rủi ro cực cao. Tôi cho rằng những nguyên nhân đó cộng lại khiến phim Việt vắng đề tài xã hội. Chúng ta không thể trách tư nhân vì sao không mạo hiểm đầu tư vào các đề tài này, bởi ai trong hoàn cảnh của họ cũng ít dám mạo hiểm”.
Gai góc vẫn ăn khách
Mặc dù việc bỏ tiền làm phim về đề tài hiện thực xã hội bị cho là mạo hiểm, nhưng không phải không có nhà đầu tư dám làm phim về mảng này. Còn nhớ, năm 2017, dù còn nhiều ý kiến khen chê khác nhau, nhưng bộ phim S.O.S Sói trắng của đạo diễn Lê Hoàng khai thác đề tài ấu dâm cho thấy sự quan tâm và dám liều của nhà đầu tư với mảng phim có đề tài này. Ngoài ra, có thể nhắc đến bộ phim Lô tô của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, lấy cảm hứng từ bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, về những phận đời, phận người trong lô tô hội chợ.
Đạo diễn Lương Đình Dũng tuyển diễn viên cho phim 578
Mới đây, đạo diễn Lương Đình Dũng đã khởi động dự án phim 578, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của anh. Bộ phim là câu chuyện về cuộc sống của một người lái xe container và cô con gái nhỏ. Một ngày, cô bé bỗng nhiên không nói được, người cha đau đớn khi phát hiện nguyên nhân là vì cô bé bị xâm hại. Dự án thực hiện với kinh phí dự kiến được công bố lên tới 60 tỉ đồng, với sự hỗ trợ của nhiều nhà đầu tư và cộng đồng. Lương Đình Dũng cho biết anh muốn thực hiện bộ phim của mình theo thể loại phim hành động nhằm hấp dẫn khán giả. “Phim 578 mang một câu chuyện phức tạp, nhưng trong đó người xem vẫn xúc động trước những hình ảnh thiên nhiên đẹp đẽ lẫn những pha hành động, bởi mục tiêu của phim là chinh phục một lượng khán giả lớn đến rạp. Càng đông khán giả thì sức ảnh hưởng của phim mới càng lan rộng, hiệu ứng ngăn chặn xâm hại theo đó có thể lan tỏa đi mọi ngóc ngách”, đạo diễn Lương Đình Dũng nói. Đạo diễn đã quyết định mời chuyên gia võ thuật Hollywood Alain Figlarz, người từng tham gia nhiều bộ phim đình đám như Unleashed (2005), Lucy (2014), Taken 2 (2012), Taken 3 (2014)... sang hỗ trợ những cảnh quay hành động.
Thực tế cho thấy, trên thế giới và trong khu vực, nhiều bộ phim khai thác đề tài hiện thực xã hội rất ăn khách. Bộ phim Mỹ Three billboards outside ebbing, Missouri vừa nhận được đề cử Oscar phim xuất sắc nhất, được làm với kinh phí khoảng 15 triệu USD đã thu về trên 156 triệu USD. Không thể không nhắc đến nền điện ảnh Hàn Quốc với nhiều bộ phim về hiện thực xã hội đương đại đã trở thành hiện tượng, trong đó có phim Hope của đạo diễn nổi tiếng Lee Joon-ik dựa theo vụ án ấu dâm có thật từng gây chấn động Hàn Quốc năm 2008, đã giành giải Phim hay nhất tại giải thưởng Rồng xanh lần thứ 34. Bộ phim được truyền thông khá khiêm tốn nhưng đứng đầu doanh thu phòng vé với 1,2 triệu vé được bán ra chỉ trong tuần đầu công chiếu. Bộ phim sau đó đã được khán giả ở nhiều quốc gia châu Á đón nhận, trong đó có VN.
Đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng: “Trên thế giới, nhiều nhà đầu tư lớn có xu hướng dành kinh phí đầu tư cho các phim đi tham gia liên hoan phim, một phần giúp các nhà làm phim khám phá các đề tài xã hội, đóng góp cho xã hội những cái nhìn mới bằng ngôn ngữ điện ảnh và song hành là nâng cao thương hiệu cho chính nhà đầu tư”. Và anh nhìn nhận: “Tuy ở VN nhà đầu tư chưa quan tâm đến điện ảnh nhiều, các nhà làm phim vẫn đang chật vật tìm kiếm nguồn vốn, thì xu hướng kêu gọi cộng đồng cùng làm phim sẽ mở ra cơ hội cho các nhà làm phim”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.