Quan điểm chuyển đổi số của Việt Nam và thế giới
Thực chất, chuyển đổi số là một khái niệm tương đối mơ hồ, không phải bây giờ mới có mà đã nhen nhóm từ cuối thập niên 1940, khi các nhà khoa học đặt nền móng lý thuyết cho việc chuyển thông tin, dữ liệu giấy tờ thành dạng kỹ thuật số cùng với sự ra đời của World Wide Web. Giai đoạn này được gọi là “digitization”, bước đầu của hành trình chuyển đổi số.
Giai đoạn “digitalization”, dùng công nghệ để tự động hóa các quy trình, bắt đầu từ năm 2000 trở đi khi hạ tầng internet, thiết bị công nghệ đã dần hoàn thiện, các công ty sử dụng thiết bị số như mobile, máy tính để hiện đại hóa tương tác với khách hàng.
Blockchain có thể giúp quá trình chuyển đổi số trở nên hiệu quả hơn |
Từ sau 2010, ngày càng nhiều sản phẩm số như app, bot, AI, thanh toán số… xuất hiện, thúc đẩy chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện. Và chuyển đổi số (digital transformation) có thể xem là quá trình thay đổi nhận thức, mô hình kinh doanh, tích hợp công nghệ số vào hoạt động vận hành doanh nghiệp, cung cấp nhiều trải nghiệm số cho khách hàng, cũng là quá trình mà chính phủ Việt Nam đang muốn các cơ quan ban ngành và doanh nghiệp hướng đến.
Vai trò của blockchain
Vậy blockchain nằm ở đâu trong chuyển đổi số? Có một loạt công nghệ đang là xu hướng của chuyển đổi số như AI, Robot, IoT, Điện toán đám mây… trong đó, blockchain là công nghệ sổ cái phân tán giúp quản trị dữ liệu một cách minh bạch và toàn vẹn.
Ông Trung nhận định: “Cốt lõi của blockchain là công nghệ ứng dụng vào cuộc sống và hướng đến con người, nhưng nếu blockchain không cải thiện được hiệu suất, không mang đến giá trị thiết thực thì nên cân nhắc những giải pháp khác”. Ứng dụng blockchain trong một số trường hợp sẽ làm tăng chi phí lưu trữ thông tin trên nhiều máy chủ. Ngành ngân hàng là ngành tiêu tốn nhiều chi phí nhất cho quản lý dữ liệu và quản trị rủi ro. Do đó, muốn nói đến blockchain thì nên cân nhắc bài toán giá trị cho doanh nghiệp.
Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ về vai trò của blockchain (từ trái qua: ông Trần Dinh, ông Thái Thanh Liêm, ông Nguyễn Giang Nam và ông Đào Tiến Phong) |
Thị trường chuyển đổi số là một thị trường lớn trên thế giới. Số liệu từ Statista cho thấy các doanh nghiệp chi 1,5 nghìn tỉ USD cho chuyển đổi số trong năm 2021 và con số này dự kiến sẽ tăng đến 6,8 nghìn tỉ vào năm 2023.
Ông Trần Dinh - CEO AlphaTrue cho biết: “Có nhiều người nghĩ chính phủ Việt Nam đi chậm trong quá trình chuyển đổi số, nhưng với kinh nghiệm là người hoạt động trong lĩnh vực blockchain, tôi nghĩ điều này là không đúng”.
Đồng tình với ý kiến này, ông Đào Tiến Phong - luật sư Investpush Legal bổ sung: “Chính phủ Việt Nam đã có một số công văn về chuyển đổi số, ví dụ như Quyết định số 942/QĐ-TTg và quyết định số 411/QĐ-TTg được ban hành từ ngày 31.3.2022. Chủ trương của Việt Nam đang đi rất nhanh trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số và các lãnh đạo rất thức thời trong quan điểm chuyển đổi từ chính phủ điện tử sang chính phủ số”.
Theo ông Nguyễn Giang Nam - CEO DecomWings Việt Nam thường đứng ngoài những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, nhưng theo báo cáo của Chainalysis thì Việt Nam đang là nước đi đầu trong việc chấp nhận tiền mã hóa. Ông đặt vấn đề: Việt Nam là khán giả, người tham gia hay người tiên phong ứng dụng blockchain? Tất cả sẽ phụ thuộc vào hành lang pháp lý cũng như sự nỗ lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt.
Bình luận (0)