Lễ hội quy tụ 58 đoàn cồng chiêng của chủ nhà Gia Lai, các tỉnh thành trong cả nước và 5 đoàn cồng chiêng nước ngoài: Lào, Campuchia, Indonesia, Philippines, Myanmar với hơn 3.000 diễn viên, nghệ nhân...
Cồng chiêng “trò chuyện” nơi phố núi
Cả 5 đoàn cồng chiêng thuộc khu vực Đông Nam Á là Lào, Campuchia, Philippines, Myanmar, Indonesia góp mặt trong ngày hội Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại Gia Lai, đã tạo nên một cuộc “trò chuyện” về cồng chiêng khó quên… Tây Nguyên cũng như khu vực Đông Nam Á lâu nay vẫn được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận là cái nôi cồng chiêng của nhân loại.
Đoàn cồng chiêng của Vương quốc Campuchia là một trong 5 đoàn nước ngoài đến TP Pleiku sớm nhất, từ ngày 10.11. Anh Yun Khean, Trưởng đoàn cồng chiêng của Campuchia cho biết đoàn đã chuẩn bị kỹ 5 tiết mục đặc sắc để các nghệ nhân trình diễn. Đoàn cũng đem theo 3 bộ cồng chiêng gồm 1 bộ có 6 chiếc, 1 bộ có 11 chiếc và bộ còn lại có hình bán nguyệt gồm hai vòng lớn với 15 chiếc chiêng nhỏ ở mỗi vòng.
|
Trong những ngày diễn ra lễ hội, hẳn những bài chiêng do các nghệ nhân của Campuchia trình diễn sẽ mê hoặc du khách. Đó là bài Goong Nhek vốn được biểu diễn trong các lễ cưới, để mọi người nhảy múa trong tiếng chiêng ngân. Hay bài chiêng Tarum được biểu diễn trong dịp đâm trâu, uống rượu. Đây là bài chiêng được trình tấu trong lễ hội thường được tổ chức mỗi năm 1 lần vào những dịp đặc biệt mà cộng đồng chọn nhưng không mang tính cố định. Hay bài chiêng Chvea Chongborey, được đánh bởi 2 dàn chiêng bán nguyệt trong những dịp mừng vui.
Đoàn cồng chiêng đến từ Myanmar cũng hứa hẹn nhiều bất ngờ thú vị. Đến với Festival Cồng chiêng quốc tế 2009 tại Gia Lai lần này, đoàn cồng chiêng của Myanmar gồm 10 thành viên. Anh Zaw Moe Kycur - thành viên của đoàn cồng chiêng Myanmar cho biết: “Đoàn chúng tôi đem tới đây rất nhiều tiết mục với 70 chiếc chiêng. Đây là dàn chiêng luôn được biểu diễn tại các cộng đồng, các buổi lễ quan trọng của đất nước Myanmar. Riêng tôi học âm nhạc dân gian được hơn 10 năm, từ khi còn rất nhỏ, hiện làm cán bộ văn hóa ở Myanmar…”.
Hầu hết những chiếc chiêng của đoàn Myanmar đều có kích thước khá nhỏ, được cố định vào những chiếc khung để tiện cho việc biểu diễn. Bộ cồng chiêng của người Mon, một tộc người còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc cũng được đem tới lễ hội lần này. Bộ chiêng này được treo trên những giá đỡ hình móng ngựa. Hy vọng trong những ngày lễ hội, du khách sẽ được thưởng thức những thanh âm độc đáo cất lên từ dàn chiêng này qua sự trình diễn điêu luyện của các nghệ nhân Myanmar.
Anh Zaw Moe Kycur cho biết thêm: Chính quyền ở Myanmar rất coi trọng việc lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều vùng quê của nước này vẫn còn nhiều cồng chiêng và cũng có nhiều người chơi chiêng thành thục. Nhiều trẻ em có năng khiếu được nhà nước tài trợ để học thành thạo, trở thành người giỏi về âm nhạc lẫn am hiểu văn hóa dân gian Myanmar.
Đoàn cồng chiêng của Indonesia cũng góp mặt trong ngày hội lớn nơi phố núi Pleiku. 20 thành viên trong đoàn cùng với nhiều bộ chiêng đem theo sẵn sàng trình tấu khoe tài, hội tụ với các dàn cồng chiêng khác của các nước. Lần này, đoàn biểu diễn tác phẩm Reminder. Nội dung của tác phẩm này, theo anh Solistyo Tirtokusumo, Trưởng đoàn cho biết là nói đến việc bảo tồn văn hóa truyền thống của đất nước mình. “Chúng tôi trình diễn chiêng ở đây như là về với đại gia đình cồng chiêng nên cảm thấy rất tự nhiên, thân thiện”, anh Solistyo Tirtokusumo cho biết.
Cồng chiêng của Lào cũng đã từng được nhiều người biết đến qua internet hoặc qua những chuyến du lịch. Và lần này, du khách cũng như người dân phố núi được tận mắt nhìn thấy các nghệ nhân của Lào biểu diễn cồng chiêng. Đoàn gồm 11 nghệ nhân, một bộ chiêng 8 cái và dự kiến sẽ biểu diễn 5 tiết mục giới thiệu về phong tục tập quán trong cưới hỏi, ma chay, cúng người chết, cúng được mùa…
Cho đến trưa 12.11, đoàn cồng chiêng Philippines mới có mặt ở TP Pleiku sau một số trục trặc trong di chuyển. Anh Kabbigat - Ruel Bimuyag, Trưởng đoàn nói: “Bảy tiết mục của chúng tôi đã sẵn sàng, nếu Ban tổ chức cho phép chúng tôi sẽ biểu diễn như những nghệ sĩ đường phố để phục vụ du khách. Đoàn gồm 8 thành viên, thuộc miền Bắc của Philippines. Họ thuộc nhiều bộ tộc khác nhau. Đoàn chúng tôi tập hợp từ năm 1997 nên những bài nhạc truyền thống được trình diễn lần này hứa hẹn sẽ rất hay bởi mọi người diễn ăn ý với nhau. Ở đất nước chúng tôi, cồng chiêng là một nhạc cụ truyền thống rất được ưa chuộng. Nó đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người rồi…”.
Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi lễ khai mạc Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 vào tối nay (12.11):
|
Thiên Trúc
Bình luận (0)