Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm: Hãy giám sát Bộ trưởng

28/08/2007 21:34 GMT+7

Nhân kỷ niệm 62 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao (28.8.1945-28.8.2007), Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã có buổi đối thoại với thanh niên.

Thanh niên hãy giám sát Bộ trưởng 

Trước khi bắt đầu chương trình giao lưu, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thông báo có 3 việc ông đã hứa với các bạn trẻ trong lần giao lưu trước đã được triển khai thực hiện, đó là: cử thanh niên (TN) vào các cương vị lãnh đạo (trong năm qua, có 4 đoàn viên được bổ nhiệm vào các chức vụ phó vụ trưởng, tập sự cấp vụ); điều chỉnh chính sách sơ tuyển, giảm yêu cầu về chiều cao từ 1m67 xuống 1m65; dành thêm trợ cấp cho TN. Ông Khiêm khẳng định: "TN là bộ phận nòng cốt ở Bộ Ngoại giao. Thế hệ 7X, 8X hôm nay sẽ là lãnh đạo tương lai của đất nước trong thời gian tới. Còn thế hệ 4X chúng tôi sẽ lùi vào hậu trường. Quan tâm đến thanh niên không phải là vấn đề hình thức, đây là vấn đề tiên quyết. Một bộ trưởng không thể không quan tâm đến TN. Nghe tâm tư, nguyện vọng của các bạn, cũng là tạo cho thế hệ 7X, 8X làm tốt công việc hiện nay". Ông Phạm Gia Khiêm tiếp lời: "Các bạn hãy nghe tôi nói, nhưng còn một nhiệm vụ cao cả hơn là mời các bạn hãy giám sát Bộ trưởng xem tôi làm đúng hay không. Nếu không đúng các bạn hãy phê bình nhắc nhở. Đó là phong cách mới, là yêu cầu trong cải cách hành chính. lãnh đạo phải nghe cấp dưới. Nhưng ngược lại, cấp dưới cũng có quyền phản ánh giám sát lãnh đạo".  

Nghe ông Khiêm nói vậy, một bạn trẻ băn khoăn: "Vừa là Phó thủ tướng, vừa là Bộ trưởng bận trăm công, nghìn việc, vậy TN muốn phản ánh những ý kiến với Bộ trưởng phải thông qua cơ chế giám sát nào?". Ông Phạm Gia Khiêm hướng dẫn: "Các bạn hãy gửi qua cấp Vụ Tổ chức. Nếu thấy chậm có thể gửi thư thẳng cho Bộ trưởng. Tôi sẵn sàng nhận tất cả. Tôi rất cần những thông tin đó. Tuy nhiên, những thông tin các bạn phản ánh phải chân thực và xuất phát từ ý thức xây dựng. Tôi hoan nghênh những ý kiến của các bạn".

Ông Phạm Gia Khiêm còn đề nghị giao cho Đoàn TN thu thập sáng kiến gửi lên lãnh đạo bộ. Nhiều ý kiến của các bạn trẻ còn tâm tư về chính sách ưu đãi, sử dụng nhân tài, ông Khiêm ân cần nói: "Con đường để trở thành lãnh đạo không phải là con đường duy nhất vì mỗi cơ quan chỉ có từ 1, đến 2 lãnh đạo. Các bạn hãy phấn đấu thành chuyên gia giỏi trong lĩnh vực ngoại giao. Trong năm 2008, Bộ Ngoại giao sẽ thực hiện phong hàm ngoại giao cho các bạn trẻ tương xứng với trình độ. Nếu là chuyên gia giỏi có thể 2 năm lên một bậc lương, thậm chí 1 năm lên một bậc. Đó cũng là hình thức động viên tài năng trẻ. Nếu giỏi, các bạn sẽ được lên lương tham tán, công sứ, rồi đại sứ".  Thanh niên phải dũng cảm đấu tranh 

Đến với buổi giao lưu không chỉ có các cán bộ trẻ mà còn có rất nhiều các bạn sinh viên Học viện Quan hệ quốc tế cũng hăng hái giơ tay đặt câu hỏi cho Bộ trưởng. Một sinh viên K32, Học viện Quan hệ quốc tế bộc bạch: "Chúng cháu hiện đang rất phân vân và mất niềm tin vì còn rất nhiều bất công chúng cháu phải chứng kiến hằng ngày. Nhưng vì lý do tế nhị cháu không thể nói ra. Bác hãy tiếp thêm niềm tin cho sinh viên".

Để đạt được hoài bão, không có con đường nào là nhung lụa

Trả lời câu hỏi xin tư vấn lựa chọn nghề nghiệp của các bạn sinh viên sắp ra trường là nên làm việc tại Bộ Ngoại giao với mức lương 1 triệu đồng/tháng hay làm việc tổ chức nước ngoài 10 triệu đồng/tháng, ông Phạm Gia Khiêm nhắn nhủ: "Mỗi một nghề đều có cái hay của nó. Làm công việc nào cũng tốt. Dù làm ở cơ quan nhà nước, hay làm ngoài cũng tốt, đều là phục vụ cho đất nước. Tuy nhiên, hãy chọn công việc mình thích là số một, còn đồng tiền kinh tế là số hai. Để đạt được hoài bão của mình không có con đường nhung lụa nào, đó là cả một cuộc hành trình vươn lên chính mình.

Bộ trưởng khích lệ: "Cháu hãy nói điều đó ra. Nếu không nói, cháu là người thiếu sự dũng cảm". Nghe ông Khiêm nói vậy, bạn sinh viên kể: chuyện sinh viên mất điểm thi, bị đổi điểm thi là chuyện thường xảy ra ở học viện. Các sinh viên khóa trước đành chấp nhận. Để tìm lại bài thi, sinh viên này phải mất rất nhiều thời gian, hỏi hết phòng đến khoa, người này đẩy trách nhiệm sang người kia, lại bị nghe những lời mắng mỏ của các thầy.

Đánh giá cao sự dũng cảm của sinh viên ấy, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo học viện cần nghiêm khắc xử lý không đề tình trạng này xảy ra. Ông cho rằng, các cấp lãnh đạo luôn tạo cơ hội cho TN phát triển song các bạn trẻ cũng phải dũng cảm đấu tranh, đừng rụt rè. Phải có tính chiến đấu kể cả khi thủ trưởng sai. Đừng có suy nghĩ tiêu cực "đấu tranh thì tránh đâu". Bộ trưởng thẳn thắn: "Tôi rất ghét những vị lãnh đạo "áp bức" nhân viên. Các bạn TN cứ phát hiện đi. Nếu tôi biết, sẽ xử lý ngay". 

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.